Vợ đẻ, chồng sẽ được nghỉ làm
Các Website khác - 30/03/2006
(Babyhearing).

Nam cán bộ, công chức và người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương, phụ cấp khi vợ sinh con. Đây là điểm cách tân nhất của dự luật bình đẳng giới, được đưa ra thảo luận sáng 30/3 trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, quy định vợ đẻ, chồng được nghỉ chỉ áp dụng nếu cặp vợ chồng đó sinh 1-2 con, đúng với chính sách dân số của Nhà nước. Số ngày nghỉ sẽ do pháp luật về lao động quy định. Giải thích cho quy định này, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết nói, chị em quá hao tổn sức lực khi sinh con, nên cần thiết phải sự chia sẻ, giúp đỡ của người chồng.

Đồng tình với việc chồng phải chia sẻ với vợ khi sinh con, nhưng Trưởng ban dân nguyện Lê Quang Bình băn khoăn: "Thời gian phụ nữ sinh con, công việc nhà toàn là thay giặt tã lót, liệu nam giới có làm được? Tôi từng chứng kiến nhiều anh cố tình về nhà muộn khi vợ đẻ. Không phải họ không thương vợ, mà họ lóng ngóng, không biết làm gì giúp vợ".

Từ phân tích đó, ông Bình đề nghị nên quy định thời gian sinh con, phụ nữ được nghỉ dài hơn và được hỗ trợ tài chính. Theo quy định hiện hành, lao động nữ được nghỉ thai sản từ 4 đến 6 tháng và thời gian này được coi là thời gian làm việc liên tục để tính các chế độ khen thưởng, nâng lương.

Một vấn đề gây tranh cãi là độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới. Dự luật đưa ra 3 phương án, một là tuổi nghỉ hưu của nam nữ bằng nhau, nữ giới có quyền nghỉ sớm và không bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. Phương án 2 tương tự như phương án một, nhưng chỉ áp dụng đối với nữ cán bộ, công chức. Phương án 3 là dự luật chỉ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức một số lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của Chính phủ.

Ủng hộ cho phương án 1, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu phân tích, trong bối cảnh những năm 1960, kinh tế - xã hội còn phát triển kém, việc quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ít hơn nam giới 5 tuổi là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nữ giới và đáp ứng nhu cầu của chị em. Nhưng nay tình hình đã thay đổi, đời sống của nhân dân được cải thiện, sức khỏe và tuổi thọ của nữ giới được nâng lên.

"Nếu cứ 55 tuổi là nghỉ hưu thì rất nhiều chị em có học hàm, học vị, chưa kịp cống kiến đã phải nghỉ. Đây là sự lãng phí của nhà nước", bà Thu nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan lại tán thành phương án 3. Bà Đan phân tích, căn cứ để xác định tuổi nghỉ hưu là cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Dân số Việt Nam rất trẻ, việc làm cho lao động trẻ đang là vấn đề bức xúc. "Nếu chúng ta ngồi lại 5 năm (đến 60 tuổi), thì cả một lớp trẻ sẽ mất đi cơ hội việc làm. Cũng vì thực tế này, nhiều chị sẵn sàng về hưu sớm với điều kiện cơ quan phải tiếp nhận con em họ", bà Đan phản ánh.

Từ góc độ luật pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng nên cân nhắc việc đưa tuổi nghỉ hưu vào dự luật bình đẳng giới. Nếu không sẽ dẫm chân với Bộ luật lao động, rồi Pháp lệnh cán bộ công chức. "Hiện Bộ luật lao động đang sửa đổi, vậy tại sao không để độ tuổi nghỉ hưu do bộ luật này điều chỉnh?", ông Yểu đặt vấn đề.

Dự luật bình đẳng giới sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa khóa 11.

Khoản 2, điều 31 của dự thảo luật quy định về các hình thức xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới:

a- Không xét danh hiệu thi đua cho tập thể, cá nhân trực tiếp có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
b- Không xem xét đề bạt, bổ nhiệm, ứng cử, giới thiệu, đề cử, cử đi đào tạo và bồi dưỡng cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
c- Buộc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản có phân biệt đối xử về giới.
d- Thông báo đính chính, cải chính và thu hồi văn bản, các ấn phẩm và các sản phẩm hàng hóa.
đ- Bồi thường tổn thất gây ra đối với sức khỏe của nam, nữ theo quy định của pháp luật.
e- Khôi phục lại quyền lợi vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới gây ra.
g- Buộc tổ chức tuyên truyền trực tiếp hoặc qua các ấn phẩm, chương trình các kiến thức về bình đẳng giới.
h- Xử lý hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật.

Như Trang