Vợ chồng mới cưới và "thủ tục" nhận họ ngày Tết
Các Website khác - 22/01/2005
Kính trọng bố mẹ, họ hàng nội ngoại không phải chỉ thể hiện ở chuyện quà cáp...

Chẳng hiểu mùa đông với cái lạnh thấu xương của miền Bắc thi vị đến mức nào mà các cụ nhà ai cũng chọn làm mùa lên kiệu hoa! Sau cái tiệc vui linh đình là cái Tết cận kề. Tết đến, những miền quê Bắc Bộ có cái tục dâu rể mới đi nhận họ. Chưa kịp hoàn hồn sau lễ cưới, các cặp vợ chồng trẻ lại phải méo mặt lo mua quà về quê "lại mặt" hai họ.


Chúc Tết, nhận họ + tiền lễ, tiền quà

Đi chúc Tết, chẳng mấy ai lại đi... tay không. Nhất là những cặp vợ chồng mới cưới. Dâu rể mới lần đầu kiến diện quan viên hai họ mà đi tay không, với dăm ba câu chúc sức khỏe, e là chưa đủ "trọng lượng". Phải có chút gì cho phải phép. Đành rằng xách quà đến đâu cũng nghe cái câu cũ rích: "Các cháu bày vẽ làm gì, tình cảm với nhau là quý rồi!". Nhưng nay đã thành cái lệ, biết làm sao khác được. Thế là công việc lên danh sách quà mừng họ hàng đôi bên khiến các tân dâu rể phải vò đầu bứt tai.

Cô dâu mới Lan Anh (Khâm Thiên, Hà Nội) mới lên xe hoa về nhà chồng tháng 11 năm nay, khoe tôi bản danh sách "những địa chỉ cần tới trong dịp Tết". Nhìn sơ sơ đã thấy có 20 "trọng điểm" và dăm bảy điểm đánh dấu đỏ được cô dâu mới giải thích là những điểm quan trọng, cần phải "chi đẹp": "Đây là ông bà cô, ông chú ruột, kia là sếp của vợ, của chồng, cả những chỗ mừng cưới nhiều nữa". Làm một phép tính nhanh: một món quà xoàng xoàng cũng trên dưới một vài trăm ngàn, nhân với 20 địa chỉ, tròm trèm dăm triệu bạc. Đó mới là quà "lại mặt" theo mức trung bình, chứ nhiều nơi sang thì phải mất một vài triệu cho một địa chỉ là chuyện thường.

Ở thành phố, các mối quan hệ ngày nay đã đơn giản hóa rất nhiều. Nhưng ở miền quê thì "dây cà dây muống" rất dài. Nhìn vào “hệ thống” ông bà, cô dì, chú bác mà bà mẹ chồng liệt kê cho cô dâu 20 tuổi N.T.H. (Văn Giang, Hưng Yên) thì thấy muốn xỉu! Bảy, tám bà cô, hơn chục ông chú, chưa kể các anh, các chị, hàng tá các cháu xếp hàng háo hức chờ chú rể mới lì xì đầu năm.

Chạy sô 3 ngày Tết

Anh M., mới trải qua cuộc báo hỉ năm trước nhớ lại: "Để tránh bỏ sót dẫn đến bị hiểu nhầm là "không biết điều", hai vợ chồng tôi phải lên danh sách, chuẩn bị quà từ vài tuần trước Tết. Quê vợ tận Nam Định, họ hàng bên ngoại đông, người quê lại quý khách và dễ mếch lòng. Ai cũng một mực đòi giữ cháu rể mới ở lại dùng bữa. Chối thì bị "đe": "Mày muốn bác giông cả năm à?". Mấy ngày Tết bơ phờ công cuộc chạy "sô". Đã thế, những chú rể mới đi đến đâu cũng phải "chén chú chén anh", bị những đàn anh, những ông em họ cụng ly, "thách đấu". Uống thì dở, mà không uống thì bị đánh đồng với tật "khinh người". Có chú rể nọ, uống nhiều say quay lơ, chửi vung vít ông anh họ đằng vợ. Thế là cỗ Tết nhận mặt anh em hóa ra trận hỗn chiến. Cô dâu mới khóc dấm dứt, mất mặt với bà con họ hàng. Cũng có cặp chỉ vì bỏ sót qua nhà một ông bác mà bị ông giận tím mặt, đi kể xấu khắp làng: "Cháu chắt gì cái quân mất gốc, ở thành phố mấy năm chưa chi đã quên hết họ hàng, chú bác". Cả cái Tết của đôi vợ chồng trẻ đâm ra mất vui.

