Làn sóng "đồng cư" trong giới trẻ Đài Loan Thẩm Hồng Thụy Hiện tượng "góp gạo thổi cơm chung" được người Đài Loan gọi là "đồng cư". Làn sóng mới này trong xã hội Đài Loan hầu hết rơi vào giới trẻ - chàng và nàng sống cùng nhau, không hôn thú, cũng chẳng nghĩ xa đến mức... hôn nhân. Âm thầm và công khai Để lan tỏa được sang lưu học sinh nước ngoài, hiện tượng đồng cư đã trở nên khá phổ biến ở đất nước này. Cô giáo Khương Quân Phương ở Cao Hùng cho biết: "Bây giờ thì ngay cả các ông già bà lão đầu óc bảo thủ cũng không ý kiến gì". Còn cô dâu VN tên M.B kể: "Khi tôi mới đặt chân sang Cao Hùng làm dâu cách đây 4 năm, thì cô em chồng đã dọn ra ngoài sống với bạn trai". Cả nhà biết cô đồng cư với một người đàn ông nhưng không nói gì. Các ông bố bà mẹ ở Đài Loan giờ không còn quản được con cái một khi các cô cậu đã đi làm, kiếm được tiền để thuê nhà và ở cùng bạn tình. Từ đồng cư trong đời thực... Theo một tờ nhật báo Đài Loan, toàn Đài hiện có khoảng 400.000 cặp nam nữ đang sống với nhau, độ tuổi từ 19, 20 đến trên 40, 50. Góp một tỉ lệ không nhỏ vào làn sóng đồng cư là giới sinh viên. Trang mạng Tự Do Tân Văn làm một cuộc điều tra về những lý do dẫn đến đồng cư và đã nhận được những câu trả lời của nam SV: Đồng cư để có người chia sẻ tiền thuê nhà; tiết kiệm vì có thể dùng chung một số vật dụng; có người để nhờ vả giúp một số việc; có người để tâm sự sớm hôm... Giáo sư Ngụy Tuệ Mỹ (khoa Giáo dục giới tính - ĐH Sư phạm Cao Hùng) nhận xét: "Sự tiện lợi là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy làn sóng đồng cư trong giới trẻ". Nhiều cặp sống chung không thích chọn con đường hôn nhân lý luận: "Hôn nhân làm phát sinh thêm gánh nặng họ hàng bên chồng/vợ, nhiều khi tiền trong túi mình cũng không còn là của mình". Nick Mai Căn cảm nhận được rằng: "Đồng cư ít trách nhiệm với nhau hơn, tình cảm dễ thay đổi, và đặc biệt là dễ chia tay". Trên thực tế, kết cục chia tay của những cặp đồng cư không dễ dàng như Mai Căn nghĩ. Mới đây một phiên toà tại Đài Bắc xử vụ tranh chấp giữa cặp đồng cư ông Vương - bà Mao từng ở cùng nhau 14 năm từ thời son rỗi. Sau khi chia tay, ông Vương đã kiện bà Mao suốt 6 năm để đòi lại số tiền đã bỏ ra làm ăn khi hai người còn mặn nồng, nhưng bà Mao cho rằng đó là "sinh hoạt phí". ... đến đồng cư trên mạng Đồng cư trong đời thực nhiều khi nảy sinh mâu thuẫn mất hết sự thi vị ngọt ngào, có lúc phải ngậm đắng thua kiện như ông Vương, nên nhiều người đã tìm đến sống chung trên mạng. Một trang web do một nhóm thanh niên tuổi đời dưới 25 lập ra trên một năm đã thu hút hơn 560.000 hội viên, trong đó có tới 50.000 cặp đồng cư trên mạng. Quản trị mạng tên Lâm Đông ái nói: "Chúng tôi cung cấp cho họ một thiên đường, ở đó họ cảm thấy hạnh phúc. Không hề có cãi vã, chỉ có ngọt ngào". Quản trị mạng tên Trương Gia Danh cho biết, những cặp đồng cư gặp nhau qua mạng mỗi ngày. Có cặp độ tuổi kỷ lục là 11 và 12, hết trao đổi bài vở đến những con vật cưng nuôi trong nhà, cũng nói về bản thân và tự đánh giá là "con ngoan trò giỏi". Có những biến số - theo Trương: "Một cặp nam 35 tuổi và nữ 32 tuổi đã lập gia đình và có con, sau 4 ngày sống chung trên mạng đã "không thể nhịn được nữa" đành phải hẹn hò gặp nhau. Cũng có nhiều người chưa có gia đình tìm được một nửa của mình". Do ảnh hưởng của lối sống hiện đại phương Tây, ngày nay những học sinh lớp 6, lớp 7 đã phải thường xuyên nghe đến hai chữ "đồng cư". Giáo sư Ngụy Tuệ Mỹ cho rằng: "Hiện tượng này dễ dẫn đến tổn thương cho cả hai phía khi xảy ra trục trặc". |
▪ Lam Trường luôn tự hào về vợ (16/09/2005)
▪ Thanh Thảo viên mãn (16/09/2005)
▪ Ly hôn (14/09/2005)
▪ Hơi bị... yêu em (12/09/2005)
▪ Đàn ông thích phụ nữ đầy đặn hay mảnh mai? (13/09/2005)
▪ Quyền Linh lấy vợ (10/09/2005)
▪ Ngọai tình ảo, hậu quả thật (10/09/2005)
▪ Những điêù "làm chùn bước chân" của chàng (09/09/2005)
▪ Em ơi đừng nói (08/09/2005)
▪ Đàn ông cung Xử Nữ (08/09/2005)