Bàn tay
Các Website khác - 24/11/2004

"Dạy học cũng giống như việc bạn chạm bàn tay của mình vào người khác, hành động đó sẽ lưu lại một dấu ấn khó phai mờ trong họ".


Cô giáo ra bài tập môn nghệ thuật cho cả lớp: vẽ một bức tranh về một người hoặc điều gì mà các em muốn tỏ lòng biết ơn. Tới hạn nộp bài, tất cả các bức tranh đều rõ ràng, dễ hiểu. Riêng có một bức khác lạ của Douglas, một cậu học trò đặc biệt, vẻ ngoài trông rất nghèo khổ và nhút nhát. Những lúc đám bạn chạy đuổi nhau trong giờ ra chơi thì Douglas chỉ quanh quẩn bên chân cô giáo. Chỉ có một thứ có thể đoán được tâm trạng của cậu bé là đôi mắt, lúc nào cũng lộ vẻ u buồn.

Trong bức tranh của mình, Douglas chỉ vẽ duy nhất một bàn tay. Không gì khác. Bức tranh của cậu khiến đám bạn học đoán già đoán non. Một đứa cho rằng Douglas vẽ bàn tay của người nông dân để tỏ lòng biết ơn người đã làm nên lúa gạo. Đứa khác lại nghĩ đó là bàn tay của một anh cảnh sát, vì cảnh sát bảo vệ cho mọi người. Chúng còn đưa ra nhiều giả thuyết khác nữa nhưng Douglas đều lắc đầu. Khi cô giáo tiến lại gần Douglas và hỏi thì cậu thỏ thẻ: "Đó là bàn tay của cô! Em luôn nhớ lần đầu tiên em vào lớp, cô đã dắt tay em đến tận chỗ ngồi này. Những lần cô nói: "Nắm lấy tay cô, Douglas, chúng ta ra ngoài thôi", hay "Hãy cho cô xem em cầm bút chì như thế nào nào" hoặc "Chúng ta cùng giải bài toán này nhé"... Cô giáo nghẹn lời, quay người giấu giọt nước mắt...

Câu chuyện này nói nhiều điều hơn chứ không chỉ là về lòng biết ơn. Nó còn kể cho chúng ta nghe về công việc cao quý của những người “đưa đò”, về những ảnh hưởng đôi khi không ngờ tới của những người thầy trong suốt cuộc đời của một con người. Hơn thế nữa, về những người như Douglas, dẫu đôi lúc họ không biết cách phải nói cảm ơn như thế nào nhưng trong họ luôn nhớ về những bàn tay đã dẫn dắt...

Phương Thi
(Theo Pickens)