Mỹ sẽ xây lại mạng Internet toàn cầu
Các Website khác - 02/08/2008
                                                   
Internet đang quá tải do số người dùng mạng ngày càng nhiều
Chính phủ Mỹ vừa quyết định tài trợ 12 triệu USD cho một dự án nhằm tái thiết kế và xây dựng lại mạng Internet toàn cầu từ con số 0. Dự kiến dự án này phải mất đến 5 năm mới hoàn thiện với khoản chi phí lên tới 350 triệu USD.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguồn tài trợ bước đầu của Hiệp hội Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) cho dự án phát triển và thử nghiệm hệ thống mạng "Globle Environment for Network Innovations" (GENI). Dự án này nhằm giúp các nhà khoa học nghiên cứu và thử nghiệm những ý tưởng mới nhưng không gây ảnh hưởng đến mạng Internet hiện tại. BBN Technologies Inc sẽ giám sát việc thực hiện kế hoạch thiết kế và xây dựng GENI.

Bên cạnh đó còn có hai tổ chức nghiên cứu lớn lên tiếng ủng hộ và góp sức bằng chính băng thông mạng phục vụ việc thử nghiệm một mạng Internet hoàn toàn mới. Cụ thể, tổ chức Internet2 sẽ đóng góp hệ thống mạng có băng thông lên tới 10Gbps giúp các nhà nghiên cứu có một mạng riêng để thử nghiệm hệ thống không chịu bất kỳ tác động nào từ các luồng giao thông mạng Internet hiện tại.

National LambdaRail đóng góp hệ thống mạng băng thông lên tới 30Gbps. Tuy nhiên, hệ thống mạng này không phải sẽ được dành riêng cho cho GENI. Nó chỉ dành cho GENI khi nào các nhà nghiên cứu có nhu cầu sử dụng, còn bình thường vẫn phục vụ các mục đích cho LambdaRail.

Nếu thành công, những hệ thống mạng này có băng thông cực lớn, gấp hàng nghìn lần tốc độ kết nối băng thông rộng hiện tại. Với mức băng thông như thế, người dùng có thể xem cùng lúc đến 30 bộ phim độ phân giải cao trực tuyến mà không sợ bị giật.

Các nhà khoa học tin rằng việc thiết kế và xây dựng lại mạng Internet toàn cầu từ con số 0 là cách duy nhất để giải quyết những vấn đề bảo mật, “nghẽn cổ chai” và thách thức khác đối với mạng Internet hiện tại. Bởi hiện nay vào lúc cao điểm chỉ 5% người sử dụng đã chiếm mất 90% băng thông hiện có vì sự phát triển bùng nổ của mạng chia sẻ ngang hàng P2P, nội dung đa phương tiện…

Theo AP, Reuters, Washington Post, Tuổi Trẻ