Khi chàng ngại về nhà
Các Website khác - 20/05/2006

Đàn ông bắt đầu không muốn về nhà khoảng 1 năm sau ngày cưới. Mặc kệ những cú điện thoại réo rắt, những tin nhắn trách móc của vợ, chàng không còn hào hứng trở về gặp gỡ người phụ nữ như khi họ còn trong giai đoạn hẹn hò. Họ biết ở nhà chẳng có gì mới mẻ và hấp dẫn trong khi bên ngoài cánh cửa ngôi nhà của họ ở luôn là những thứ đầy mới mẻ đang chờ đợi họ khám phá.

Lấy nhau được 3 năm, cuộc hôn nhân của Tùng và Phương đang trải qua giai đoạn trầm của khuông nhạc tình yêu.

Từ ngày còn là sinh viên, Tùng đã luôn phải chịu đựng tính hay làu bàu, nói nhiều của Phương. Phải mỗi tật nói nhiều nhưng Phương lại được cái tốt nết và không để bụng lâu. Chính vì vậy mà anh quý trọng và yêu thương cô hết lòng. Tùng là dân ở tận Lâm Đồng lên thành phố lập nghiệp và thành đạt nên Phương khâm phục.

Tình yêu của họ gặp một số trở ngại khi mà bố mẹ cô yêu cầu Tùng phải ở rể. Họ không muốn cô con gái duy nhất của mình lại trao tặng cho một chàng trai “phố núi”.

Lúc đầu, Tùng chẳng chịu nghe vì như thế khác nào phận “chó chui gầm chạn” chẳng đáng mặt nam nhi. Anh nhất quyết không nghe theo quyết định của cha mẹ Phương. Về phần mình, Phương cũng quen sống trong cảnh sung sướng, chẳng phải mó tay vào việc gì nên cũng thích được ở cùng bố mẹ. Nhưng trước thái độ kiên quyết đến lạnh lùng của anh cô đành chấp nhận thuê nhà ở riêng.

Năm đầu tiên, cuộc sống của họ diễn ra khá suôn sẻ, đôi uyên ương thoải mái tận hưởng hanh phúc của những cặp vợ chồng son. Đến năm thứ hai khi Phương mang bầu tháng thứ 6, cô đề nghị anh dọn về sống với bố mẹ mình để tiện việc sinh nở và có người chăm sóc.

Ban đầu, Tùng vì tự ái mà lưỡng lự, nhưng hết nịnh nọt lại đến giận hờn, anh đành chiều theo ý bà bầu mà trong lòng cũng vương một chút ấm ức.

Được về nhà, Phương như chim sổ lồng, cô bớt chăm chỉ hẳn, chỉ suốt ngày ngồi kêu mệt mỏi và chẳng động chân động tay làm việc gì. Cứ mỗi khi đi làm về muộn là y như rằng Tùng lại gặp ánh mắt dò xét của bố mẹ cô.

Khi sinh con xong, Phương tỏ ngay thái độ muốn ở hẳn nhà bố mẹ để có người trông cháu. Cô suốt ngày ca điệp khúc: “Công việc của em và anh bận thế thì lấy đâu ra người trông con. Làm sao có ai tốt bằng ông bà. Anh chịu khó vì con đi mà”.

Dạo này công ty của Tùng đang làm dự án nên bận liên miên, nhưng hễ cứ mò được về đến nhà Tùng lại nghe Phương càu nhàu: “Anh cứ đi tối ngày, anh phải để ý xem con nó lớn thế nào? Sáng đi thì con chưa dậy, tối về thì con đã ngủ”.

Vừa mới tắm xong, Phương "đập" thẳng vào mặt Tùng: “Tiền tháng này thiếu nhiều quá đấy, anh phải nghĩ đến em và con chứ”.

