Ảnh minh họa
Đáng chú ý là việc lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm tỷ trọng chính trong lây truyền HIV, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), đặc biệt nhóm tuổi trẻ gia tăng. Đây là cảnh báo quan trọng, nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm này sẽ chiếm tỷ trọng chính trong tương lai.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS nêu rõ, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu quy mô lớn để ước tính số lượng nam quan hệ tình dục đồng giới. Theo báo cáo từ Mô hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam, ước tính năm 2016 có 331.500 nam quan hệ tình dục đồng giới.
Theo báo cáo Giám sát hành vi lồng ghép với các chỉ số sinh học (HSS/HSS+) từ năm 2011-2016, tỷ lệ nhiễm HIV hiện nay trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đã tăng nhanh từ 5,2% năm 2011 lên 8% năm 2014 và 8,2% năm 2016.
Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ngày càng có thêm các hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm HIV. Cụ thể, tỷ lệ dùng bao cao su trong quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng giảm (năm 2011 là 75,6%; năm 2013 là 62% và 2016 là 61%).
Tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới sử dụng ma túy tổng hợp tăng (15,4% năm 2012; 15,7% năm 2014 và 22,3% năm 2016). Tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới xét nghiệm HIV và biết kết quả trong 12 tháng qua thấp (năm 2013 là 29,8% và năm 2016 là 41,3%).
Đặc biệt, mức độ tiếp cận với chương trình dự phòng của nhóm này mới đạt 37% năm 2016. Tỷ lệ khám và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục thấp nên còn một tỷ lệ lớn nam quan hệ tình dục đồng giới chưa có đủ kiến thức và chưa được tiếp cận các dịch vụ để dự phòng lây nhiễm HIV.
Hiện nay, các tỉnh thành phố đã có nhiều hoạt động và mô hình can thiệp cho nhóm này từ truyền thông, tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm dựa vào cộng đồng, cấp phát bao cao su cùng chất bôi trơn. Đặc biệt, TPHCM đã triển khai thí điểm điều trị trước phơi nhiễm (PREP) cho nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn là nhóm khó tiếp cận do đặc thù là nhóm quần thể ẩn và do các tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa, kỳ thị, phân biệt đối xử… Đây là các trở ngại cho người quản lý thiết kế các chương trình cũng như rào cản để nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Trước tình hình trên, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường các hoạt động can thiệp nhằm kiểm soát tốc độ gia tăng lây nhiễm HIV, dự phòng, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; tiếp tục duy trì, mở rộng những mô hình đạt hiệu quả cao. Đồng thời, ngành Y tế đẩy mạnh cung cấp dịch vụ từ truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những người dễ tổn thương (như: nghiện ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, người nhiễm HIV và gia đình của họ)…
Theo TTXVN
▪ Góc khuất nghề PR bar: Khi đi lộng lẫy khi về tả tơi (28/11/2017)
▪ Gần 3 nghìn trẻ em dân tộc thiểu số dưới 16 tuổi kết hôn (22/11/2017)
▪ Cần ngăn chặn tình trạng lạm dụng trẻ em đi ăn xin (21/11/2017)
▪ Ma túy đá 'tấn công' vùng nông thôn (16/11/2017)
▪ Lạm dụng Ritalin: Hiểm họa khôn lường (14/11/2017)
▪ Gần 70% trẻ em Việt Nam đang bị hành xử bạo lực (04/11/2017)
▪ Tái trồng cây thuốc phiện ở nhiều nơi (03/11/2017)
▪ Trẻ vị thành viên tham gia mạng xã hội: Những bất trắc từ cuộc sống ảo (26/10/2017)
▪ Tâm sự chát đắng của người đồng tính nhiễm HIV sau cuộc tình một đêm (24/10/2017)
▪ Ham 'việc nhẹ, lương cao', nhiều bé gái rơi vào 'động quỷ' (23/10/2017)