VNNIC lạm quyền?
Có thể khẳng định: Quyết định 27 của Bộ BC-VT đã không thỏa mãn được các điều kiện cần và đủ cho cả cơ quan thực thi là VNNIC lẫn cộng đồng sử dụng tên miền Internet. Chính vì thế mới có chuyện người đăng ký cấp tên miền bảo "tôi đăng ký tên miền theo ý nghĩa nghiêm túc" còn VNNIC cho rằng tên miền đó "nhạy cảm". Nhưng, nếu chưa xét đến thế nào là "nhạy cảm" thì theo luật sư Vũ Thái Hà (người có ý định kiện VNNIC) cho rằng: VNNIC là đơn vị cấp và quản lý tên miền, chứ không có chức năng quản lý nội dung. Vì thế, việc từ chối tiếp nhận hồ sơ, từ chối cấp tên miền "nhạy cảm" chính là sự lạm quyền. Bên cạnh đó, phóng viên Lao Động cũng đã làm phép tra cứu các tên miền như lon, buoi, chim (được cho là nhạy cảm) thì trang web của VNNIC đều hiện thông tin: Chưa có chủ thể nào đăng ký. Theo cách viết này thì cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể hiểu rằng: Vì chưa có chủ thể đăng ký thì cũng có nghĩa sẽ được phép đăng ký. Nhưng lẽ đương nhiên, chỉ khi các chủ thể đến với VNNIC thì mới biết những tên miền này sẽ không thể đăng ký được vì "nhạy cảm".
Tuy nhiên cũng trên trang web của VNNIC, chúng tôi có thể chỉ ra rằng VNNIC đã phân biệt đối xử, thậm chí vi phạm quy định. Trong QĐ 27 có ghi: Tránh đăng ký các tên miền liên quan tới tên các địa danh, danh nhân, lãnh tụ... Vậy, tại sao VNNIC lại cấp tên miền hanoi.com.vn; hochiminh.com.vn; saigon. com.vn cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Mắt Bão? Hay ngay cả tên miền vietnam.com.vn cũng được Công ty cổ phần thiết kế và phát triển DDC đứng tên. Bên cạnh đó, những tên miền như lequydon; truongchinh cũng đã có chủ. Thậm chí, ngay cả tên miền theo chúng tôi là không kém "nhạy cảm" là cac.com.vn cũng được chính VNNIC cấp phát...
Những bất hợp lý
Trên diễn đàn tin học, rất nhiều cá nhân và DN kêu ca rằng phí đăng ký cấp phép và duy trì tên miền của VNNIC là quá cao so với tên miền quốc tế. Còn VNNIC lại cho rằng: Cao hay thấp là do Bộ Tài chính quy định. Điều này khó chấp nhận được bởi chính VNNIC phải có trách nhiệm trong việc tham vấn đối với các loại phí này. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hơn là mức phí quá cao vô hình trung đã cản trở sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT), trong khi chính Bộ BCVT và mới đây là Chính phủ có quy hoạch đưa nó trở thành lĩnh vực mũi nhọn.
Song, việc quản lý DNS (tạm dịch là hệ thống tên miền) cũng như phí đổi DNS được cho là bất hợp lý nhất. Theo chuyên gia Vi Khoa (quản trị mạng diễn đàn tin học): Với nhiều lý do khác nhau, sự chuyển đổi DNS là yêu cầu thường xuyên để đảm bảo sự an toàn cho trang web. Vì thế, sự bất hợp lý còn hơn thế khi VNNIC chỉ cần thao tác rất đơn giản, nhanh chóng là đã có thể chuyển đổi DNS, còn chủ thể lại phải mất mức phí lên tới 250.000đ/lần.
Một bất hợp lý khác mà các chủ thể đang đấu tranh chính là quy định cấm mua bán, chuyển nhượng tên miền vì tại Việt Nam, tên miền được coi là tài nguyên. Theo các chuyên gia, việc ngăn cấm này chính là rào cản của thương mại điện tử - vốn là hàng hoá. Nhưng, ngay cả trong thực tế gần gũi nhất thì nó cũng thể hiện sự bất hợp lý. Ông Thái Hà cho rằng: Muốn thực hiện việc chuyển nhượng và cả mua bán thì lại cực kỳ đơn giản, chỉ có điều, việc chuyển nhượng sẽ phải chịu mức phí không nhỏ; hoặc nếu mua bán thì phát sinh giao dịch chợ đen.
Cuối cùng, một chủ thể phàn nàn: VNNIC là cơ quan "Internet" nhưng lại không làm việc bằng Internet. Bằng chứng là trên trang web của VNNIC có mục "đăng ký trực tuyến", song nó lại không hoạt động. Vì trên thực tế, việc đăng ký tên miền hiện nay vẫn thực hiện theo phương thức "hành chính giấy tờ".
Dường như những bất bình này cho thấy: Việc đăng ký và quản lý tên miền Internet hiện nay đã không theo kịp so với yêu cầu thực tế.
|