Có những hôm Tùng về sớm ăn cơm cùng gia đình, Phương không những không phục vụ anh mà lại còn sai phái bắt anh lấy thứ nọ thứ kia, kể tội và so sánh anh trước mặt bố mẹ cô với mấy ông chồng của cô bạn: “Cái Nga ở cơ quan em vừa được chồng tặng cho một bộ dây chuyền nhân dịp sinh nhật, có chồng thế mới sướng chứ...".

Cứ như thế, niềm tự ái trong Tùng dâng lên cao hơn. Anh thấy Phương ngày càng quá quắt, cô không con hiểu và tôn trọng anh như ngày xưa nữa. Chính vì vậy, cứ hết giờ làm anh lại thích ngồi quán xá bụi bặm với mấy ông bạn, đơn giản là chỉ ngồi nhâm nhi với nhau cốc bia hơi và đĩa lạc hơn là quay trở về ăn bữa cơm thịnh soạn với vợ. Không phải anh cố tình làm như vậy mà là do cứ đến bữa anh lại nghe "bản tin phát thanh" chao chát của vợ. Thế là "trốn nhà là giải pháp an toàn để tránh bom oanh tạc" của vợ.

Chuyện của Minh Nghĩa và Kim Huệ

Có những người đàn ông không phải vì vướng mắc chuyện gì đó trong gia đình mới không muốn về nhà, mà đơn giản "sinh thời" họ đã quen đàn đúm tụ tập. Nếu mấy ngày không được hàn huyên với mấy anh bạn chí cốt, với đàn ông cuộc sống cứ nhàn nhạt như thiếu muối.

Minh Nghĩa chính là mẫu đàn ông như vậy. Thuở còn mặn nồng yêu đương, Huệ đã không ít lần bị cho leo cây vì tính “không thể bỏ bạn bè lại được” của Minh. Nhưng Minh lại xin lỗi và hứa sửa chữa thì Huệ lại bỏ qua vì cô tin khi đã có một gia đình, bản chất la cà của Nghĩa sẽ được dẹp bỏ.

Thế nhưng sự đời lại không như vậy, Nghĩa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người chồng, yêu vợ, yêu con, mang tiền đầy đủ về nhà, chỉ mỗi tội một tuần thì chỉ ăn cơm với được nhiều nhất là hai lần. Khóc lóc, khuyên nhủ đủ kiểu, Nghĩa vẫn im lặng như một tờ giấy.

Cô cũng hiểu nghề copywriter của anh rất cần có nhiều ý tưởng và việc “vạ vật” chỗ nọ chỗ kia cũng là cách để anh sáng tạo và thăng hoa. Nhưng càng ngày anh càng tệ hơn. Cứ đến giờ giờ cơm là y như rằng điện thoại tắt máy. Cô biết anh cố tình làm thế để lảng tránh tiếng cằn nhằn và giục giã của vợ nhưng cô vẫn tức.

Có lúc nghi ngờ Nghĩa có bồ nhưng qua mấy lần làm “trinh thám” cô biết được bản chất con người anh lại trở về thời trai trẻ. Chẳng cần vào những nhà hàng sang trọng đắt tiền, chẳng cần phải đến những món ăn sơn hào hải vị, Nghĩa chỉ cần say sưa chén chú chén anh để hưởng thụ cái không khí náo nhiệt tưng bừng của hội hè đàn đúm, nơi cứ việc cười ha hả và tán phét thỏa thích. Và khi tâm hồn phơi phới, anh mới nhớ ra mình phải về nhà vì mình đã có một gia đình.

Chuyện của Thế Khiêm và Mai Hạnh

Khác với những Nghĩa và Tùng, cứ hết giờ làm việc là Khiêm vẫn cứ nấn ná ở cơ quan, đánh vài ván bóng bàn với mấy anh bạn đồng nghiệp. Chẳng có nguyên nhân gì to tát cả, đơn giản là vì anh không muốn về nhà trước vợ.

