Lấy vợ "quê"
Vũ Dũng Minh Làng tôi trước đây chuyên canh hoa cảnh. Cách đây 10 năm, làng trở thành phố, rồi bỗng thành phường trọng điểm của quận mới Tây Hồ. Các xã viên HTX rau màu nay bỗng trở thành những thị dân. Nhiều trai làng sinh ra từ thời HTX, phần nhiều tuổi đã trạc tứ tuần, chưa bấu víu được vào đâu vì "chân không tới đất, cật không đụng trời" muốn có được tấm vợ cho yên bề gia thất. Chỉ còn một cửa về quê. Vậy là bùng nổ dịch vụ lấy vợ quê và quanh chuyện này có biết bao điều đáng nói... Dịch vụ đổi đất... Bắt đầu là đám cưới cậu con trai cả ông tổ trưởng dân phố. Anh năm ấy 38 tuổi, trông mặt thì tươm, nhưng người thì tong teo vì hậu quả của những lần chống chọi với cơn vật thuốc. Anh mắc nghiện đã 7 năm, ngay sau đận nhà anh bán 100 mét vuông vườn ổi. Bố anh buồn lắm, là người gương mẫu nên ông đã toan xin nghỉ chức "vác tù và hàng tổng" mấy lần nhưng được mọi người động viên lại thôi. Anh con trưởng từ đấy cũng hiểu ra, quyết chí đi cai, và hình như đã chịu được. Bà Thuỷ "bói" (một người chuyên sống bằng nghề bói toán, mới chuyển đến hành nghề từ bãi ngoài đê Tân ấp của quận Ba Đình) vì chịu ơn ông tổ trưởng đã can thiệp giúp đỡ bà làm xong 400 mét vuông đất ao có sổ đỏ nên gợi ý sẽ giới thiệu cho cậu cả nhà ông cô cháu gái ở quê. Lặn lội về tận Bình Lục (Hà Nam), bà "móc" đâu ra được một cô gái xấp xỉ 30 tuổi, rồi mang lên Hà Nội "tiếp thị" cho cha con nhà ông tổ trưởng. Tin là con cháu trong nhà bà Thuỷ, ông tổ trưởng gật đầu ưng ngay. Thế là cưới. Sau 2 năm, ông tổ trưởng có luôn 2 cậu cháu trai kháu khỉnh. Ông mừng lắm, cuộc họp dân phố nào cũng phổ biến kinh nghiệm lấy vợ quê của cậu trưởng nhà mình. "Có lộc" từ đận mối mai cho cậu con trai ông tổ trưởng dân phố, bà Thuỷ "bói" bỏ luôn nghề bói, chuyển sang nghề môi giới lấy vợ quê. Chỉ khoảng 2 năm, nhờ bà, trai làng độc thân làng tôi hết tiệt. Còn duy nhất ông Khai - chết vợ sống độc thân bấy lâu. Muốn lấy vợ trẻ nhưng biết kiếm đâu trên phố, vậy là nhờ bà Thuỷ. Bà Thuỷ rằng, người già giá khác, trai tân giá khác. Ông Khai nuốt nước miếng bảo: đắt mấy cũng chơi. Bà Thuỷ gạ, 20 tuổi 40 mét vuông đất, 25 tuổi - 35 mét vuông đất, cứ như vậy thêm 5 tuổi trừ dần 5 mét đất. Ông Khai đùa, ta gán 100 mét vuông thì 10 tuổi à. Bà Thuỷ thách. Thế là thành chuyện: Hai bên ngã giá 40 mét vuông thuộc về bà Thuỷ nếu hoàn thành việc giúp ông Khai 65 tuổi lấy được cô vợ quê 18 tuổi, theo giấy khai sinh. Thế là bên ký giấy nhượng đất, bên ký hợp đồng tìm vợ dưới quê. Hai người hạn trong 3 tháng phải hoàn thành trách nhiệm. Hai tháng, bà Thuỷ tìm được vợ cho ông bác như hợp đồng. Thế là cưới và hoàn tất thủ tục pháp lý. Ông Khai có người vợ mới như ý, bà Thuỷ "mối" trở thành chủ sở hữu của 40 mét vuông đất trị giá mấy trăm triệu đồng, khi người đàn ông thèm vợ cuối cùng trong làng được toại nguyện, bà Thuỷ bán đất, bán nhà, cầm tiền ra đi, về đâu không ai rõ.
... và những hệ luỵ Cái tin ông Khai bị HIV lan nhanh như dầu trên mặt nước. Một trong số các nhân chứng có mặt trong làng (cũng là một cô gái gốc quê do bà Thuỷ giới thiệu) tiết lộ, cô vợ 18 tuổi trẻ đẹp nói trên trước đây từng làm tại một quán karaoke "mỏi tay" ở dưới quận Thanh Xuân. Cô biết cô ta vì cùng nằm trong tốp lên phố làm ăn, nhưng cô đã chạy thoát thân không bị sập bẫy mấy tú bà chờ sẵn. Chẳng hiểu thế nào, bà Thuỷ đã bỏ tiền, "móc" cô gái này ra khỏi động chứa rồi đưa đi mông má, tập huấn ngắn hạn thành con gái nhà lành. Để đương đầu với lời thách thức đầy tiền của ông Khai, bà Thuỷ đã sử dụng những chiêu thức độc đáo, kín kẽ tới mức không ai có thể nhận ra nếu chưa từng chứng kiến. Nghe nói, bà Thuỷ phải chi trên 200 triệu đồng cho vụ ông Khai cưới được cô vợ HIV chỉ vẻn vẹn 18 tuổi kia và thực lòng, chính bà ta cũng đâu có biết cô gái này bị bệnh. May mà họ không có con và may hơn nữa ông già "đánh trống bỏi" kia cũng đã sắp thất tuần rồi. Nhưng nỗi lo sợ trong đám trai làng lấy vợ quê qua tay mối mai của bà Thuỷ thì bắt đầu lại có dịp run lên, bởi trong số họ, ai cũng nghĩ biết đâu trong mình đang có một con "ết" rình rập...
Cậu con trai trưởng của ông tổ trưởng dân phố đã mắc nghiện lại vì chẳng khi nào hợp tính hợp nết với vợ, đứa cháu đầu thì dặt dẹo, nay ốm, mai đau - hậu quả của việc chăm sóc không đến nơi đến chốn trong vai trò của cha mẹ chúng. Trong làng ngoại trừ một số đám cưới thận trọng, có tìm hiểu kỹ lưỡng, các cặp vợ chồng khác lấy nhau được do "mua bằng tiền bán đất" qua vai trò môi giới của một số người nhằm mục đích kiếm tiền và thoả thuận ngầm với những người có họ hàng với mình dưới quê đều đã đem lại hậu quả xấu, trong đó nổi lên là những vấn nạn ly hôn sau khi kết hôn, mắc vào tệ nạn xã hội và những bất đồng về lối sống...
Làng tôi lên phố, lên phường, nhưng bên cạnh sự hoan hỉ của tầng lớp thị dân vì được nâng cao "thương hiệu" là cả một sự thử thách quyết liệt với nếp sinh hoạt mới. Những mong vận đen sẽ qua đi và ai cũng hiểu được lấy vợ không phải đi mua sắm như hàng hoá thời gian qua, để kéo theo đó là sự đeo bám của khổ đau và bất hạnh của số phận bao người. |