“Nhập gia” nhưng không “tùy tục”!
Các Website khác - 30/10/2005

Sự khác biệt về phong cách sống và điều kiện sống ở nhà chồng đã khiến cho nhiều nàng dâu phải lâm vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười

Theo chồng về quê

Mặc dù là con gái rượu của một quan chức ở thành phố, thế nhưng khi lấy chồng, để hoàn thành nghĩa vụ dâu con, chị Phương vẫn phải theo chồng về quê sinh sống. Nhà chồng của chị Phương ở một xóm nghèo ven biển Hà Tĩnh, cha mẹ chồng là nông dân nên cách sinh hoạt, ăn ở bài trí nhà cửa khác xa với cuộc sống vốn nhàn hạ, đầy đủ của gia đình chị. Chị kể: “Bữa cơm đầu tiên ra mắt, tôi thấy bát đũa quá bẩn và cũ, có rất nhiều cái bị vỡ xung quanh miệng nên đã nhắc khéo chồng ra chợ mua một bộ khác? Nhưng mẹ chồng bảo rằng, bát đũa còn dùng được thì không lý do gì phải mua cái mới. Khi thức ăn dọn ra, tôi không thể ăn nổi. Tôi miễn cưỡng ngồi vào mâm, ăn uống qua loa rồi đứng dậy. Sau bữa ăn, tôi thấy mẹ chồng gọi chồng tôi ra góc nhà trao đổi chuyện gì đó, tôi biết là bà trách tôi có ý coi thường nhà chồng”.

Sống ở thành phố với gia đình từ nhỏ, chị Mai đã quen với cách ăn mặc hợp "thời trang". Những ngày đầu về làm dâu nhà chồng ở nông thôn, khách khứa họ hàng đến xem mặt rất đông, mệt vì phải tiếp khách nhưng chị rất vui vì thấy mình được là nhân vật trung tâm.

Ngày hôm sau, chị Mai rất hứng khởi vì là ngày được chồng dẫn đi chào hỏi bà con làng xóm. Mất gần một tiếng đồng hồ trang điểm và diện cho mình bộ váy thật đẹp, nhưng khi vừa bước ra thì bố chồng gọi giật lại: "Ở quê này không ai mặc váy cả". Chị đành miễn cưỡng nghe theo rồi đi vào chọn một bộ quần áo dài tay, có đăng ten ở gấu nhưng cái cổ thì khoét hơi sâu một chút.

Vậy mà tối hôm đó chị Mai nhận được một "bài ca về văn hóa ăn mặc": Nhập gia thì phải tùy tục con ạ. Ở quê, không có ai ăn mặc chưng diện như thế".

Làm dâu chốn thị thành

Chị Minh lại từ quê lên phố làm dâu. Sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị là điều dễ hiểu nhlmg nếu điều đó được nhìn nhận trong sự cảm thông thì rất dễ được bỏ qua. Đằng này, bố mẹ chồng lại quá khắt khe và đối xử với chị bằng cái nhìn không mấy thiện cảm. Chị Minh kể: "Bữa ăn đầu tiên là bữa ăn mà tôi nhớ nhất trong đời. Nhà chồng tôi có thói quen là khi gắp thức ăn thì gắp bằng đôi đũa chung, trong khi tôi cứ theo thói quen dùng đũa của mình gắp thức ăn trong đĩa. Tôi bị các thành viên trong gia đình ném cái nhìn rất khinh bỉ và xem thường khiến tôi vừa ngượng, vừa buồn, thức ăn cứ nghẹn nơi cổ họng. Sau đó là một quãng thời gian tôi không còn nước mắt để khóc...”.

Đối với các cô dâu khi theo chồng sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ mà nếu không nhận được sự cảm thông chia sẻ từ các thành viên trong gia đình nhà chồng thì chắc chắn “bức tường” của sự khác biệt về điều kiện hoàn cảnh và lối sống sẽ là vật cản lớn tới hạnh phúc lứa đôi.

Theo Nông thôn Ngày nay


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA