Màn hình kép giúp chuyển ảnh vệ tinh thành dạng ba chiều
Các Website khác - 14/09/2005
Hãng Planar Systems vừa giới thiệu một sản phẩm màn hình có khả năng chuyển các bức ảnh vệ tinh hai chiều sang dạng ảnh nổi ba chiều. Hãng này dự định bán ra thị trường loại màn hình này với giá khoảng 3.995 USD.
Thiết bị màn hình SD1710 của hãng này bao gồm hai màn hình ghép với nhau, tạo thành một góc 110o và được ngăn cách bởi một tấm kính phân cực. Tấm kính này sẽ cho phép hình ảnh từ màn hình ở phía dưới xuyên qua và nó sẽ phản chiếu hình ảnh từ màn hình phía trên. Một người đeo một chiếc kính đặc biệt sẽ có thể nhìn thấy một bức ảnh số dưới dạng ba chiều, sắc nét mà không hề bị các rìa răng cưa, vết mờ hay các hiệu ứng tạo ảnh khác như khi sử dụng các công nghệ tạo ảnh ba chiều khác.

Ông Scott Robinson, một nhà khoa học của Planar nói, khi chuyển các bức ảnh phẳng thành một hình ảnh ba chiều, các khu vực bị bóng tối che phủ sẽ được thể hiện một cách dễ dàng hơn. Với loại màn hình này, các cơ quan cứu trợ sẽ có được cái nhìn chính xác hơn về các thảm họa, thí dụ như mức độ vỡ đê tại TP New Orleans.

Về mặt kỹ thuật, các hình ảnh không phải là ba chiều thực mà chỉ là ảo giác đánh lừa bộ não. Máy tính sẽ chọn một hình ảnh cho mắt phải, và ghép nó với một hình ảnh tương tự lấy từ một góc hơi khác một chút và gửi nó tới mắt trái. Do hình ảnh mà mỗi mắt nhìn thấy có sự khác nhau một chút, bộ não người sẽ nghĩ rằng cặp mắt đang nhìn vào một khung cảnh ba chiều chứ không phải là một hình ảnh hai chiều, và nó sẽ xử lý hình ảnh theo kiểu ba chiều.

Phần lớn máy ảnh trên các vệ tinh đều không phải là các máy ảnh ba chiều mà là các máy ảnh thông thường chụp liên tiếp các bức ảnh. Cho tới nay, thậm chí nếu vệ tinh di chuyển 20 dặm hoặc vài dặm đối với các máy bay chụp ảnh, các bức ảnh liên tiếp này có thể được kết hợp với nhau bằng rất nhiều loại phần mềm thí dụ như sản phẩm của DAT/EM Systems International để tạo ra một bức ảnh ba chiều.

Không giống như các màn hình nổi ba chiều mới được giới thiệu gần đây như của Sharp, hệ thống màn hình của Planar đòi hỏi người xem phải đeo một loại kính đặc biệt. Tuy nhiên, các hệ thống màn hình nổi xem trực tiếp không cần đeo kính thường buộc người xem phải giữ đầu của họ ở một khoảng cách nhất định đối với màn hình. Việc đeo chiếc kính đặc biệt về cơ bản sẽ cho phép người xem có thể cử động một cách thoải mái hơn.

Planar khẳng định, Hệ thống của họ cũng giúp loại bỏ hiện tượng chóng mặt, buồn nôn do rung hình thường xuất hiện khi xem các màn hình lập thể CRT. Trong các hệ thống CRT, màn hình chuyển đổi liên tục giữa các hình ảnh dành cho hai mắt trái và phải. Như vậy nó sẽ tạo ra được một hình ảnh ba chiều ghép, nhưng lại gây nhức đầu cho người xem.

Ông Robinson nói: "Có một số người chỉ có thể chịu được khoảng 15 phút khi xem hình ảnh trên các hệ thống CRT". Và ông cũng cho biết khi thử nghiệm, người xem có thể nhìn các hình ảnh trên hệ thống màn hình của Planar cả ngày mà không gặp phải vấn đề gì. Hệ thống màn hình mới của Planar cũng có thể được sử dụng dưới chế độ hình ảnh hai chiều thông thường.

Theo Theo CNet