Tâm sự người phụ nữ mang thai hộ
Các Website khác - 12/05/2005

Mary, một phụ nữ tứ tuần, sống lẻ loi ở Miami, bang Florida. Cách đây 15 năm, bà chấp nhận mang thai hộ, sinh một đứa con trai cho một cặp vợ chồng vô sinh. Bà không bao giờ gặp lại họ. Bà tưởng cuộc đời mình đã mở sang một trang khác.

Nhưng thời gian trôi qua, bà mới nhận ra rằng sự đời không đơn giản như thế...

Giờ đây khi nghĩ lại, tôi vẫn không rõ điều gì đã khiến tôi chấp nhận mang trong bụng đứa con của một phụ nữ khác. Mọi sự diễn ra quá nhanh. Lúc ấy tôi đang sống với chồng, Nathan, và con gái Beth, 4 tuổi. Tôi 24 tuổi, làm việc trong một cửa hàng trang phục thể thao ở Miami. Ba chúng tôi sống yên bình và sung túc trong một ngôi nhà đẹp, nên thơ, màu trắng, được bao quanh bởi hàng cây cọ, trông ra biển. Một ngày nọ, bác sĩ phụ khoa vẫn thường khám cho tôi điện thoại yêu cầu tôi đến gặp ông. Một đồng nghiệp của ông lập một hiệp hội nhằm giúp những cặp vợ chồng vô sinh có một đứa con. Bác sĩ ấy tìm những phụ nữ mang thai hộ, với các điều kiện: đã kết hôn, có một đứa con, sức khỏe tốt, trong độ tuổi 22-27, có cuộc sống dễ chịu về mặt tài chính.

Thời ấy, năm 1988, toàn nước Mỹ như lên con sốt vì vụ việc Mary Beth Whitehead muốn giữ lại đứa bé mà bà mang thai hộ. Tôi trả lời ngay: "Ồ! Không. Tôi không hề muốn dính tới loại việc này”. Bác sĩ vẫn từ tốn: "Bà hãy suy nghĩ kỹ. Đây hẳn là món quà tuyệt vời đối với những cặp vợ chồng không thể có con. Hơn nữa, thù lao rất hậu hĩ, 20.000 đô la, chưa kể những chi phí liên quan đến y phục lúc mang thai, khám thai...". Tối ấy, tôi kể chuyện với Nathan. Tôi thật bất ngờ khi chồng tôi cho rằng đó là một việc đáng làm, thêm nữa chúng tôi lại kiếm được nhiều tiền.

Chúng tôi có thể dùng tiền ấy để du lịch châu Âu như chúng tôi ao ước. Anh tỏ ra hào hứng đến độ tôi không suy nghĩ thêm về những vấn đề có thể đặt ra, tôi bắt đầu nghĩ đến đề nghị ấy một cách nghiêm túc. Chúng tôi còn trẻ, vô tư, cả vô ý thức. Tôi trở lại gặp bác sĩ phụ khoa, yêu cầu được gặp bác sĩ Fischer, phụ trách hiệp hội. Bác sĩ Fischer là một người thẳng thắn, cởi mở, ông giải thích sự việc sẽ diễn ra, về mặt y khoa và tài chính.

Nữ ứng viên mang thai hộ phải trải qua nhiều xét nghiệm lâm sàng và tâm lý. Tên của họ được xếp trong một danh sách chờ đợi. Sau đó, nữ ứng viên được gặp cặp vợ chồng hiếm muộn muốn có con. Nếu người phụ nữ kia không thể sản xuất noãn, noãn của nữ ứng viên sẽ được trích lấy, được cho thụ tinh trong ống nghiệm với tinh dịch của người chồng. Phôi được cấy lại vào tử cung của nữ ứng viên. Nếu người phụ nữ kia vẫn có thể sinh noãn, nhưng không thể giữ được phôi trong tử cung do một dị tật chống hạn, noãn được thụ tinh (từ hai vợ chồng kia) sẽ được cấy vào tử cung của nữ ứng viên. Tôi nghĩ nếu gặp trường hợp thứ hai sẽ tốt hơn, vì mang thai một đứa bé không dính dáng đến tôi về mặt di truyền có lẽ tôi sẽ không quyến luyến nó nhiều. Tôi chỉ cho mượn bụng, như một "máy đẻ". Một việc như mọi công việc khác, kéo dài một năm. Tôi cũng được cho biết mang thai hộ là việc bất hợp pháp tại một số bang ở Mỹ, như Arizona, Idaho, Wyoming, New York. Nhưng ở Florida (nơi tôi cư ngụ) thì không thế. Và tình trạng nơi được phép, nơi không ấy vẫn kéo dài đến nay.

