Nỗi đau từ một làng quê
Các Website khác - 22/06/2008

(ANTĐ) - Ở đời, sống cho ra sống thì khó, mà chết thì dễ lắm. Chết vì ma túy, HIV lại càng dễ. Chỉ có điều, những cái chết mà chúng tôi đề cập trong bài viết dưới đây đều là của những người trẻ từ một làng quê nghèo, khi còn bao nhiêu dự định tốt đẹp đang chờ đợi ở phía trước. Vậy mà tất cả đã khép lại chỉ vì họ đã tự tìm cho mình những thú vui tầm thường và tội lỗi...


Yên Thường không yên

Sau cơn mưa tầm tã một chiều tháng sáu, chúng tôi có mặt ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Con sông Đuống nằm nghiêng nghiêng trong thơ Hoàng Cầm giờ đã chẳng còn hình ảnh lấp lánh làm mê đắm hồn người, chỉ còn là những dòng xoáy đục ngầu, vẩn lên những đám phù sa tựa như dòng sông đang âm thầm những đợt sóng ngầm.

Vẫn những cánh đồng lúa quen thuộc của một huyện ngoại thành Hà Nội, một vùng rau của Thủ đô, những ngôi nhà cao tầng ngày càng nhiều hơn nhưng đáng buồn một điều đi cùng với sự thay da đổi thịt của vùng đất lại là những đứa trẻ ăn chơi đua đòi tìm đến với ma túy không có dấu hiệu của sự giảm đi.

Người già buồn cho những mái đầu xanh, người lớn buồn vì bất lực không biết dạy con theo cách nào, những anh công an thì lo xã hội nảy sinh thêm nhiều loại tội phạm.

Tất cả những điều ấy, ai cũng biết, ai cũng buồn, nhưng nó cứ như một dòng thác lũ, chạy ầm ầm xuống cái làng quê nhỏ bé, bình yên ấy mà vào thời điểm này thật khó để chặn lại được.

Xã Yên Thường có 10 thôn với khoảng 15.000 dân, sống chủ yếu bằng nghề nông - trồng lúa và hoa màu. Xã không có nghề phụ, có chăng chỉ là những việc làm thêm mùa vụ cho một số xưởng sản xuất đóng trên địa bàn.

Nếu là một vùng quê có điều kiện kinh tế, người dân sống sung túc thì việc có người nghiện còn dễ lý giải. Chứ còn nơi đây, xã nghèo, có một đoạn đường gắn với Quốc lộ 3, còn phần lớn vẫn là nằm khuất nẻo phía bên trong thị trấn Yên Viên tấp nập người xe.

Một bệnh nhân bị HIV/AIDS giai đoạn cuối

Những con đường vắng bóng người qua lại, những đôi chân trần vẫn còng lưng đẩy xe rau vào thành phố, mang ra khu chợ giữa làng kiếm đồng ra đồng vào.

Cũng một vài người thoát ly đi tìm con đường sinh kế khác nhưng đó chỉ là số ít, phần nhiều vẫn bám vào đồng đất để mưu sinh. ấy thế mà nghiện, nghiện kiểu người nghèo, có cái bơm kim tiêm cũng dùng chung, thế là dẫn nhau, những mảnh đời nghèo, cùng quẫn, chán nản cùng bước ra.... nghĩa địa.

Nhiều đứa trẻ ngoan nhưng trước những khó khăn của gia đình, đã không làm chủ được mình, lao đầu xuống hố sâu của ma túy để rồi phải nhận cái kết cục đau xót nhất.

Có gia đình chú dùng kim tiêm chích cho cháu và kết quả là người cháu đã mất vào giữa năm ngoái, chỉ vài tháng sau khi dùng thử, còn chú, hiện đang ở Trung tâm 09, dành cho những người nhiễm AIDS giai đoạn cuối.

Những nấm mộ hoa trắng

Trần Quang Dinh về với đất đến hôm nay chưa được 49 ngày. Sinh năm 1988, Dinh vốn không phải là một đứa trẻ ham chơi đua đòi theo chúng bạn. Nhà Dinh cũng không phải là thành phần giàu có trong làng, ngược lại còn rất khó khăn.

