Xây một ngôi nhà hạnh phúc
Các Website khác - 19/10/2007
Quá trình vun đắp quan hệ vợ chồng cũng như công cuộc dựng xây một mái nhà. Mối quan hệ nào cũng cần có một nền tảng vững chắc trước khi “lên thêm” các tầng khác!


Theo các chuyên gia tâm lý, có hai nhân tố đặc biệt quan trọng để kiểm nghiệm độ bền vững của quan hệ vợ chồng cũng như xem xét xem họ có được nền tảng chắc chắc để xây dựng mối quan hệ ấy hay không.

Nhân tố thứ nhất là sự tự nguyện dâng hiến và nhân tố thứ hai chính là khả năng tự kiềm chế.

Hai thuật ngữ này vẻ như rất khác nhau. Khả năng kiềm chế đơn giản chỉ là việc bạn cố gắng làm những điều không tổn hại tới quan hệ vợ chồng. Bạn tự ngăn mình không sa vào việc xúc phạm cũng như thiếu tôn trọng đối với chồng /vợ và làm những việc có thể gây thương tổn không thể bù đắp về sau.

Bất cứ cặp đôi nào để tâm tới hai yếu tố này đều có thể giữ vững hạnh phúc của mình theo hai cách. Thứ nhất, họ buộc phải tìm hiểu về nhau kỹ lưỡng hơn, về những điều mà vợ/chồng mình thích, không thích, hài lòng hay e ngại. Thứ hai, thông qua việc bày tỏ tình yêu thương, lòng ngưỡng mộ cũng như tôn trọng trong mọi điều nói và làm với nhau, họ có thể nuôi dưỡng tình yêu thêm vững bền theo năm tháng.

Và khi đã tạo được nền móng vững vàng, việc gia cố thêm các viên gạch vào nền móng của ngôi nhà hạnh phúc đó hầu như không khó khăn. Sự gần gũi thường là viên gạch thứ nhất. Cặp đôi nào cũng cần “viên gạch” này để có thể hiểu thêm về nhau và giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Không chỉ tăng cường tìm hiểu về nhau, các cặp vợ chồng còn cần là những người bạn thực sự của nhau và thay vì hướng ngoại họ nên hướng về nhau, chia sẻ với nhau những điều của cuộc sống thường nhật, tạo cho nhau thấy sự quan tâm bằng cách biết lắng nghe.

Phân chia quyền hạn trong nhà chính là viên gạch thứ hai. Cả hai phải cùng hiểu rằng ai sẽ là người đưa ra các quyết định và ai nắm quyền chủ đạo. Có nên cân bằng về quyền hạn giữa hai người không? Ngay cả những quyết định đơn giản về chuyện ăn ở đâu, xem gì cũng cho thấy quyền hạn trong nhà được “phân bổ” có thiên lệch quá hay không.

Để tránh những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, các chuyên gia tâm lý khuyên các cặp đôi hãy thực hiện theo những hướng dẫn dưới đây:

* Tránh phê bình, chỉ trích.

* Làm rõ vấn đề được đem ra thảo luận giữa hai người.

* Miêu tả tình huống chứ không đánh giá, bình phẩm.

* Có thể phàn nàn chứ không kết tội.

* Luôn lịch thiệp, nhã nhặn.

* Biết tỏ thái độ tôn trọng chồng/vợ ngay cả những khi bất đồng, thái độ chú tâm trong khi trao đổi về những khúc mắc, mâu thuẫn, chẳng hạn bạn nên tắt tivi để tập trung hơn trong chồng/vợ bạn bày tỏ những khó chịu.

Khi nảy sinh bất đồng, điều quan trọng là cả hai cần phải tỏ ra cởi mở và thể hiện trung thực cảm xúc. Nếu một trong hai hoặc cả hai vợ chồng đều không muốn bày tỏ suy nghĩ của mình, việc tăng cường trao đổi với nhau là hết sức cần thiết. Khi hiểu nhau hơn, chắc chắn cả hai người sẽ dễ dàng cởi mở tâm trạng mình hơn.

Để có thể hoá giải được những xung đột trong đời sống vợ chồng (điều này không nhà ai không có) luôn cần tới lòng kiên trì, sự thoả hiệp và tôn trọng, những đặc trưng ấy cũng là những viên gạch quan trọng nhất xây nên ngôi nhà hạnh phúc.

Tapchilamdep.com ( TN )