Sáu tháng sau, tôi trả lời chấp thuận. Tôi đã suy nghĩ chín chắn, Nathan cũng vậy. Rất nhanh sau đó, hiệp hội của bác sĩ Fischer thu xếp để tôi tiếp xúc với một cặp vợ chồng muốn có con . Buồng trứng của người vợ vẫn sản xuất được noãn. Nhưng tử cung của bà bị hỏng sau một phẫu thuật. Phôi đã sẵn sàng. Sau một loạt test và nhiều cuộc tiếp xúc, tôi được cấy phôi sau gây tê tại chỗ. Giờ đây tôi còn một việc tế nhị cần làm là giải thích với con gái những gì đang xảy ra cho chúng tôi. Nathan giành làm việc ấy. Anh thủ thỉ với con: "Con cưng, mẹ sắp có em bé. Nhưng đứa bé ấy không phải là em của con, vì không do cha và mẹ tạo ra. Mẹ cho một bà khác mượn bụng, vì bụng của bà ấy bị hư, không thể giữ đứa bé. Khi đứa bé chào đời, nó sẽ được trả cho bà kia và chồng bà ấy". Tôi cũng không bao giờ biết Beth có thực sự hiểu những gì xảy ra không. Cháu còn quá nhỏ, 4 tuổi. Trong số những người thân của chúng tôi, ý kiến chia thành hai phái đối nghiåch. Cha mẹ tôi, những tín đồ ngoan đạo, xem ra bị sốc. Cha mẹ Nathan cũng không hiểu tại sao chúng tôi lại thuận làm chuyện kỳ quặc ấy.

Thai kỳ diễn ra suôn sẻ, như khi mang thai Beth. Nhưng tôi không có một tình cảm đặc biệt nào. Tôi chỉ là một thứ vỏ bọc dinh dưỡng thôi. Lạ thay, trong thời gian mang thai ấy, Nathan lại tỏ ra xa cách tôi, anh muốn mọi chuyện mau kết thúc, dù anh chính là người khơi gợi tôi nhận việc “trợ giúp có tiền" này. Tôi hiểu tâm trạng của anh. Đứa bé tôi đang mang trong bụng chẳng liên quan gì đến anh, nó chỉ là một phương tiện giúp chúng tôi có một số tiền kha khá.

Mỗi tháng, cha mẹ tương lai của đứa bé đến thăm tôi. Họ xoa bụng tôi, nghe tim thai đập. Họ tỏ ra rất xúc động. Tôi cảm thấy vui lây với họ. Qua siêu âm, thai nhi là một bé trai. Bé sẽ mang tên Cooper. Vào cuối mỗi tháng, "thù lao” của tôi được trả đầy đủ như thỏa thuận. Khi Cooper chào đời, cha mẹ cháu ngồi cạnh tôi, mắt đầy lệ. Họ là người đầu tiên vuốt ve cháu bé, ẵm ru cháu.

Tôi sung sướng lây và cảm động vì hạnh phúc của họ. Cũng may là mọi sự kết thúc tốt đẹp. Cha mẹ Cooper bảo tôi có thể đến thăm cháu bé và họ. Nhưng tôi từ chối. Tôi chỉ nghĩ đến việc trở về nhà, tìm lại cuộc sống bình thường trước đó, quên đi đứa bé mà tôi mang nặng đẻ đau nhưng lại không phải là con tôi.