Mẹ mất, bố đi lấy vợ hai... Mới nghe câu chuyện, tôi tự nhủ nguyên nhân em tìm đến ma túy thật đơn giản, chắc lại bị dì ghẻ phân biệt đối xử, đánh chửi suốt ngày khi người cha vắng nhà nên mới ra nông nỗi.

Nhưng không, với Dinh thì ngược lại, tuy là mẹ kế, nhưng người phụ nữ ấy lại rất thương yêu Dinh. Đến khi bố và dì có một đứa em, Dinh nghe lời xúi giục của những người không tốt, sinh ra mặc cảm trong chính gia đình mình.

Em bắt đầu không nghe lời người lớn, chạy đua theo những trò chơi phù phiếm. Điều gì đến ắt phải đến, Dinh bị một người đã nhiễm HIV cho dùng chung kim tiêm để chích ma túy.

Dinh ra đi nhanh đến không ngờ, khi công an xã phát hiện ra em bị nghiện mới là cuối năm 2006, đang chuẩn bị hồ sơ đưa em đi cai nghiện tập trung thì phát hiện Dinh đã nhiễm HIV. Một thanh niên đang ở tuổi bẻ gãy sừng trâu mà Dinh suy sụp nhanh chóng, chỉ trong vòng một năm, Dinh đã chuyển sang giai đoạn cuối.

Những người trong làng, gia đình không ai có thể tin một cậu bé lành tính như thế lại nhanh chóng ngã quỵ và có một kết cục bi thảm, chỉ vì những định kiến không đâu với bố và mẹ kế.

Người đi trước Dinh vài hôm là Trần Xuân Thắng. Gia đình Thắng có điều kiện hơn rất nhiều những người trong thôn Xuân Dục này. Điều này khiến Thắng có lý do để phá phách và nghiện là điều đương nhiên. Thắng không nghiện một mình, Thắng có hội riêng.

Những ngày cuối đời, Thắng được “hội” chăm sóc chu đáo lắm. Bố mẹ biết Thắng nghiện, nhưng biết thì cũng chỉ đến thế, vì công an còn chả làm gì được thì mình muốn điều khiển con đâu có dễ.

Bố mẹ cũng đành tặc lưỡi để nó muốn làm gì thì làm, nó hút chán thì nó chết, coi như nó là đồ bỏ đi. Bố mẹ không quan tâm, mở cửa cho mình hút, Thắng càng thả phanh.

Nhưng qua câu chuyện mà các anh công an xã kể, trong thâm tâm tôi chợt nhói đau, giá mà với Thắng, bố mẹ để ý đến con một chút, yêu thương con một chút thì người đầu bạc có phải tiễn kẻ đầu xanh không?

Ngày Thắng chuyển sang HIV, phải nằm liệt giường, bố mẹ coi như một người mắc bệnh hủi, họ tránh xa, không quan tâm đến cuộc sống của Thắng.

Một người bạn thân, dĩ nhiên nằm trong “hội nghiện” đã đến chăm sóc Thắng hàng ngày, tắm giặt, cho Thắng ăn, nâng giấc cho Thắng. “Người chăm sóc riêng” ấy cũng đến ngày phải gia nhập Trung tâm 06 để đi cai nghiện. Thắng bị bố mẹ bỏ bê hoàn toàn.

Không còn đâu sự chăm sóc, bữa ăn hàng ngày, bố mẹ để lên bàn, ăn thì ăn, không ăn thì thôi chứ cũng chẳng ai hơi đâu mà bón cho từng thìa thức ăn.

Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết bố mẹ Thắng, vào những ngày cuối cùng ấy, không chăm sóc con như một người bệnh, song lại mua ma túy cho con hút đều.

Bố mẹ Thắng nói: “Không biết nó sẽ ra đi lúc nào, dù sao cũng là những ngày cuối đời, cho nó hút thoải mái, để nó ra đi cho thanh thản(?!)”.

