Hôm thì chị đón anh tận cơ quan, buộc anh về nhà. Hôm thì chị bảo anh phải đưa đón dù đi làm ngày hai buổi. Cứ thế, chị làm chồng dần dần mất bạn, mất cả những cơ hội làm ăn.
Anh Quân vốn là người giao thiệp rộng. Ngoài giờ làm việc, anh thường dành thời gian gặp gỡ bạn bè để vui vẻ thư giãn. Công việc kinh doanh cũng đòi hỏi anh phải mở rộng giao tiếp để nắm bắt thông tin, tìm cơ hội làm ăn. Chị Trinh, vợ anh, rất yêu chồng. Chị thường nói với anh: "Còn độc thân thì bạn bè tùy thích nhưng đã có vợ rồi thì phải dẹp hết. Bù khú bạn bè vừa mất thời gian vừa tốn tiền bạc''. Chị kiểm soát và quản lý chồng một cách chặt chẽ.
Hôm thì chị đón anh tận cơ quan, buộc anh về nhà. Hôm thì chị bảo anh phải đưa đón dù đi làm ngày hai buổi. Ngoài giờ làm việc, anh đi đâu hay gặp ai, chị cũng đòi đi theo. Tới bữa cơm mà anh chưa có mặt ở nhà là chị liên tục gọi điện thoại di động cằn nhằn, trách móc, thúc hối. Biết anh đi chơi với ông bạn nào là chị gọi điện, hay gặp trực tiếp người đó, để yêu cầu đừng rủ rê chồng chị nữa. Cứ thế, chị làm chồng dần dần mất bạn, mất cả những cơ hội làm ăn.
Anh Hoàng mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ anh ở vậy, tần tảo nuôi hai con. Anh rất yêu quý mẹ và em gái. Ngày cưới vợ, anh nghĩ: "Mình có vợ thì mẹ mình sẽ có thêm dâu thêm cháu, gia đình càng đông vui, ấm cúng”. Nào ngờ chị Thủy về sống chung với gia đình anh được vài tháng thì quan hệ với mẹ chồng và em chồng đã căng thẳng. Chị Thủy nhất quyết đòi vợ chồng phải ra riêng, không sống chung với nhà chồng. Anh đành phải nghe theo. Ra riêng rồi, mỗi tuần anh về thăm mẹ một, hai lần và thỉnh thoảng cho em gái ít tiền để mua sách vở. Chuyện chỉ có thế nhưng chị Thủy cứ nặng nhẹ với chồng: "Vợ con không thấy anh lo mà tối ngày chỉ thấy anh đi thăm má, thăm em gái! Lại còn cho tiền! Nếu muốn lo cho má, cho em gái thì sao không ở vậy mà lo, còn đi cưới vợ làm gì?''.
Vợ chồng liên tục cãi vã, có khi giận nhau cả tháng. Chị Thủy than thở với bạn gái: ''Anh ấy xem trọng mẹ và em gái mà coi nhẹ vợ con. Mình đâu có đòi hỏi điều gì lớn lao. Mình chỉ muốn anh ấy hoàn toàn thuộc về mình và chỉ quan tâm đến mình. Cứ đà này chắc phải ly dị''.
Ông Thanh mở một công ty kinh doanh. Cô Hương - thư ký - là người giúp việc đắc lực cho ông, cũng là người góp nhiều công sức giúp công ty ăn nên làm ra. Cô thư ký vốn là người nghiêm túc, đã có chồng con. Ông Thanh cũng là người đàng hoàng. Những điều này bà Hậu - vợ ông Thanh - biết rất rõ. Khổ nỗi, tư tưởng sở hữu chồng đã khiến bà Hậu lúc nào cũng nơm nớp lo sợ chồng bà và cô thư ký trẻ đẹp cứ làm việc gần gũi mãi thì sẽ có ngày nảy sinh tình cảm. Vì vậy bà phải ngăn ngừa trước. Bà buộc lòng phải cho cô thư ký nghỉ việc. Ông không nghe. Thế là vợ chồng cãi nhau. Rồi bà kiếm chuyện hành hung cô thư ký ngay tại công ty. Sau vụ việc đó cô thư ký xin nghỉ việc. Quan hệ vợ chồng bà càng thêm căng thẳng. Bà đi khắp nơi nói xấu chồng và cô thư ký. Cuối cùng thì họ ly dị.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiền phân tích: “Tư tưởng sở hữu trong tình yêu và hôn nhân nảy sinh từ sự ích kỷ. Hậu quả tất yếu là làm rạn nứt tình cảm và làm xấu đi quan hệ của người trong cuộc. Để tránh tư tưởng sở hữu trong tình yêu và hôn nhân, mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về các mối quan hệ. Phải hiểu tình yêu chỉ là một trong nhiều tình cảm, quan hệ hôn nhân chỉ là một trong nhiều mối quan hệ của con người.
Yêu là phải biết tôn trọng đối tượng mà cụ thể là tôn trọng sự tự do, công việc, sự giao tiếp, các mối quan hệ tình cảm chính đáng. Làm được như vậy cũng chính là thể hiện sự tự tin vào bản thân và niềm tin đối với người bạn đời''.
(Theo Phụ Nữ)
▪ Nghệ thuật kéo dài tuổi thọ tình yêu (04/01/2005)
▪ Cần lắm, sự lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng (03/01/2005)
▪ Nếu có thể tha thứ, hãy đừng cố chấp (01/01/2005)
▪ Đàn ông thích cưới cấp dưới hay cấp trên? (31/12/2004)
▪ Đừng độc chiếm trái tim chàng (30/12/2004)
▪ Cảnh giác với ''cô hàng xóm'' (30/12/2004)
▪ Ý nghĩa của đám cưới (29/12/2004)
▪ Vô tư (30/12/2004)
▪ Đi tìm "một nửa" (30/12/2004)
▪ Vì sao đàn ông đòi giữ 'tay hòm chìa khóa? (29/12/2004)