Sau khi cưới, tôi không nghĩ là mình thay đổi. Tôi vẫn thể hiện tình yêu với nàng như trước khi cưới. Tôi khen nàng đẹp, nói với nàng rằng tôi yêu nàng biết bao, rằng tôi tự hào là chồng nàng.
Thế nhưng vài tháng sau ngày cưới, nàng bắt đầu phàn nàn ca cẩm; thoạt tiên là những chuyện lặt vặt - chẳng hạn như tôi quên không đổ rác hoặc là vứt quần áo lung tung. Rồi tới chỉ trích tính cách của tôi, bảo là thấy không thể tin tưởng tôi được nữa. Nàng hoàn toàn khác trước. Khi chưa cưới, nàng là một người lạc quan nhất mà tôi gặp. Đó là một trong những điều khiến tôi thấy nàng hấp dẫn. Nhưng khi cưới rồi thì dường như tôi chẳng làm đúng được chuyện gì.
Tâm sự trên phải chăng là một minh chứng cho châm ngôn hài hước: "Yêu không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng, nhưng sau đám cưới mới phát hiện chàng bị cận nặng còn nàng bị viễn thị"?
Một nhà tâm lý về trẻ em ví von rằng: “Trong mỗi đứa trẻ có một "bể yêu thương" luôn chờ đợi được rót đầy tình yêu thương. Khi được yêu thương, trẻ sẽ phát triển bình thường nhưng khi bể chứa tình yêu trống rỗng, đứa trẻ sẽ làm điều sai quấy. Phần lớn hành vi sai quấy nơi trẻ em là do khao khát lắp đầy "bể yêu thương” trống rỗng của chúng thúc đẩy".
Thật ra, người lớn lẫn trẻ em đều có "bể yêu thương". Trong trái tim của mỗi người ở lứa tuổi nào cũng tồn tại một nhu cầu mãnh liệt là được yêu thương và gắn bó với người khác. Nơi người lớn, hôn nhân đáp ứng nhu cầu được yêu thương và gắn bó đó. Nhưng cũng như chiếc xe, bạn không đổ xăng một lần rồi chạy mãi. "Bể yêu thương" của mỗi người không lấp đầy vĩnh viễn bằng lễ cưới. Cũng như trẻ con luôn chờ đợi được rót đầy yêu thương, khao khát tình yêu lãng mạn trong cuộc sống hôn nhân là một khao khát có nguồn gốc sâu xa từ trong cấu trúc tâm lý con người. Vậy, giữ cho "bể yêu thương" luôn đầy là điều quan trọng trong cuộc sống vợ chồng y như bạn phải để ý đến đồng hồ báo xăng của chiếc xe bạn chạy để biết lúc nào cần nạp thêm nhiên liệu. Và xem ra, chạy một chiếc xe đã cạn xăng còn dễ hơn là cố vận hành một cuộc hôn nhân với "bể yêu thương" đã kiệt!
Tất nhiên nạp đầy "bể yêu thương" không đơn giản như nạp xăng! Chính xác là quá phức tạp! Người chồng thì không sao hiểu nổi cũng những lời yêu thương mà trước đám cưới chàng vẫn dành cho nàng, giờ cứ như thể chàng nói tiếng nước ngoài với nàng vậy! Trong khi người vợ thì chua chát: "Suốt ngày anh ấy chẳng thèm ngó ngàng gì đến tôi nhưng tối đến thì luôn đòi hỏi!''. Không phải đó là người vợ ghét chuyện chăn gối vì lãnh cảm mà vì điều cô khao khát là cảm xúc tình yêu.
Không phải ai cũng có thể hiểu được hoàn toàn cách thể hiện tình yêu của người kia. Nói cách khác tình yêu được thể hiện qua nhiều ngôn ngữ và hiếm cặp vợ chồng nào có cùng "ngôn ngữ mẹ đẻ" trong việc thể hiện tình yêu. Điều đó là tất nhiên vì trước hôn nhân mỗi cá thể được sinh ra và lớn lên từ hai môi trường, hai nền tảng giáo dục, hai văn hóa ứng xử... - vốn là những yếu tố căn bản hình thành "ngôn ngữ mẹ đẻ" về tình yêu cho mỗi người - khác nhau. Không hiểu sự "khác biệt ngôn ngữ tình yêu làm cho bên nào cũng cảm thấy nỗ lực của mình là vô vọng. "Bể yêu thương" của mỗi người chẳng những không được làm đầy mà ngày một cạn dần. Đó chính là nguyên nhân gây ra những tổn thương sâu sắc: phản ứng gay gắt, lời lẽ khó chịu, thái độ chỉ trích... dành cho nhau.
Nếu loài ngôn ngữ tình yêu mà người chồng hiểu rõ nhất là ngôn ngữ xác định, anh sẽ cần biết người vợ hài lòng như thế nào về những điều anh đã làm cho gia đình. Nhưng nếu tình ta luôn giữ trong lòng những gì nàng thấy hài lòng, còn điều nói ra lại toàn là để "chỉnh sửa" những gì nàng chưa hài lòng thì cuối cùng anh cảm thấy sẽ thế nào. Hoặc nếu ngôn ngữ tình yêu của người vợ là thời gian có ý nghĩa", nàng sẽ có nhu cầu rất lớn về những lúc bên nhau. "Bể yêu thương" của người vợ hiểu loại ngôn ngữ tình yêu "thời gian có ý nghĩa" này sẽ không thể đầy, nếu không nói là nhanh chóng cạn kiệt, khi người chồng chỉ lo làm việc kiếm tiền với ý muốn bảo đảm một gia đình hạnh phúc!
Khi hai bên thể hiện ngôn ngữ yêu thương bằng hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, sẽ không tránh khỏi kết luận quen thuộc: “Giấc mơ sống hạnh phúc bên nhau từ đây mãi về sau” trong ngày cưới đã dội ngược trước bức tường đá thực tiễn! Nhưng một khi nhận dạng và học được cách nói bằng ngôn ngữ tình yêu của người bạn đời, bạn sẽ tìm được chiếc chìa khóa bước vào một cuộc hôn nhân lâu dài bền vững, hạnh phúc.
DNSGCT
▪ Đàn ông như đèn giao thông! (16/12/2004)
▪ Khi chàng quá hấp dẫn (15/12/2004)
▪ 10 bí quyết cho lá thư tình (15/12/2004)
▪ Hiểu trái tim chàng! (15/12/2004)
▪ Đám cưới... khoe giàu (16/12/2004)
▪ Học làm chồng (15/12/2004)
▪ Chàng ''ngại'' chăn gối hay chàng chán em? (14/12/2004)
▪ Đừng kể cho chồng về tình cũ, giấc mơ (15/12/2004)
▪ Cách “hạ nhiệt” của người chồng khi xảy tra tranh cãi (15/12/2004)
▪ Chàng không muốn cưới (14/12/2004)