Hai vợ chồng Hạnh Khiêm tự ra đề ra "quy định": "Nếu anh về nhà trước phải đi đón con, phải nhặt rau, phải nấu cơm, lúc nấu cơm thì tiện thể dọn dẹp lại nhà cửa cho gọn gàng và ngược lại”.

Có hôm "chẳng may" anh về nhà đúng vào lúc vợ đang nấu cơm, vừa ngồi xả hơi gác chân lên xem ti vi hay đọc báo, Khiêm đã nghe nghe kêu than: "Anh phải giúp em chứ, có phải mỗi anh là mệt đâu, em cũng đi làm 8 tiếng giống anh cơ mà!".

Cực chẳng đã, Khiêm đành đánh quả liều là lê la chán ở ngoài rồi mới về đúng giờ ăn cơm để trốn việc nhà. Làm ở phòng hành chính của bệnh viện Bạch Mai, quỹ thời gian của Khiêm có vẻ rất dư dả, anh thừa thời gian để về nhà trước trong khi vợ đang bận túi bụi ở công ty.

Tuy nhiên, bản tính đàn ông là vậy, tội gì phải về nhà trước vợ để mà làm toàn những việc “con cá lá rau”. “Đàn ông chỉ làm việc lớn, còn việc nhà là của đàn bà”, với tư tưởng như vậy nên Khiêm điềm nhiên thấy “trốn việc nhà” làm lý do để cho mình được la cà và về nhà muộn.

Cũng có nhiều hôm, Khiêm về sớm hoàn thành trách nhiệm của một ông chồng để làm Hạnh vui lòng nhưng đấy chỉ là chiêu để Hạnh khỏi phàn nàn mà thôi. Còn lại thì họa hoằn lắm mới thấy anh đến nhà trẻ đón con và nấu bữa cơm hẳn hoi tử tế.

Chuyện của Kiều Thanh và Minh Trí

Thanh vợ Trí là trưởng phòng kinh doanh của một công ty liên doanh với nước ngoài. Thành đạt trong công việc, duyên dáng trong giao tiếp.

Ngày còn là sinh viên Tài chính Ngân hàng của Học viên ngân hàng cô khấp khởi vui mừng khi lọt tầm ngắm của Trí, một anh chàng hiền lành và đứng đắn. Tình yêu sâu đậm dẫn đến một đám cưới giản dị nhưng ngập tràn hạnh phúc.

Với tài năng và sự thành thạo trong nhiều lĩnh vực Thanh dễ dàng được tuyển vào những công ty liên doanh. Môi trường làm việc với những cộng sự người nước ngoài tạo điều kiện để cô có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, rèn giũa cho cô nhịp lao động khẩn trương. Cô tiến bộ rất nhanh khi tiếp cận với kiến thức kinh doanh, mở được nhiều cánh cửa vào con đường công danh. Trong khi đó, Minh vất vả lắm mới làm được một anh công chức quèn trong một xưởng in báo. Công việc khá rảnh rỗi, có thời gian là anh thích bù khú bạn bè, lai rai bia bọt sau giờ làm việc. Anh tự trấn an gặp gỡ bạn bè tiền bạc lo cho gia đình, anh không phải bận tâm vì vợ có thể lo liệu.

Đến một ngày, mọi câu chuyện về gia đình anh đều xoay quanh việc ca tụng Thanh. Nhìn quanh nhà thấy thứ gì cũng cũng là do vợ mua sắm anh đâm ra chán nản và bất lực. Không những thế mấy cậu bạn chí cốt lúc nào cũng "mở màn" cho cuộc nhậu bằng việc khen anh thật may mắn khi có cô vợ vừa xinh đẹp vừa giỏi giang. Lòng tự trọng của anh bị tổn thương, anh thấy mình là người thừa, thấy mình... tội nghiệp, thảm thương bên cạnh bà vợ rực rỡ. Anh lao vào nhậu nhẹt, vui chơi, tìm cớ vắng nhà.

Chi Anh