Một ngày ở bệnh viện không có mùi cồn
Các Website khác - 20/12/2007
"Bác sỹ" đang chăm sóc "bệnh nhân" là máy tính.

Một buổi sáng, đến “ bệnh viện “ máy tính iCare, nằm ở số 181 Phan Đăng Lưu ( Phú Nhuận, TPHCM ), không khí rất nhộn nhịp, thoáng mát. Trên gương mặt của những “thân nhân con bệnh “ cũng lộ vẻ lo lắng, hồi hộp, giống như ở những bệnh viện thông thường khác. Các máy tính vào đây đều được chăm sóc đặc biệt, giống như một con người.

Bước vào bệnh viện này, khách hàng sẽ thấy ngay khoa tiếp nhận “ bệnh nhân”, được gọi là phòng khám “lâm sàng “. Có khoảng 20 người đang ngồi đợi tới lượt mình. Khi tới lượt, thân nhân sẽ vào khai triệu chứng, biểu hiện bất thường mà “người bệnh” mắc phải. Rất lạ và buồn cười, khi các “ y,bác sĩ” ở đây đều trong trang phục chỉnh tề màu trắng, đầu đội cái nón… na ná của các bác sĩ ở các bệnh viện dành cho con người khác.

Một cái máy PC, bệnh nặng quá, bị mất nguồn, phải vào ngay khoa “cấp cứu hồi sức”. Sau một khi làm thủ tục đơn giản, các “y tá “ đã cấp tốc chuyển “ bệnh nhân” vào phòng nội trú. Có lẽ, “bệnh nhân” này phải nằm lại ở đây ít nhất khoảng một tuần.

 

Có tới bệnh viện này, mới thấy người dân Việt Nam ngày càng dùng nhiều máy tính, nhất là máy tính xách tay. Theo chân một thanh niên vào phòng điều trị dành cho laptop, tôi thấy rất có nhiều người ngồi đợi ở đây. Cậu này nói: “Cái máy của em hỏng, không làm việc được, phải đi sửa gấp thôi…”. Ở đây, nếu “bệnh nhân” chỉ có những biểu hiện “cảm sốt, hắt hơi, sổ mũi” thông thường, các “y, bác sĩ” sẽ “ kê toa”, khám nhanh chóng , rồi cho “xuất viện” ngay, còn “nặng”, bắt buộc phải “ nằm viện”, thời gian nhanh hay lâu phụ thuộc vào “tình trạng sức khỏe” của “con bệnh”. Những câu nói vui tai như: “Em nó bị mất nguồn, bị virus, phải nằm lại thôi chị ơi…”, “ Tiền viện phí nằm lại bao nhiêu?”, “Nằm lại khoảng bao lâu?”, là những câu nói thường nghe nhất.

 

“Lương y” Võ  Anh  Khoa cho biết: “ Mỗi ngày khoa laptop nhận từ 30 - 40 bệnh nhân, với đủ thứ bệnh. Trong số đó nằm “nội trú” lại khoảng 10 máy…”. Nhìn những cái laptop nằm ngay ngắn trên kệ, chờ điều trị, “thân nhân” của chúng rất yên lòng, ra về, hoàn toàn tin tưởng với câu: “lương y như từ mẫu”.

 

Làm nhiệm vụ “ khám” ở phòng này là chàng trai trẻ Phan Ngọc Tuấn. Tốt nghiêp trường đại học Khoa Học Tự Nhiên, Tuấn đã vào đây làm được hai năm. Công việc bận rộn nhưng trên môi Tuấn luôn nở nụ cười tươi. Tuấn nói: “Tuy là những cái máy tính, nhưng là vật dụng gần gũi với chủ nhân, nên họ coi như người bạn thân thiết. Vì vậy, chủ nhân cũng rất lo lắng trước tình trạng sức khỏe của nó. Chúng tôi phải tạo cảm giác thoải mái…”.

 

iCare là bệnh viện máy tính đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay ngoài vai trò sửa chữa, bệnh viện cũng đã có khóa đào tạo các “y, bác sĩ “ cho tương lai. Ngoài ra, bệnh viện này cũng nhận làm gia công bàn phím, main, màn hình LCD … cho các tập đoàn máy tính lớn, nổi tiếng trên thế giới.

 

Bệnh viện chỉ mới thành lập từ năm 2005, thời gian tuy ngắn nhưng đã tạo được uy tín, tin tưởng với khách hàng. Hiện nay bệnh viện có 4 “khoa”: Khoa chẩn đoán lâm, khoa điều trị nôi trú, ngoại trú, khoa giải phẫu… Hiện nay bệnh viện này đã có 5 phân viện rải rác khắp cả nước.

 

Anh Trần Vĩnh Phát, trưởng khoa điều trị nội trú cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển hơn, nâng cao chất lượng phục vụ hơn. Xu hướng trong vài năm tới, chuyện người dân xài máy tính, nhất là laptop sẽ rất phát triển, vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị…”.

 

Lê Ngọc Dương Cầm