![]() |
Nhìn các đôi trẻ rộn rã kết hôn vào mùa xây tổ, có người chép miệng: "Hai, ba, năm bảy năm sau, ai trong số họ sẽ gặp nhau tại... tòa án?" Đúng là "gở miệng". Nhưng sự thực là ở Việt Nam cứ ba cặp kết hôn, lại có một cặp ly hôn, chỉ sau một thời gian ngắn chung sống. Và tỷ lệ này có nguy cơ còn cao hơn nữa. |
Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ dẫn nhau ra toà Những con số buồn Theo thống kê của tòa án nhân dân các cấp, năm 1994 cả nước có 22.000 vụ ly hôn. Bốn năm sau, con số này được nhân lên hai lần. Và theo ước tính, năm 2006 vừa qua, cả nước có khoảng 66.000 vụ ly hôn. Tòa án nhân dân (TAND) lúc nào cũng trong tình trạng bận rộn bởi án ly hôn chiếm tới 50% các án về dân sự nói chung. Tại TP.HCM, chỉ riêng TAND quận Gò Vấp mỗi tháng cũng xử đến 70 - 80 vụ ly hôn. Còn theo một công trình nghiên cứu xã hội học của tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa (ĐHKHXH&NV TP.HCM): Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31 - 40%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Con số khó tin, nhưng đó là sự thực. Điều đáng buồn hơn là 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉư từ 23 - 30, trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn chỉ từ 1 - 7 năm và hầu hết đã có con... Con trẻ là những người gánh chịu hậu quả rõ rệt nhất sau những phán quyết ly hôn của tòa án. Mỗi năm, TP.HCM có tới 50.000 trẻ em thiếu cha hoặc mẹ do gia đình tan vỡ. Theo kết quả khảo sát của thạc sỹ Thạch Thị Yến (Trung tâm Tư vấn Trẻ em - Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em TP.HCM), hơn 30% trẻ em lang thang đường phố ở Sài Gòn có cha mẹ bỏ nhau. Còn theo số liệu của Bệnh viện Nhi Đồng 2: Trong năm 2004, có 16/20 ca trẻ em (từ 14 - 17 tuổi) tự tử. Nguyên nhân là vì gia đình xung đột, cãi vã, đặc biệt cha mẹ ly hôn... Càng nhắc, càng tìm hiểu những con số người ta càng thấy buồn. Và nhiều lý do "con nít" Người ta đua nhau cưới, rồi lại đua nhau ra tòa vì đủ thứ nguyên nhân. Nếu sự nhàm chán là bóng ma của các cuộc hôn nhân "có tuổi", thì sự hiếu thắng, sỹ diện, thiếu thực tế, cái "tôi" quá lơn là kẻ thù số một của các gia đình trẻ. Có lẽ chính là sự ảo tưởng, ngộ nhận về tình yêu và hôn nhân gia đình là lý do hàng đầu khiến các cặp vợ chồng trẻ nhanh chóng tan vỡ. Quan niệm yêu vội vàng, dễ dãi của nhiều bạn trẻ ngày nay khiến tình yêu trở thành một thứ "giải trí". Họ cưới nhau đôi khi không phải vì cần có nhau trong đời mà vì "trót dại" ăn trái cấm. Quan điểm hôn nhân của họ cũng khác "các cụ" lắm, nghĩa là thích thì "sáp" vào với nhau, hết thích thì đường ai nấy đi, có gì mà luyến tiếc. Thế nên có nhiều trường hợp đôi vợ chồng trẻ đòi ly hôn vì những lý do rất nực cười như: ăn cơm không còn đợi nhau, ngủ không còn ôm nhau như trước nữa. Thực tế "hôn nhân giống như hai người cùng đặt chân trên cầu thăng bằng. Chỉ cần một người hắt hơi, thở mạnh cũng làm chiếc cầu chòng chành, người bị đẩy lên cao, người kia tụt xuống..." Tranh cãi, va chạm chẳng qua cũng chỉ vì