Trung Quốc có hơn 3.000 năm phong kiến, được đảm bảo một phần bởi gia đình ổn định. Ngày nay, các tế bào xã hội của nước này đang thay đổi về cấu trúc: chuyện hẹn hò là một khái niệm mới, có lẽ bắt đầu cách đây 4 năm.
Trước kia, người ta không bao giờ nói về "bạn trai" hoặc "bạn gái". Một người bạn đặc biệt thường được gọi là "đối tác" và thường có nghĩa là sắp kết hôn. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Ở thành phố, phụ nữ mời nam giới đi chơi. Thanh niên Trung Quốc muốn tìm hiểu đối tác. Khái niệm "hẹn hò cấp tốc" bắt đầu xuất hiện ở Bắc Kinh.
Khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường, một nhân tố quan trọng trong hôn nhân đã bị loại bỏ: đó là thủ trưởng đơn vị. 50 năm liền, thủ trưởng cơ quan luôn có vai trò lớn trong các công ty nhà nước. Họ sẽ giúp giải quyết các vấn đề của gia đình, ví dụ giúp những phụ nữ sắp đến tuổi thành "các bà cô", thường ở tuổi 30, tìm bạn trăm năm và cho phép các đôi kết hôn.
"Nếu bạn bước sang tuổi 28 và vẫn độc thân thì thủ trưởng của bạn sẽ giúp một tay", Yu Jiang, một phụ nữ độc thân 27 tuổi, người vừa bỏ việc tại một công ty liên doanh với Mỹ, cho hay. Giờ đây, thủ trưởng cơ quan không còn phê duyệt các cuộc hôn nhân nữa.
Đám cưới hồi những năm trước 1980 thường rất đơn giản, ngắn gọn và không tốn kém. Trong số các đám cưới ở Purple House, một trung tâm môi giới ở Bắc Kinh, có tới 70% được thực hiện theo kiểu phương tây với váy trắng, nhà thờ, tiệc chiêu đãi, Shi Yu, người dẫn chương trình của Purple House cho biết. Trước đây mỗi đám cưới thường tốn khoảng 40 USD và giờ đây chi phí lên đến 40.000 USD.
Một khi đã cưới xong, các đôi vợ chồng Trung Quốc không sống cùng cha mẹ nữa và đây là một điểm thay đổi lớn. Khoảng 60 tới 70% các đôi vợ chồng không sống cùng cha mẹ và hầu hết các đôi được hỏi cho biết họ sẽ không chọn cách đó nếu có đủ tiền ra ở riêng. "Không được", Jun Yaolin mới kết hôn cách đây 2 năm cho hay. "Chúng tôi sẽ cãi nhau mất". Xu hướng chung là sống gần nhà cha mẹ, thường là cách vài khu nhà. Và điều này tạo ra một xu hướng nữa là ông bà trông nom các cháu.
Việc ly hôn, từng bị xã hội lên án, giờ trở nên phổ biến và tỷ lệ này ngày càng tăng. Tại Thượng Hải năm 2001, cứ 3 cặp vợ chồng thì có một đôi ly dị, Xinhua cho hay.
Chính sách một con kết hợp với việc các cặp vợ chồng đủ khả năng mua căn hộ riêng đang tạo ra xu hướng tạo "tổ ấm riêng" và khiến cho người già chịu cảnh cô đơn. Trung Quốc vẫn là một quốc gia nơi người già được tôn trọng. Một tiết mục quảng cáo trên truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh một cụ bà nấu nướng cả ngày. Khi bà bày bàn ăn cho bữa tối, các con bà lần lượt gọi điện đến: "Con không đến được. Ngày mai con đến được không?". Mục quảng cáo đó kết thúc bằng hình ảnh bà cụ ngồi ăn một mình bên chiếc bàn đầy thức ăn, với dòng chữ "Đừng quên cha mẹ bạn".
"Gia đình truyền thống đã thay đổi, ngày càng loãng đi và xu hướng trở thành gia đình hạt nhân", Dong Zhiying, một học giả tại Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho hay. "Trước đây, người ta thường cho rằng con cái phải chăm sóc cha mẹ, giờ thì khác rồi. Trước đây trong gia đình người già thường chi phối. Những người ít tuổi hơn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc kính trọng họ. Quyền lực của cha mẹ dựa vào tiền bạc và sức mạnh, nếu không tôn trọng họ, bạn sẽ không được yêu quý".
"Ngày nay, thị trường, tri thức phát triển đã làm biến đổi gia đình. Người trẻ tuổi không còn thờ phụng người già như trước nữa. Họ có thể tự lập và tự đưa ra quyết định".
Những tranh cãi về giá trị gia đình
Hầu hết người Trung Quốc đồng ý rằng gia đình đang trải qua những thay đổi lớn. Một số cảm thấy xã hội đang đối mặt với sự rối loạn nghiêm trọng vì mất đi những giá trị như sự hy sinh, chung thuỷ và lòng trung thành. Số khác cho rằng Trung Quốc đang nổi lên sau một giai đoạn cải tổ, trưởng thành hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn.
Ở một mức độ nào đó, đây là cuộc chiến giữa những người theo tư tưởng tiến bộ và những người mang tư tưởng truyền thống. Những người có tư tưởng truyền thống thì cho rằng văn hoá tiền bạc mới sẽ làm xã hội Trung Quốc suy đồi và đẩy đất nước này vào một tương lai không chắc chắn. Họ cho rằng phụ nữ đang trở thành công cụ tình dục và các đôi đang làm giảm giá lẫn nhau. Họ cho rằng những năm 1950 đến 1980 là giai đoạn ổn định, hạnh phúc khi các giá trị đạo đức được đề cao.
Xia Xueluan, giáo sư Đại học Bắc Kinh, cho hay: "Giờ đây, khi một cô gái gặp một chàng trai, câu hỏi đầu tiên là 'Anh có nhà không? Anh có ôtô không?'. Điều đó tạo áp lực lớn lên các cuộc hôn nhân và các ông chồng bởi họ phải kiếm thật nhiều tiền".
Số theo tư tưởng tiến bộ cho rằng ít người muốn từ bỏ những gì họ mới đạt được, ví dụ như quyền được lựa chọn. Cả hai giới cảm thấy tự do hơn. Trước đây, các cuộc hôn nhân bị giới hạn bởi hoàn cảnh gia đình. Việc ly dị là không được phép và thường bị chê cười.
"Trong quá khứ, người ta không có tiền và buộc phải dựa vào người khác", Dong Zhiying, thành viên Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, bình luận. "Tất cả chúng tôi sống cùng nhau và ăn cùng nhau; chúng tôi phụ thuộc vào những cái sẵn có, dù nó mặn hay ngọt. Giờ đây bạn có thể tự gọi món ăn của mình".
Nhiều người Trung Quốc cảm thấy những vấn đề liên quan đến văn hoá tiền bạc đang bị đánh giá thấp song không muốn thay đổi. Một số người cảm thấy áp lực về học hành và công việc khiến các vị phụ huynh không chú trọng đến việc cư xử, sự khiêm tốn và lịch sự. Nhiều người phiền lòng trước kết quả một số nghiên cứu, theo đó tỷ lệ quan hệ tình dục và tự sát ở tuổi vị thành niên đang tăng lên. Họ muốn một cách giáo dục đạo đức mới mà theo đó, con người có trách nhiệm với xã hội hơn.
Ngọc Sơn (theo CSM)
▪ Khi người yêu là sếp (14/01/2005)
▪ Vì sao đàn ông và phụ nữ cãi nhau? (14/01/2005)
▪ Tại sao phụ nữ không chọn tôi? (13/01/2005)
▪ Quan niệm của thanh niên Trung Quốc về tình và tiền (1) (13/01/2005)
▪ Chàng nói gì sau lưng bạn? (12/01/2005)
▪ Khi “mày râu” thất tình (12/01/2005)
▪ "Hâm nóng" tình yêu trong cuộc sống vợ chồng (12/01/2005)
▪ Lắng nghe nàng nói (11/01/2005)
▪ 7 cách để gần nhau hơn (11/01/2005)
▪ "Vợ là cơm nguội trong nhà" (10/01/2005)