Bengal (Ấn Độ): Nam giới triệt sản có nguy cơ nhiễm HIV cao
Các Website khác - 31/08/2005

Một nghiên cứu mới đây cho biết, nam giới triệt sản là một trong những nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV/Aids cao nhất hiện nay tại Bengal (Ấn Độ). Đối tượng này tập trung chủ yếu tại Calcutta, thành phố phía tây Ấn đồng thời là thủ đô của bang Tây Bengal.

Bản nghiên cứu nói trên có tên gọi Bản đồ các nhóm dân cư có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao (Mapping of Population Groups Vulnerable to HIV/AIDS) do Ban giám đốc sở y tế bang thực hiện. Theo nghiên cứu này, đã có rất nhiều nam giới triệt sản của bang nhiễm virus HIV do quan hệ tình dục không bảo vệ. Khả năng lây nhiễm từ nhóm này là rất cao do đây là nhóm đối tượng thường xuyên lưu động, di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác.

Trước tình hình đại dịch bùng phát báo động như thế, ban giám đốc sở y tế quyết định mở chiến dịch phòng chống HIV/Aids (bao gồm cả việc cấp phát miễn phí bao cao su) và chương trình làm phát sinh thu nhập cho cộng đồng đối tượng này.

Cũng theo nghiên cứu cho biết, trên toàn lãnh thổ bang Tây Bengal đã có 117 nam giới triệt sản. Chỉ riêng ở Calcutta đã có 20 người. Nơi lưu trú nhiều nam giới triệt sản nhất là vùng tây Midnapore với 275 người.

Ông S. Suresh Kumar, giám đốc Hiệp hội kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS bang cho biết: “Chính sự lưu động và hoạt động tình dục không an toàn là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV cao của nhóm nam giới triệt sản. Chúng tôi đã triển khai một chương trình hành động nhằm kiểm soát tình hình này bởi đây là vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển của cộng đồng nói chung chứ không riêng nhóm đối tượng này”.

Theo điều tra của nghiên cứu trên, hầu hết nam giới triệt sản đều là những người chuyển đổi giới tính, họ tự nguyện tham gia triệt sản. Số đối tượng này quần tụ trong một cộng đồng riêng biệt hết sức thân thiết chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm do một thủ lĩnh cầm đầu gọi là “Guruma”. Có rất nhiều nam giới sau khi triệt sản vẫn có quan hệ tình dục với đàn ông khác để lấy tiền (nhóm này được cộng đồng gọi là “parikhs”).

Vậy thì tại sao nam giới triệt sản lại có thể gây truyền nhiễm virus HIV? Trả lời thắc mắc này, điều phối viên dự án Sanjib Chakraborty cho biết, hầu hết các đối tượng đó đều đã có gia đình, do vậy, sau khi nhiễm bệnh họ lại về nhà và đổ bệnh cho vợ mình.

Chương trình phòng chống đại dịch thoạt đầu chỉ nhằm mục đích hướng dẫn nhóm đối tượng này tìm kiếm  các sinh kế khác nhau. Có 8 trung tâm phòng chống được thiết lập ở các tỉnh Calcutta, Baruipur, Serampore, Bongaon và Ranaghat,… , các buổi giáo dục về kiến thức y tế cũng được tổ chức đều đặn. Ngoài ra, chương trình còn cố gắng phát hiện thêm các nhóm đối tượng bị bỏ sót trong nghiên cứu lần trước.

Dự án trên do Manas Bangla, nhóm gồm 7 tổ chức phi chính phủ kết hợp chuyên hành động vì cộng đồng gay, lesbian, Bisexual và Transgender (LGBT) triển khai thực hiện.

Điều phối viên chương trình Chakraborty cho biết thêm: “Chúng tôi có quá ít thông tin về những người nam giới triệt sản bởi họ rất kín đáo lại sống thành từng nhóm nhỏ. Chính vì thế, chúng tôi dự định sẽ hợp tác bí mật với các Gurumas nhằm tránh làm dự án đổ bể. Mục đích chúng tôi hướng đến chính là đem đến cho họ những cơ hội kiếm sống để tồn tại lành mạnh”.

Dương Kim Thoa theo http://www.telegraphindia.com