Nặng về chữa bệnh hơn phòng bệnh
Các Website khác - 16/02/2006
Tập thể dục hằng ngày để phòng bệnh béo phì
Đến năm 2015, ở khu vực này sẽ có nhiều người chết vì các bệnh mãn tính hơn bệnh truyền nhiễm do chính sách y tế chưa thỏa đáng và lối sống tiêu dùng thái quá

Đó là lời cảnh báo nghiêm túc của Ủy ban Kinh tế – Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (ESCAP) có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan), khi đánh giá về hiện trạng y tế của khu vực đông dân nhất hành tinh này. Các quan chức ESCAP đã dẫn chứng những con số cụ thể để nhắc nhở chính phủ các nước trong khu vực cần xem xét lại chính sách y tế của mình cho thỏa đáng.

ESCAP nhận xét xu hướng chung hiện nay của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là chi phí y tế vẫn ưu tiên cho chữa bệnh hơn là phòng bệnh, có quan điểm chú trọng tới bệnh viện hơn là chăm lo sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), ngân sách y tế hằng năm ở hầu hết các nước đang phát triển chiếm tỉ lệ GDP rất thấp. Cụ thể: Năm 2002 tại Trung Quốc là 2,2%, Ấn Độ 1,3%, Thái Lan 3,1%, Lào 1,5%, Philippines 1,1%, Bangladesh 0,8%. Để có thể so sánh, tại các nước phát triển trong khu vực, tỉ lệ này là 6,5% tại Nhật Bản và Úc.

Các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho chương trình phòng bệnh quy mô hơn cho cộng đồng mới có thể cứu được hàng triệu người thoát chết sớm do các chứng bệnh mãn tính có thể phòng ngừa như ung thư, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, hen suyễn và các bệnh đường hô hấp. Theo WHO, để phòng ngừa các chứng bệnh có tỉ lệ tử vong cao thì phải thay đổi lối sống vì nguyên nhân chính của các căn bệnh đó là lười vận động, nghiện thuốc lá, bia rượu, ăn uống “vô tội vạ”. Các thói xấu này dẫn đến nạn tăng cân, béo phì, tăng lượng cholesterol trong máu và bệnh cao huyết áp.

Bác sĩ Catherine Le Gales – Camus, trợ lý tổng giám đốc WHO, cảnh báo: “Đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, càng có nhiều lý do để lo sợ về số bệnh nhân thiệt mạng do các căn bệnh mãn tính, bởi vì trên 70% người chết vì bệnh này trong 10 năm tới là thuộc khu vực đông dân này. Tính đến năm 2015, toàn thế giới ước tính có 388 triệu người chết vì các bệnh mãn tính, trong đó có 270 triệu người thuộc 53 nước châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2005 trong tổng số người chết bệnh trên toàn thế giới ước tính 58 triệu, có 35 triệu người chết vì các bệnh mãn tính. Trong số đó có 17,5 triệu người chết vì bệnh tim mạch, 7,5 triệu người chết vì bệnh ung thư và 4,05 triệu chết vì bệnh đường hô hấp, nhiều hơn hẳn số người chết vì các bệnh truyền nhiễm: 2,8 triệu chết vì HIV/AIDS, 1,6 triệu chết vì lao phổi và 883.000 chết vì bệnh sốt rét.

Theo tài liệu của WHO, tại một số nước châu Á, hằng năm, số người chết vì các bệnh mãn tính chiếm gần 50% tổng số ca tử vong, đó là các nước Bhutan, Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ. Ở một số nước khác tỉ lệ này còn cao hơn nữa: 60% ở Indonesia, hơn 70% tại Trung Quốc (TQ), Iran, Fiji và Brunei.

Về hậu quả kinh tế do dịch bệnh gây ra, ông Kim Hak-su, thư ký chấp hành ESCAP, nói: “Dịch bệnh tăng đã có tác động kinh tế vĩ mô rất lớn đối với các nền kinh tế châu Á- Thái Bình Dương. Các nước TQ, Ấn Độ và Nga có thể thiệt hại hàng tỉ USD trong thu nhập quốc dân trong 10 năm tới do hậu quả của các căn bệnh mãn tính”. Theo thống kê của WHO, chịu thiệt hại nặng nề nhất là những người nghèo vì họ chiếm gần 80% số bệnh nhân tử vong. Hiện nay có tới 621 triệu người trong tổng số gần 1,2 tỉ dân nghèo nhất – chỉ sống với dưới 1 USD/ngày – sinh sống tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tức là chiếm gần 20% dân số toàn khu vực. Để khắc phục tình trạng này, một số nước đã phát động phong trào xóa đói giảm nghèo và WHO đã ghi nhận những nước đi tiên phong trong phong trào đầy tính nhân đạo này là Việt Nam, TQ, Ấn Độ, Indonesia, Philippines.

Đỗ Chuyên (Theo IPS)