Chẩn bệnh
“Bệnh” cô đơn bắt đầu từ nhiều nguyên nhân. Có thể từ một chấn động tinh thần nào đó về tâm hồn như những ảnh hưởng của tuổi thơ, mất đi người thân, bị thất tình, không bằng lòng về một điều gì đó ở bản thân, thấy mình không giống ai, thất bại thường xuyên trong học hành hay công việc... dẫn đến mặc cảm tự ti, xấu hổ rồi xa lánh mọi người.
Nhưng đôi khi cũng vì những lý do mà chính bản thân người đó cũng không giải thích nổi, như trường hợp của một cô gái có tên là Hằng: “Tôi chán nản cuộc sống hiện tại bây giờ, không ai hiểu tôi cả, trước mắt tôi không có gì để chờ đợi’’. Hằng 24 tuổi nhưng nếp sinh hoạt của cô lại chẳng khác gì một nữ tu sĩ. Có nghĩa là luôn gò mình trong một khuôn khổ và cố gắng chịu đựng một cách kiên nhẫn những nỗi muộn phiền đến với mình mà không để ai hay, kể cả với bạn trai.
Cô cho rằng nếu có kể ra thì mọi người cũng không thể hiểu nổi những gì đang diễn ra trong cô. Vì thế, dù giữa bạn bè hay bên người yêu nhưng lúc nào Hằng cũng thấy cô độc và những khi tưởng không chịu được khối lòng đang đè nặng, cô lại muốn hét lên thật to, đập tan đi tất cả. Dễ hiểu vì sao đôi khi trông cô như đang hoảng sợ một điều gì đó ghê gớm lắm!
Sự quá tải về sức ép từ xã hội, gia đình và bản thân; mải miết với việc mưu sinh; tự tiêu hóa nỗi muộn phiền, không muốn giãi bày tâm trạng với bất cứ ai... đã khiến cho hố ngăn cách giữa mọi người ngày càng xa. Bởi thế con số những người cô đơn xuất hiện ngày càng nhiều. Họ luôn luôn ở trạng thái muốn ngồi một mình, đi lang thang... Nói chung trong suốt một thời gian dài không có quan hệ vui vẻ và vừa ý.
Thường có những dạng cô đơn: dạng do bản tính ngại giao tiếp, không tự tin nên hạn chế mình dù rất muốn hòa nhập; dạng như đã nói trên, cảm thấy bất lực trước bản thân thua kém mọi người và cuộc sống với quá nhiều khó khăn dẫn đến thu mình lại; không bắt kịp với cuộc sống ào ạt và nhiều sức ép cũng khiến những người trẻ rơi vào trạng thái lạc lõng.
Trong một chừng mực nào đó “cô đơn nhất thời” ít nhiều cũng đem lại cho người ta những ích lợi nhất định như có thời gian dành cho mình, nhìn lại mình và khi đó sẽ suy ngẫm ra được nhiều điều. Nhưng nếu sự cô đơn kéo dài sẽ kéo theo những mặt tiêu cực, để lại những tác hại không nhỏ.
Trị bệnh
Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng những người cô đơn nói chung không ít thì nhiều đều bị rối loạn trung khu thần kinh và không cách gì phá vỡ nỗi cô đơn hơn là chủ động tiêu diệt nó. Thay vì chạy trốn khỏi nó (lao vào công việc, đi ngủ...) bạn hãy tự tìm đến bạn bè - những người luôn quan tâm đến bạn - và những người mà bạn cảm thấy có hứng thú (không nhất thiết là bạn bè thân), có thể là một ai đó bạn vừa gặp gỡ nhưng thấy dễ chịu để giãi bày lòng mình. Làm một cái gì đó cho mọi người, đem lại niềm vui cho người khác chắc chắn bạn cũng sẽ thấy lòng mình vui hơn. Kinh nghiệm cho thấy nỗi lòng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu được nói ra. Lúc đó bạn mới hiểu ra mình không phải là người duy nhất mang tâm trạng này.
Hãy bộc lộ mình và làm người đi gõ cửa tâm hồn, trước khi có ai đó đến mở cửa tâm hồn mình. Tự tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến trạng thái này để từ đó lựa cách khắc phục như tìm đến những thú tiêu khiển mà mình yêu thích như nghe nhạc, vẽ tranh, đi nhảy hay thử kết thêm bạn mới, những người chưa từng biết mình là ai rồi bắt đầu mối quan hệ mới, chủ động đến với tình yêu. Trong trường hợp không tìm ra nguyên nhân, không tự khắc phục được tốt nhất nên đến gặp các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, kiểm tra tâm lý và bác sĩ, biết đâu bạn lại đang bị ảnh hưởng do rối loạn nội tiết. Đừng thu mình trong vỏ ốc để rồi khi tuổi trẻ qua đi mới nuối tiếc vì mình đã để phí hoài những ngày tháng tươi đẹp.
Theo Người lao động
▪ Bài học về tình bạn (01/01/2005)
▪ Chữ tín trên cả (02/01/2005)
▪ Khí phách tuổi trẻ (01/01/2005)
▪ Chúng ta cần một người bạn... (30/12/2004)
▪ Hãy chắp cánh cho tình yêu (30/12/2004)
▪ Cái bình nứt (29/12/2004)
▪ Hãy làm ơn cho người khác (29/12/2004)
▪ Sự bình yên (27/12/2004)
▪ Màu sắc cầu vồng (25/12/2004)
▪ Chuyện kể về những chiếc ủng Giáng sinh (23/12/2004)