Với người mang thai hộ hiện nay, vấn đề được gặp lại đứa bé sẽ không được đặt ra. Người mẹ hờ luôn được quyền liên lạc với đứa trẻ và gia đình trẻ, thậm chí trở thành mẹ đỡ đầu của trẻ. Đã có vài chục trang trên Internet dành cho các phụ nữ mang thai hộ. Tình trạng tâm lý của những phụ nữ này được quan tâm, theo dõi chặt chẽ. Nhưng những điều tốt đẹp và cần thiết ấy lại không diễn ra vào thời tôi sinh Cooper. Tôi là "kẻ tiên phong" trong lĩnh vực này, nói chính xác hơn là một "vật thí nghiệm". Nếu việc xảy ra hiện nay, không ai có thể gạt tôi ra khỏi cuộc đời của Cooper.

Năm 1999, mười năm sau khi Cooper chào đời, Nathan bỏ tôi để theo một phụ nữ khác. Thật đau đớn cho tôi. Không chỉ thế, Nathan chuyển đến sống ở bang Nevada, con gái chúng tôi lúc ấy 16 tuổi, đã chọn sống với cha. Tôi chỉ còn lại một mình, ở Miami. Lúc cô đơn này tôi bắt đầu nghĩ đến Cooper. Đứa bé nay ra sao rồi? Cháu giống ai, sống ở đâu? Tôi liên lạc với bác sĩ Fischer, nhưng bác sĩ bảo rằng tôi không thể "xông" vào gia đình ấy như vậy. Trước đây, chính tôi đã quyết định không gặp lại họ nữa. Tôi đã đi xa đến độ nhờ một thám tử tư. Tôi nghĩ có thể tìm được họ nhờ biết ngày sinh và nơi sinh của Cooper, nhưng những cuộc tìm kiếm đều không đem lại kết quả. Gia đình Coo-per không còn sống ở Florida.

Giờ đây tôi sống một mình, có một việc làm liên quan đến Internet. Tôi cảm thấy khá thoải mái, dù sao cũng không thể để quá khứ dằn vặt mãi. Mùa hè này, một gia đình người Pháp thuê ngôi nhà gần nhà tôi. Họ là những người dễ gây thiện cảm. Cậu con trai nhà ấy 15 tuổi, dáng cao, mắt sáng, luôn tươi cười. Cậu ta khiến tôi chú ý ngay. Tôi tưởng tượng Cooper trông giống cậu ta. Tôi chỉ giữ một kỷ niệm thoáng qua về Cooper. Tôi chưa hề ôm Cooper trong tay hay vuốt ve cậu bé. Cooper biết gì về tôi? Liệu cậu có biết cậu ra đời nhờ một phụ nữ mang thai hộ?

Thời gian trôi qua, tôi trăn trở, suy nghĩ nhiều và hiểu ra vài điều chính yếu. Ngay cả khi liên lạc được với Cooper, nỗi bất an của tôi có nhạt đi? Tôi không cho rằng thế. Được trông thấy Cooper lớn lên, thành người trưởng thành có thể lại còn làm tôi khổ tâm hơn. Rồi mối quan hệ giữa tôi và cha mẹ cậu ta sẽ trở nên thế nào? Nếu Cooper tỏ ra quyến luyến tôi hơn? Giờ đây tôi hiểu tại sao nước Pháp và nhiều quốc gia khác cấm việc mang thai hộ. Lẽ ra tôi không nên chấp nhận làm cái việc cho thuê bụng. Lúc ấy tôi không thể biết quá khứ rồi sẽ đuổi theo tôi, đè nặng lên tôi đến thế. Tôi thật hối tiếc. Một phụ nữ không bao giờ có thể quên một đứa bé mà bà ta mang trong bụng, dù đứa bé ấy không mang một nhiễm sắc thể nào của bà ta. Ngay cả khi được trợ giúp tâm lý, mang thai hộ vẫn là một việc làm hoàn toàn trái tự nhiên.

(KTNN)


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA

▪ Vận rủi, vận may (12/05/2005)

▪ Món quà (10/05/2005)

▪ Lập ngân sách chi tiêu (09/05/2005)

▪ Bạn có yêu động vật? (09/05/2005)

▪ Nước mưa (07/05/2005)

▪ Khi chat thành... văn chương (30/04/2005)

▪ Về hưu tuổi hai mươi (28/04/2005)

▪ Ngáy và nghiến răng khi ngủ (25/04/2005)

▪ Tâm sự của một người đàn ông tốt phước (17/04/2005)

▪ Quản lý tài chính cá nhân (13/04/2005)