Đặc biệt, cũng trong năm nay, Tâm đã tốt nghiệp đại học với danh hiệu thủ khoa...
Từ người mê nghiên cứu mã nguồn mở...
Do nhà có cửa hàng dịch vụ vi tính nên ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Tâm (sinh ngày 29-9-1983) đã may mắn được tiếp xúc sớm với tin học. Lúc còn học lớp 5, em đã được giao trông cửa hàng những khi mẹ bận việc nên có nhiều thời gian để "quậy" máy tính. Nhờ vậy nên chẳng mấy chốc Tâm đã khá rành tin học và em được mẹ giao quản lý luôn cả cửa hàng. Tốt nghiệp cấp 3 Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TP Hồ Chí Minh với kết quả loại giỏi, Tâm thi vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh và trúng tuyển với số điểm khá cao.
Suốt những năm tháng ở đại học, Tâm rất mê học lập trình. Tâm nghiên cứu nhiều về lập trình và đã có một số công trình tiêu biểu. Đặc biệt Tâm là một trong 20 sinh viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận được học bổng Amcham dành cho những sinh viên xuất sắc của toàn khối...
Ngoài ra, Tâm còn nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Tháng 8-2005, Tâm đã giới thiệu đề tài "Lập trình tương thích trên nhiều môi trường và ứng dụng". Đề tài này nhằm nghiên cứu đến lập trình .NET trên nhiều môi trường nghiên cứu khác nhau như: Windows, Linux, MacOS... Đề tài đã giành được giải nhì công trình nghiên cứu khoa học cấp trường và được hội đồng chuyên môn của trường đánh giá cao, chọn gửi tham dự giải thưởng khoa học Eureka năm nay.
Song song với đề tài này, Tâm cũng tiếp tục xây dựng một đề tài mới "Thông quan về thư viện mã nguồn mở Mono và khả năng phát triển ứng dụng tương thích nhiều môi trường trên nền Mono". Về việc chọn đề tài này, Tâm cho biết: Trong bối cảnh phát triển vượt bậc của nền công nghệ thông tin ngày nay, các hệ điều hành như Linux, MacOS ngày càng được sử dụng rộng rãi, việc phát triển các ứng dụng cần phải quan tâm đến khả năng triển khai trên nhiều môi trường khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh mô hình máy ảo java đã được sử dụng phổ biến thì Mono được biết đến như một dự án với mục tiêu là cho phép các ứng dụng .NET thực thi trên nhiều môi trường khác ngoài Windows với một số ưu điểm về tốc độ thực thi. Vì vậy, nghiên cứu của Tâm đã giới thiệu tổng quan về Mono, các thành phần của chúng, cũng như các vấn đề về xây dựng ứng dụng với Mono trên nhiều môi trường tương thích.
Tại kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam năm 2005 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Tâm đã xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi ở phần lập trình mã nguồn mở. Bạn cũng nhận được giải thưởng CNTT thanh niên "Quả cầu vàng" năm 2005 cùng nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ, Hội Sinh viên Việt Nam...
Nhờ những kết quả xuất sắc trong học tập, Tâm đã được chọn làm luận văn tốt nghiệp ra trường (tháng 9-2005). Trên cơ sở những thành công về mã nguồn mở đã nghiên cứu, Tâm đã chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp đại học của mình là Một hướng nghiên cứu mới về mã nguồn mở và đã giành được điểm tuyệt đối của Hội đồng chấm luận văn.
... Đến từ điển dành cho người khiếm thị
Vượt lên những danh hiệu, những giải thưởng, các công trình tin học do Tâm xây dựng đã có nhiều đóng góp lớn trong việc ứng dụng vào cuộc sống. Và thành tích to lớn nhất của bạn chính là việc đã cùng các cộng sự thuộc nhóm xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh hoàn thành bộ từ điển Pháp - Việt, Việt - Pháp, Việt - Việt nhằm hỗ trợ cho người khiếm thị học tiếng Pháp dễ dàng hơn với từ điển FVDictionary. Việc ra đời chương trình là một thành công lớn của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, giúp ích rất nhiều cho việc học tập của người khiếm thị hiện nay.
Nói về lý do để thực hiện đề tài Tâm cho biết: Những năm gần đây, người khiếm thị trên thế giới đã có thể tiếp cận với thông tin thông qua máy tính nhờ áp dụng những phần mềm dùng công nghệ chuyển đổi văn bản thành tiếng nói (text to speech). Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ phát âm bằng các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật... Phần tiếng Việt của chúng ta còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Và trong đó có nguyên nhân là do thiếu cơ sở dữ liệu cơ bản dạng điện tử cần thiết cho việc xử lý ngôn ngữ tự động bằng máy tính.
Được sự hướng dẫn của TS Đinh Điền, Bộ môn Công nghệ phần mềm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Tâm và các bạn thực hiện công việc xây dựng bộ từ điển Pháp - Việt, Việt - Pháp, Việt - Việt dành cho người khiếm thị, giúp nhiều người khiếm thị dễ dàng hơn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin.
Cấu trúc chương trình chính từ điển được Tâm và các bạn xây dựng bằng cách tạo file index và data cho từ điển Pháp - Việt, Việt - Pháp, Việt - Việt. Các file từ điển được đổi sang file vietphap.idx, vietphap.data, phapviet.idx, phapviet.data, vietviet.idx, vietviet.data với các lớp được sử dụng cho chương trình giúp người khiếm thị có thể dễ dàng ứng dụng vào việc học tập. Bộ từ điển hiện đã được nhiều người khiếm thị ở một số trung tâm khiếm thị ứng dụng và đánh giá rất cao.
Tâm cho biết cũng có những khó khăn của nhóm gặp phải khi xây dựng chương trình như việc thực hiện đọc các chữ tiếng Việt và tiếng Pháp chưa đồng bộ do sử dụng hai bộ chuẩn dữ liệu khác nhau, từ ngữ khác nhau giữa tiếng Việt và Pháp. Tuy nhiên cuối cùng nhóm đã có kết quả khá tốt, đó là tách chính xác các ngữ trong nghĩa của từ và từ loại tương ứng của nó, tạo khả năng mở rộng trong tương lai với các loại từ điển khác nhau.
Hiện nay, nhóm thực hiện đã tìm được một module đọc tiếng Pháp riêng không phụ thuộc vào Microsoft Agent do nhóm elite thực hiện, module này hoạt động khá tốt và phù hợp với chương trình từ điển của nhóm. Nhóm đã liên hệ trực tiếp với nhóm elite để xin phép sử dụng module này cho việc phát triển chương trình từ điển trên diện rộng. Hiện đang là giảng viên trợ giảng của bộ môn công nghệ phần mềm của Trung Đại học Khoa học tự nhiên, Tâm cho biết kế hoạch của mình là phấn đấu tiếp tục hoàn thành chương trình cao học công nghệ thông tin tại trường và tiếp tục tham gia cùng với cộng đồng góp phần vào việc xây dựng và phát triển các mã nguồn mở hiện nay...
|