Trẻ học giới tính ở đâu?
Các Website khác - 14/02/2006
Trẻ học về giới tính chủ yếu qua sách báo (gioitinhtuoiteen).

Cứ 10 vị phụ huynh thì hơn 9 người nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính đối với con trẻ và cho biết có làm việc này, theo điều tra của VnExpress. Nhưng trong số người con tham gia khảo sát, chỉ có chưa đầy 3% cho biết đã tiếp nhận thông tin giới tính từ cha mẹ.

Nếu như trước đây, hầu hết người làm cha mẹ không tán thành việc giáo dục giới tính cho con mình vì sợ vẽ đường cho hươu chạy thì ngày nay, quan điểm chung đã thay đổi. Trong gần 6.500 bậc phụ huynh tham gia khảo sát của VnExpress, chỉ 5% để con mình tự tìm hiểu các thông tin về lĩnh vực này; còn đại đa số đều cho biết có chủ động dạy con về giới tính, tuy lứa tuổi bắt đầu có khác nhau.

Có đến 42% độc giả cho biết sẽ dạy con về giới tính từ khi con trên 10 tuổi nhằm giúp trẻ bớt bỡ ngỡ khi bước vào tuổi dậy thì. Chị Thu Lâm, một cô giáo cấp 3 cho biết: "Bọn trẻ bây giờ dậy thì sớm nên tôi cho rằng khoảng 11-12 tuổi là có thể biết đôi chút về giới tính. Chủ yếu tôi nói cho con biết về những thay đổi về cơ thể mà nó sẽ trải qua". Chị Lâm cũng như nhiều bậc phụ huynh khác thừa nhận, theo một "luật bất thành văn", trách nhiệm tế nhị này thường được trao cho người mẹ, và chủ yếu hướng về các bé gái. "Con gái đến tuổi là hành kinh, nếu không hiểu biết để giữ gìn thì có thể mang bệnh hoặc lỡ dại, không bảo không được. Còn con trai thì không cấp thiết bằng, có thể để chúng tự tìm hiểu dần" - chị Hải Như, một nhân viên kế toán tâm sự. Ngay cả với con gái, kiến thức mà các bà mẹ cung cấp cũng chỉ gói gọn trong vấn đề chu kỳ kinh nguyệt và khả năng thụ thai khi đến tuổi dậy thì.

Gần 45% phụ huynh cho biết chỉ dạy về giới tính khi con đã ngoài 15 tuổi, thời điểm mà các chuyên gia cho rằng hơi muộn để tiếp thu những kiến thức đầu tiên. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là cha mẹ cho rằng đến tuổi 15, trẻ mới đủ "tư cách" để tiếp nhận những thông tin về "chuyện người lớn", nếu nói sớm quá sợ phản tác dụng. Một số người vì e ngại nên cứ lần lữa mãi cho đến khi đứa con mới lớn hốt hoảng sau lần mộng tinh hoặc hành kinh đầu tiên. Tâm Anh, một sinh viên năm thứ 3 nhớ lại lần đầu được mẹ bảo ban: "Lúc đó trông mẹ dè dặt và hơi căng thẳng, nhưng những điều mẹ nói ra, em đã biết từ lâu rồi".

Có 6% độc giả cho biết chỉ nói chuyện người lớn với con khi trẻ 18 tuổi, gần 2% độc giả thậm chí còn đợi đến tuổi 20, khi con họ thực sự đã là người trưởng thành. Lúc này, hoặc đứa trẻ đã trở nên rất "ngố" về mặt giới tính, hoặc những thông tin của bố mẹ trở nên quá lạc hậu. Cực đoan hơn, khoảng 5% số phụ huynh cho rằng không cần bảo ban gì cả, "cứ đến tuổi khắc biết". Theo các chuyên gia, việc để trẻ tự tìm hiểu rất nguy hiểm vì khi không có định hướng, trẻ có thể tiếp cận với những thông tin ngoài luồng, độc hại và sai lệch.

Nếu dựa vào những tiết lộ của các bậc cha mẹ trong khảo sát trên, có thể cho rằng dù ít dù nhiều, phần lớn trẻ đều được cha mẹ dạy về giới tính. Nhưng một khảo sát khác trên những người con cho thấy, chỉ 2,8% trong gần 5.500 người tham gia biết về lĩnh vực này thông qua cha mẹ. "Có vẻ như bố mẹ ngại nói chuyện đó với chúng em, nên em cũng không dám hỏi vì sợ bị nghĩ là không lo học, chỉ quan tâm những chuyện bậy bạ. Thế nên tốt nhất là tự tìm hiểu, hỏi bạn bè và đọc sách báo" - Linh Giang, học sinh lớp 11, nói. Đây cũng là cách mà phần lớn trẻ vị thành niên lựa chọn khi cần biết các thông tin về giới tính, sức khỏe sinh sản. Trong khảo sát của VnExpress, hơn 41% độc giả biết về giới tính qua việc tự tìm hiểu, 38% biết qua sách báo, 11% qua bạn bè.

Chưa đầy 4% độc giả cho biết họ tiếp nhận thông tin loại này qua các buổi học ở trường lớp. Như vậy, những người có trách nhiệm dạy dỗ trẻ là cha mẹ và thày cô giáo đóng vai trò rất nhỏ trong giáo dục giới tính. Trẻ gần như tự mò mẫm tìm kiếm và tìm được cái gì nhiều khi là chuyện may rủi, tùy thuộc vào môi trường. Không ít trẻ "tìm hiểu" qua sách, tranh ảnh hoặc băng hình đồi trụy với những thông tin sai lệch. Anh Hoài, một kỹ sư ngành điện tử, cười khi nhớ lại chuyện của mình: "Hồi sinh viên, tôi cùng bạn xem phim sex và đau khổ vô cùng khi thấy 'cái ấy' của mình có kích thước không hùng dũng như anh chàng trên phim. Sau này đọc một bài tư vấn trên báo thì biết mình hoàn toàn bình thường, đến khi lấy vợ thấy cũng 'đủ dùng' mới thực sự yên tâm".

Những chuyện như của anh Hoài chắc chắn không hiếm khi cha mẹ và người lớn còn ngại ngùng nói chuyện giới tính với trẻ và để "hươu tự tìm đường chạy".

Hải Hà