“Bản danh sách đen của Yên Thường”

Theo ông Nguyễn Đình Lê - Quyền Trưởng công an xã Yên Thường thì thời điểm này xã có 44 con nghiện, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù, ở các trung tâm cai nghiện và sống trên địa bàn. Từ năm 2003 trở lại đây, Yên Thường đã có 18 người chết vì HIV, chủ yếu có nguyên nhân từ ma túy.

Đó là hậu quả để lại từ nhiều năm trước, có năm chỉ có 1 người chết, nhưng giờ đây, con số đó nhiều hơn, liên tiếp hơn. Người ta có cảm giác đây đang là thời điểm của một lứa những người đã nghiện cùng thời và cùng đến giai đoạn cuối.

Lứa đã qua trong độ tuổi những người sinh từ năm 1978 đến 1983, ra đi khi chưa kịp có gia đình. Lứa tiếp theo chưa xuất hiện, nhưng ai dám khẳng định rằng “bản danh sách đen của Yên Thường” này đã dừng lại. Hay nó còn đang lẩn khuất đâu đó, chờ cơ hội bùng phát lên như dịch cúm gia cầm hay lợn tai xanh.

Từ đầu năm đến nay, Yên Thường đã “tiễn chân” 3 con người trẻ, và biết đâu đấy, chỉ một, hai tháng nữa thôi, những người có HIV tôi đến thăm hôm nay lại tiếp tục theo chân những kẻ cùng hội cùng thuyền về với đất.

Nguyễn Quang Nguyên rất có thể sẽ là người ra đi tiếp theo trong bản danh sách nối dài những người chết vì mắc HIV ở Yên Thường. Sinh năm 1979, trông Nguyên như một người ngoài 40 tuổi, không còn có cảm giác sự sống đang tồn tại ở Nguyên.

Bà nội năm nay 79 tuổi, mẹ đẻ 56 tuổi, bố lấy vợ hai chả bao giờ có mặt ở nhà. Hai người phụ nữ ấy nương tựa vào nhau và chăm sóc một người đã không còn khả năng điều khiển hành vi của mình.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Thi - mẹ Nguyên chỉ khóc mà không nói được gì nhiều. Vào tù ra tội, 18 tuổi đã chọn Hỏa Lò làm nơi tạm trú, rồi qua cả trại ở Nghệ An, Thanh Hóa cũng chỉ vì cần tiền để hút hít. Đi cai nghiện đôi lần, nhưng chả lần nào thành công vì Nguyên toàn trốn về.

Khi đi viết bài về những người đã chết vì có HIV, tôi được các anh công an xã đưa xuống nhà Nguyên vì tiện thể đi xuống lập biên bản việc Nguyên trốn khỏi Trung tâm 09. Những ngày này, Nguyên đã bị HIV tàn phá nội tạng, với Nguyên bây giờ chỉ là những cơn đau đớn vật vã.

Đã 3 ngày không ăn, Nguyên không còn biết gì khi người ta gọi đến tên mình. Anh Nguyễn Văn Thắng - người đưa tôi đi bảo: “Những người này, cái chết đến thật vô thường. Nguyên chính là người đã chăm sóc Trần Xuân Thắng những ngày cuối đời.

Mới cuối năm ngoái thôi, thế mà giờ đây, Nguyên đã không thể đi lại được. Biên bản lập để biết mà quản lý thôi chứ người như thế này, để lại gia đình chăm sóc càng đỡ phần nào cho xã hội”.

Sẽ chẳng có biện pháp nào là hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng nhiều người trẻ chết vì HIV/AIDS, nếu người trẻ không có những nỗ lực và một tình yêu bao la với cuộc sống đang căng tràn.

Yên Thường chỉ là một nơi như bao nhiêu vùng quê ven đô khác, cũng bị những tác động cả xấu, cả tốt của đô thị, nhưng để cứu những người trẻ thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, không ai khác là chính họ. Các bạn trẻ, hãy biết dừng đúng lúc vì cánh cổng tương lai còn đang chờ đón mình ở phía trước.                                                

Yên Hưng