Cô dâu Thiên Hà là gái Sài Gòn gốc, lấy Nguyễn Mạnh Phú, một chàng trai quê Thái Bình. Tết năm ngoái họ đưa nhau về ra mắt họ hàng. Bà mẹ chồng dặn hai con: "Các con phải đi hết lượt họ hàng, từ bên họ nhà bố, họ nhà mẹ cả (bà vợ cả đã chết của bố), họ bên mẹ". Tổng cộng là gần 60 gia đình. Cô con dâu mới được chồng chở đi bằng xe đạp, đường quê xóc dằn ê hết cả mông. Chạy sô hết ba ngày Tết mới đi được già nửa, ấy là ngồi mỗi nhà dăm bảy phút. Cô dâu mới mệt phờ phạc. Phải hết một tuần mới trọn "tour". Đã có lúc cô bật khóc nói dỗi với chồng: "Sao họ nhà anh lắm thế! Chả trách mà dân số tăng vùn vụt!". Anh chồng đang bực mình cũng phải phì cười. Thực ra, trong số danh sách mẹ dặn đi thăm ấy, có người anh chỉ gặp khi đi ăn giỗ họ! Nhưng vẫn đi thăm cho phải phép. "Lệ làng" đã định, cấm có cãi!

Khi Tết đã qua...

Năm ngoái, cô dâu N.T.H sau khi đi trình diện họ hàng nội ngoại đã phải chạy đôn chạy đáo tìm nghề làm thêm để trả nợ. Cô than: "Tiền mừng đám cưới thì trang trải cho đám cưới không đủ, nay lại cả tiền nhận họ đợt Tết vừa qua. Hai vợ chồng tay trắng lấy nhau, trông vào vài sào ruộng chắc là đói!".

Còn Nguyễn Thị Huệ, sau khi vào Nam sinh sống và cưới chồng tại TP.HCM, tết vừa qua về “lại mặt” hai họ ở Ninh Bình khi trở vào đã thở dài sườn sượt: "Hai đứa vào Sài Gòn buôn thúng bán bưng, gom được hơn chục triệu, không dám làm đám cưới dềnh dang, để dành tiền để mở một cái quán nước nho nhỏ. Ai dè sau khi đi "lại mặt" hai bên, số tiền ki cóp đã hết quá nửa". Đã thế, hai người vẫn bị họ hàng chê trách. Khi mang quà sang nhà chị gái, đứa cháu giở ra thấy kẹo bánh thì giận lẫy: "Dì đi tận miền Nam về mà chỉ cho mấy cái kẹo thì cháu không cần!". Huệ kể lại, cười mà như mếu: "Ai cũng nghĩ là vào Nam hốt bạc tỉ dễ như hót lá vậy! Bố mẹ không hiểu, còn cố bày vẽ thêm để được "mát mặt" vì có được thằng con rể khá". Chính vì chuyến đi nhận mặt họ nhà vợ mà hai vợ chồng giận dỗi suýt bỏ nhau.

Không thuộc danh mục những chiếc phong bì cần loại bỏ trong công cuộc "kêu gọi thực hành tiết kiệm", nhưng cái khoản quà cáp không tên kia lại ngốn kha khá tiền. Thôi đành tặc lưỡi, âu cũng là để... duy trì một phong tục. Chỉ khổ những gia đình mới còn trăm thứ phải lo lắng vun vén để bước đầu gầy dựng mái ấm riêng tư. Năm mới sắp đến, e rằng sẽ có nhiều cặp mới kết hôn lại một phen phải dáo dác...

Minh Hương - Mai Trí