Hồi nhỏ, em có bao giờ như thế không, cảm thấy thật là khó nói với bố mẹ một điều gì đấy: Điểm kém, quên vở, đánh bạn, làm đổ mực, vỡ lọ hoa hay mất đôi giày mới mua ngoài sân bóng... lần khó nói gần như cuối cùng có lẽ là lần thông báo với gia đình người yêu định cưới. Bọn ngốc!
Đàn ông thế cả. Cưới rồi mới biết những điều khó nói hoá ra nhiều nhiều hơn gấp nhiều nhiều lần, bởi không phải nói với bố mẹ nữa mà là nói với vợ. Lương tháng chậm lĩnh hoặc trót tiêu rồi, áo sơmi sờn cổ, quần thủng tàn thuốc lá, tiền tiêu vặt khi đi công tác, không muốn ăn một nồi cá kho suốt 7 ngày trong tuần, váy của vợ bó quá hoặc xẻ sâu quá v.v... cả trăm ngàn thứ, thứ nào nói ra cũng khó. Mặc cảm tội lỗi đeo đẳng nặng gấp mấy lần ngày xưa. Lỗi của mình khó nói đã đành, lỗi của người khác cũng khó nói. Thà mang tiếng là một anh chồng thiếu tế nhị ngay từ ngày mới cưới, còn hơn tế nhị và chịu đựng suốt (có lẽ là suốt đời). Anh hơi ân hận vì đã không tỏ ra thiếu tế nhị từ đầu. Anh quyết tâm làm một người chồng tốt từ khi có ý định lấy vợ, sai lầm thế đấy. Sách vở cứ dạy người ta yêu thương tôn trọng nhau, dạy thế thì đúng thôi, nhưng yêu thương tôn trọng nhau theo cách nào là đúng thì sách vở lại chẳng nói cho rõ gì cả. Hôm qua phòng anh có một cô bé, ra trường 2 năm, chuẩn bị cưới chồng. Anh nghe lỏm thấy mấy chị phụ nữ đứng tuổi trong phòng dạy dỗ cô ấy thế này: "Về nhà chồng, em cứ ốm cho chị khoảng một tuần, lý do gì cũng được, kể cả lý do ốm nghén, đợi chồng quen việc đi, biết rửa bát nấu cơm, lúc ấy hãy tỏ ra khoẻ. Mình cứ ôm việc từ ngày đầu là chồng, cả nhà chồng nữa, ỷ lại đấy!". Ô hay, hoá ra đàn bà dạy dỗ nhau như thế. Lúc anh lấy vợ, tức là lấy em ấy, chẳng ai dạy anh điều gì tương tự thế cả. Lúc nào cũng "là đàn ông phải biết lo cho gia đình", "đừng để vợ con con phải khổ"... Anh phải chuẩn bị tư tưởng làm trụ cột gia đình, làm chỗ dựa cho vợ con về mọi mặt - ừ thì là về mặt tư tưởng thôi. Sau này sống đời sống gia đình mới biết làm trụ cột hoá ra cũng dễ, nhất là trụ cột về mặt tư tưởng. Anh không đi chợ nấu cơm, không quét dọn rửa bát (làm những việc ấy còn gì là đàn ông nữa), cũng không đi họp phụ huynh, không thăm hỏi họ hàng đau ốm cưới xin ma chay... Việc này xét cho cùng đàn ông chỉ cần chỉ đạo thôi, đàn bà thực hiện. Nhưng bù lại, anh là một người chồng tế nhị, một người chồng chất chứa rất nhiều điều khó nói mà không nói ra vì tế nhị. Như thế chẳng lẽ chưa đủ hay sao? Anh đã không bình luận gì khi em thay đổi kiểu tóc. Cũng không nói năng gì khi tủ áo của em quá chật chội, và em quên hẳn một ngày giỗ quan trọng mà bà nội bọn nhỏ nhà mình nhắc nhở trước đó cả tuần... Anh nghĩ thế anh cũng là người biết điều, biết nhịn và biết giữ những điều khó nói lại trong lòng. Em cũng phải ghi nhận điều ấy chứ, đúng không em? Đấy, như hôm qua, canh rất mặn vì hình như em nêm mắm muối những hai lần, mà anh có nói gì đâu. Ăn thì khó, nói ra lại càng khó. Em nên nhìn nhận sự tế nhị của anh một cách đúng mức, để những lời than thân trách phận của em, nếu có, bớt đi được phần nào. Trần Minh |
▪ Học cách lắng nghe trong tình yêu (21/01/2005)
▪ Sức mạnh của lời khen trong cuộc sống vợ chồng (20/01/2005)
▪ Những 'phi công trẻ lái máy bay bà già' (20/01/2005)
▪ Đàn ông cần một chỗ dựa (20/01/2005)
▪ Cách nhận biết nhanh kẻ nói dối (19/01/2005)
▪ 4 thứ nhạy cảm với đàn ông (18/01/2005)
▪ Quan niệm của thanh niên Trung Quốc về tình và tiền (2) (17/01/2005)
▪ Khi người yêu là sếp (14/01/2005)
▪ Vì sao đàn ông và phụ nữ cãi nhau? (14/01/2005)
▪ Tại sao phụ nữ không chọn tôi? (13/01/2005)