![]() |
Giao diện của máy tìm kiếm Cuil.com. |
Vào lúc 15h ngày 28.7, trên trang Cuil.com đã xuất hiện dòng xin lỗi: “Do lượng truy cập quá lớn, máy chủ của chúng tôi không trả lại được kết quả. Mong bạn quay trở lại sau”.
Số lượng người truy cập cuil.com quá lớn cũng một phần bởi các hãng truyền thông lớn nhất trên thế giới như AP, AFP, Reuters … kỳ vọng rằng công cụ này có thể đối đầu với Google, điều mà ngay cả Yahoo! và Microsoft chưa làm được.
Cuil là ai?
Cuil (đọc là cool – dễ chịu) là cái tên mới, nhưng những người đứng sau máy tìm kiếm (Search engine – SE) này không hề xa lạ với cộng đồng nghiên cứu SE. Theo NewYork Times, “cha, mẹ đẻ” của Cuil chính là một nhóm kỹ sư từng làm việc ở Google. Cặp vợ chồng Anna Patterson, Tom Costtelo cùng hai đồng nghiệp Russell Power và Louis Monier đang làm xôn xao giới phát triển SE khi đẩy “đứa con” của mình đối đầu với người khổng lồ Google.
Tương tự như Powerset, Cuil.com được nhà phát triển giới thiệu có khả năng hiểu nội dung, ngữ cảnh mà người dùng muốn tìm và trên cơ sở đó kết quả trả về sẽ gần gụi với mong muốn của người dùng hơn.
Patterson chính là người đã viết SE có cơ chế hoạt động dựa trên dữ liệu lưu trữ trên internet, sau đó đã bán phần mềm cho Google. Trước khi rời Google năm 2006, Patterson làm vịêc trong nhóm thúc đẩy ranking của 10 website cần quảng bá của Google. Monier được biết đến với chức danh đứng đầu nhóm nghiên cứu AltaVista, ông cũng góp công trong việc xây dựng SE cho trang ebay.com. Còn Costtelo là người duy nhất trong nhóm chưa làm việc cho Google, ông từng làm việc trong nhóm gây dựng WebFountain của IBM.
Cuil được chống lưng với khoản vốn đầu tư 33 triệu USD và có danh sách “dò tìm” lớn hớn bất kỳ máy tìm kiếm nào, lên đến 120 tỉ website, trong khi chỉ dùng 140 máy chủ. Patterson tự tin, danh mục tìm kiếm của mình lớn gấp 3 lần Google. Theo Costtelo, ngoài khả năng đưa ra kết quả tìm kiếm dưới dạng text, hình ảnh và đường link, Cuil còn cung cấp cho người dùng công cụ để có những kết quả tìm kiếm tốt hơn.
Cách đây 3 năm, Google đã ngừng công bố danh mục tìm kiếm của mình, khi đó, “index” của họ đang ở mức 8,2 tỉ website. Tuy nhiên, để đáp trả hôm thứ sáu tuần trước, Google đã công bố trên blog của mình: họ có thường xuyên quét được hàng nghìn tỉ link của các website!
Không thể đối đầu
Những người phát triển Cuil tự tin sản phẩm của họ có thể đối đầu với Google khi tuyên bố: “Những thứ không tìm thấy trên Google, có thể tìm được bằng Cuil”.
Các chuyên gia nghi ngờ 30 kỹ sư của Cuil Inc, có đủ lực để chiếm một góc của “chiếc bánh tìm kiếm”. Bởi người sử dụng không cần so sánh số tiền các Cty bỏ ra, cũng như danh mục của SE. Họ chỉ cần biết công cụ tìm kiếm đó có thân thiện, dễ sử dụng và đem lại những tiện ích gì. Cuil, phát âm tương tự từ “cool” có nghĩa là dễ chịu. Nhưng liệu người sử dụng có cảm thấy dễ chịu khi dùng Cuil?
Cùng gõ một từ khoá không nổi tiếng trên hai thanh công cụ, thì Google cho nhiều kết quả tim kiếm hơn. Trong khi Cuil chia kết quả tìm kiếm làm ba cột, nhưng có những kết quả trên trang nhất không liên quan gì đến nội dung người dùng cần tìm.
Và mặc dù được giới truyền thông toàn cầu quảng bá ầm ĩ nhưng không ít các hãng tin lớn bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng đối đầu với Google của Cuil.com.
Tờ Time (CNN) nói thẳng rằng Cuil chỉ gây chút rủi ro đối với gã khổng lồ đang dẫn đầu thị trường tìm kiếm Google. “Những ai nghĩ rằng Cuil sẽ trở thành sát thủ của Google giờ có thể thấy rằng điều này không thể. Cuil không thể đánh bại Google vào thời điểm này và một năm nữa sẽ vẫn như vậy”, Danny Sullivan, nhà phân tích các công cụ tìm kiếm web và là tổng biên tập trang Search Engine Land, phát biểu với Time.
Không ít các tờ báo khác còn viện dẫn những lý do cụ thể khiến Cuil không thể hạ gục nổi Google, dạng như Google đang ở vị trí dẫn đầu với hàng loạt dịch vụ miễn phí kèm theo như thư điện tử, chia sẻ hình ảnh; hay như trang kết quả của Cuil không hấp dẫn người sử dụng như google, công cụ được xây dựng dựa trên hàng tỉ web tìm kiếm…
Dù gì thì Cuil.com đã ra mắt ấn tượng. Có thể Cuil chưa giành thắng lợi trong cuộc đấu trực diện với Google nhưng Cuil có thể trở thành kẻ phá bĩnh Google và giành một phần nào đó thị trường tìm kiếm báu bở, trị giá hàng tỉ USD.
▪ PAvietnam bị hack tên miền, hàng loạt website tê liệt (29/07/2008)
▪ Những siêu máy tính đặc biệt (26/07/2008)
▪ Cảnh báo tin tặc tấn công toàn cầu ! (25/07/2008)
▪ Sao Diêm Vương có thêm "anh em" (24/07/2008)
▪ Virus YM nội trở lại với quảng cáo phim sex hoa hậu (24/07/2008)
▪ 60 tỷ USD năm 2008- doanh thu cao nhất trong lịch sử Microsoft (22/07/2008)
▪ AMD chính thức "tuyên chiến" Intel Atom (22/07/2008)
▪ 'Cuộc chiến' vệ tinh GPS ngoài không gian (19/07/2008)
▪ Thám hiểm thiên văn trên máy tính (18/07/2008)
▪ Hacker tuổi teen New Zealand “cải tà quy chính” (17/07/2008)