Châu Á-TBD khó với tới mục tiêu thiên niên kỷ
Các Website khác - 07/09/2005

LHQ cho biết như vậy khi còn chưa đầy một tháng các lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp để bàn về những tiến triển của việc thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Soạn: AM 540657 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Trên đường phố Ấn Độ.

Theo báo cáo mới đây của LHQ, không có quốc gia đang phát triển nào ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi đúng hướng để đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào 2015.

LHQ cho biết, dù đã đạt được ''tiến bộ đáng kể'' về giảm đói nghèo trong khu vực song số người đang trong cảnh thiếu đói mới chỉ giảm nhẹ. Tajikistan là một trong những quốc gia ''yếu kém nhất'', với 61% dân số vẫn bị đói mỗi ngày. Tiếp theo Tajikistan là CHDCND Triều Tiên với 31%.

Báo cáo ''Tương lai trong tầm tay'' là bản báo cáo thứ 2 trong một loạt văn bản tương tự do Uỷ ban kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Chương trình phát triển LHQ và Ngân hàng phát triển châu Á soạn thảo.

Cuối tháng này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại New York để thảo luận về những tiến triển trong chương trình Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) - 5 năm sau khi nó được các quốc gia thành viên của cộng đồng quốc tế phê chuẩn.

Mục tiêu của MDG là xoá đói nghèo, bệnh tật, mù chữ, giảm ô nhiễm môi trường và chống phân biệt đối xử với phụ nữ-những lĩnh vực chủ chốt để duy trì sự phát triển kinh tế và xã hội.

Báo cáo của LHQ nhấn mạnh, số trẻ suy dinh dưỡng đang ở mức cao ở một loạt quốc gia. Tại Nepal, Afghanistan và Bangladesh, con số này là 48% và ở Ấn Độ là 47%. Tài liệu này cũng nêu tỷ lệ tử vong của sản phụ và trẻ em đồng thời vẽ ra một bức tranh pha trộn về khu vực.

Theo thống kê, năm 2003, số trẻ thiệt mạng lên tới mức cao nhất - ở Ấn Độ là 2,3 triệu, Trung Quốc 650.000 và Pakistan là 481.000. Có một con số gây sốc cũng được tiết lộ đó là tỷ lệ tử vong cao ở Afghanistan, cứ 1.000 trẻ ra đời lại có 257 trẻ chết, tương đương cứ 4 trẻ lại có 1 em chết khi chưa tới 5 tuổi.

Ngoài các vấn đề trên, báo cáo ''Tương lai trong tầm tay'' của LHQ còn cho biết, nạn dịch HIV/AIDS tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng rất đáng lo ngại. ''Châu Á-Thái Bình Dương là nơi cư trú của 60% dân số thế giới, vì vậy những gì xảy ra tại đây sẽ có tác động lớn đối với bức tranh toàn cảnh của thế giới''.

  • Hoài Linh (Theo AFP)