![]() |
Số đông các cô gái trẻ bây giờ không muốn làm dâu ta mà muốn làm “dâu Tây”. Làm dâu ta có nghĩa là với chồng thì phải lo nâng khăn sửa túi, với bố mẹ chồng thì phải lo chăm sóc phụng dưỡng, với họ hàng bên nội thì phải lo tròn việc hiếu việc hỉ. |
Ngày càng có ít nàng dâu muốn sống chung với bố mẹ chồng. Còn làm “dâu Tây” thì không phải hầu bố mẹ chồng, nhất là không phải chiều mẹ chồng. Các cô dâu ngày nay hễ cưới xong là muốn ra ở riêng. Anh T là con trai duy nhất của gia đình, hiện đang công tác tại một tờ báo chuyên về những vấn đề gia đình, nghĩa là luôn tuyên truyền giáo dục về đức hiếu thảo, lòng thủy chung. Vợ anh ta cũng công tác ở tòa soạn này. Nhà bố mẹ chồng bốn tầng rộng rãi nhưng nàng “dâu Tây” dứt khoát thuê nhà ra ở riêng. Cô vợ nói với tôi rất thành thật: “Em không thể chiều được mẹ chồng. Em đang mang thai, người rất mệt mỏi, ngoài việc làm bếp ra còn lại những việc khác như giặt giũ, lau sàn nhà… thì anh ấy phải giúp em. Nhưng mẹ chồng em không cho anh ấy làm gì cả. Hễ anh ấy mó tay vào việc gì là bà ấy bảo: “Mày cưới vợ về để thờ à?” Mấy con bạn em rất khôn. Tiêu chuẩn chọn chồng của nó là: “Nhà mặt phố, bố làm quan, mẹ không còn”. Như thế thì chúng nó mới không phải làm dâu. Dù em có ra ở riêng thì vẫn phải làm dâu. Nhà của con trai bà ấy thì bà ấy muốn đến lúc nào cũng được. Lại nữa, những khi bà ốm đau thì đương nhiên em phải thăm nom rồi. Chỉ cảm sơ sơ thôi, hai ngày em chưa kịp đến, khi mua quà đến thăm thì bà ấy ngoảnh mặt vào tường, em chào ba câu không được đáp lại. Không phải ở thành phố mà ở nông thôn bây giờ cũng có lắm nàng “dâu Tây”, sau ngày cưới thì đòi ra ở riêng bằng được. Vì thế, gia đình truyền thống ở nước ta đang mất dần. Các nhà xã hội học ở các nước tiên tiến khẳng định rằng để mất đi gia đình truyền thống là một tấn bi kịch lớn của xã hội. Trong gia đình truyền thống có ba thế hệ, ông bà, cha mẹ, con cái. Còn trong các gia đình “dâu Tây” chỉ có hai vợ chồng với một hoặc hai con. Trong gia đình truyền thống hai vợ chồng còn phải e sợ người già còn với nhà “dâu Tây” thì không phải e sợ ai cả, hai vợ chồng tranh nhau quyền làm chủ, ra sức khẳng định sự bình đẳng giới, vì thế mà tỉ lệ li hôn cao hơn ở các gia đình truyền thống. Các nàng “dâu Tây” đồng thời cũng là bà “mẹ Tây”, không biết hát ru, không biết nấu các món ăn dân tộc, vì thế con trẻ rất thiệt thòi. Trong gia đình “dâu Tây” luôn có ô-sin. Với ô-sin khi không vừa lòng có thể mắng còn với mẹ chồng thì cáu mấy cũng không thể mắng. Nhưng người giúp việc không thể bằng mẹ già. Một mẹ già bằng ba ôsin. Chỉ các mẹ già mới dỗ dành con bạn ăn cho hết bát cơm chứ ôsin thì không dỗ đâu, nếu cháu không ăn thì cô ăn hộ. Chỉ mẹ già mới ôm con bạn trong lòng và ru cháu ngủ trưa chứ ô-sin không ru đâu. Chỉ có bà mới xót cháu chứ ô-sin không xót cháu. Người thiệt thòi nhất trong các gia đình “dâu Tây” là con trẻ. Mẹ bận việc suốt ngày, con sống với ô-sin nhiều hơn sống với mẹ. Người thiệt thòi thứ hai chính là những người già, họ không được bế cháu, chơi với cháu, cũng không được con cái phụng dưỡng. Các nàng “dâu Tây” thích gửi bố mẹ chồng vào nhà dưỡng lão, đóng một ít tiền thế là xong. Điều mà các bạn gái mong mỏi nhất khi lấy chồng là cảm giác an toàn, không bị chồng phản bội, gia đình không tan vỡ. Nhưng điều này trong các gia đình “dâu Tây” là mong manh nhất, vì không có các giá trị gia đình truyền thống bảo vệ. Trong tương lai, họ cũng không có sự an toàn, vì khi được làm mẹ chồng, họ cũng sẽ gặp các nàng “dâu Tây” và những năm cuối đời họ sẽ sống trong cô đơn. |
![]() |
Vĩnh Thương (Theo TT ) |
▪ Nàng dâu mới (22/11/2007)
▪ Những cô nàng "dại trai" (22/11/2007)
▪ Bí quyết "tiếp chiêu" vợ (19/11/2007)
▪ Gánh nặng đàn ông (17/11/2007)
▪ Bi kịch lấy chồng ngoại quốc (14/11/2007)
▪ Bi kịch trong những ngôi nhà lạc lõng (12/11/2007)
▪ Bà bầu... online (12/11/2007)
▪ Vỡ mộng đổi đời (10/11/2007)
▪ Duyên con gái (09/11/2007)
▪ "Bóng hồng" mê "đỏ đen" (08/11/2007)