người này cho rằng người kia quá ích kỷ, không quan tâm đến mình và gia đình, không còn lãng mạn như khi còn yêu. Nếu biết nén "cái tôi" lại, nếu biết sống vì người khác, chắc chắn hôn nhân không phải là "mồ chôn tình yêu" như nhiều người trẻ ngày nay vẫn nghĩ. Học làm vợ chồng Yêu vội vàng, cưới hấp tấp, nhiều đôi trẻ không kịp trang bị cho mình cả những kỹ năng sống chung cơ bản nhất như sự chia sẻ, nhường nhịn, tự điều chỉnh để sẵn sàng và thích ứng với nửa còn lại. Hai cá thể độc lập, phức tạp với đầy đủ những khác biệt về cá tính, sở thích, lối sống... bắt đầu va nhau khi chung sống dưới một mái nhà. Họ nhanh chóng cảm thấy thất vọng về nhau, chán nhau và cảm thấy "người tình" của mình không còn như trước. Thật ra, theo lời của bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm tư vấn FDC, "tình yêu trước hôn nhân như buổi bình minh của ngày mới, với tất cả sự rạng rỡ, tràn trề sức sống. Còn tình yêu trong hôn nhân lại có buổi trưa và buổi chiều với sự chói lòa, gay gắt, mệt mỏi". Khi yêu nhau người ta nhìn đời bằng cặp kính màu hồng. Còn khi đã trở thành vợ chồng, ai nấy đều "trở về" với con người thật của mình, lộ diện đầy đủ cả tốt và xấu. Không biết chấp nhận cái xấu, khó chịu với những khác biệt giữa hai người, ly hôn đương nhiên là điều khó tránh. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, để bớt mâu thuẫn, ít bất đồng, các cặp vợ chồng trẻ cần bớt đi sự lãng mạn. Điều này nghe có vẻ phi lý song sự thực là lãng mạn tuy đẹp nhưng cũng kéo theo bao điều rắc rối. Đôi khi chỉ vì chồng không còn tặng hoa cho vợ mỗi tỗi thứ Bảy mà tình cảm gia đình sứt mẻ. Vợ có thể vì mệt mỏi mà không còn hào hứng đi chơi chồng mà bị hiểu nhầm là "có bồ". Sự lãng mạn khi được xem trọng quá mức có thể sẽ giết chết hôn nhân. Thực tế đã chứng minh: nếu đời sống hôn nhân vượt qua được khoảng thời gian thử thách khoảng 3 - 5 năm đầu chung sống thì tỷ lệ thành công và bền vững sẽ cao. Nếu "mới thấy sóng cả đã ngã tay chèo" thì con thuyền hạnh phúc khó lòng cập bến. Hôn nhân cũng giống như việc học. Muốn có bằng đại học phải mất 5 - 7 năm, huống chi là "bằng" hạnh phúc gia đình. Việc làm vợ chồng, làm cha, làm mẹ lại càng phải học. Mà thói quen, kỹ năng, "kỹ xảo" không thể tự nhiên mà có được. Bí quyết sống chung của nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc là phải học cả nghệ thuật "nhắm một mắt" để có thể dễ dàng chấp nhận, thích nghi, bỏ qua thiếu sót, bao dung với nhau hơn... Sóng gió rồi sẽ qua, hạnh phúc vững bền với những người kiên trì học hỏi trong hôn nhân. |
![]() |
Tapchilamdep.com ( TT ) |
▪ Yêu việc hơn yêu vợ (15/10/2007)
▪ Binh pháp chàng đại lãn (15/10/2007)
▪ “Khủng hoảng” hôn nhân (15/10/2007)
▪ Anh chồng kỳ quặc chốn phòng the (13/10/2007)
▪ Cánh chim và cành phượng vĩ (13/10/2007)
▪ Ly thân là con dao hai lưỡi (12/10/2007)
▪ “Chuyện ấy” có thay đổi sau khi kết hôn? (12/10/2007)
▪ Câu chuyện của đôi vợ chồng “ết” (10/10/2007)
▪ Tình yêu - Sự nghiệp (12/07/2006)
▪ Cô gái sở hữu điểm 10 (12/07/2006)