Sự ‘đổ bộ’ của những chất thơm gây nghiện
Báo Tiếng chuông - 26/04/2017
“Bóng cười”, “Nước vui” chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng nghìn chất đang bị lạm dụng nghiêm trọng ở nhiều nước, tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

Vài năm gần đây, tình trạng lạm dụng “Nước vui”, “Bóng cười” thật sự đã trở thành đề tài được không ít phương tiện thông tin đại chúng dành sự quan tâm đáng kể. Mặc dù qua việc điều tra của cơ quan chức năng, tình trạng mua bán các chất này ở nước ta chưa tới mức “tràn lan tại các cổng trường học” như một số báo đã đưa tin song sự quan tâm, lo lắng của các bậc phụ huynh học sinh không phải không có căn cứ. 

Bởi lẽ, trong khi phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi sử dụng bất hợp pháp các loại ma túy như: Heroin, ma túy “đá”, thuốc lắc, “Cỏ Canada”, “Cỏ Mỹ” và rất nhiều loại ma túy khác còn đang đặt ra những thách thức không chỉ riêng cho lực lượng chức năng mà còn là nỗi lo của các bậc làm cha, làm mẹ thì việc xuất hiện thêm bất kỳ một loại chất gây nghiện mới nào đương nhiên không thể dễ dàng bỏ qua. Chưa nói, việc lạm dụng các chất tương tự đã và đang trở thành vẫn nạn ghê gớm đe dọa thế hệ trẻ ở nhiều nước trên thế giới.

 

Thú vui hít keo con chó, tìm ảo giác của học sinh

 

 Các chất thơm gây nghiện là gì?

Trên thực tế, “Bóng cười”, “Nước vui” chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng nghìn chất đang bị lạm dụng nghiêm trọng ở nhiều nước, tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Tất cả các chất đó có đặc điểm chung là trong tầm tay với của bất cứ ai trong xã hội hiện đại. Chúng đang hàng ngày hiển hiện trong cuộc sống và cần thiết tới mức, một số chất trong đó nếu thiếu, cả thế giới sẽ ngừng vận động.

Một đặc điểm chung nữa, đó là có mùi thơm, dễ bay hơi (ngay ở nhiệt độ trong phòng) nhưng có độc tính rất cao. Tất cả các chất này được gom chung vào một nhóm với tên gọi: Các chất thơm gây nghiện.

Trong số đó, thường gặp nhất là xi đánh giầy, keo dán, tolluen, ét-xăng, acetone, các loại dung môi, các loại sơn, sơn bóng (lacque), các loại dầu thơm, chất tẩy gỗ,... xuất hiện dưới hàng trăm cái tên khêu gợi trí tò mò và rất hợp với tâm lý trẻ vị thành niên, như: “bóng cười”, “chớp”, “viên đạn”,…

Mặc dù là những hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người nhưng việc lạm dụng nó (chủ yếu bằng cách hít) đã trở thành một thói quen không dễ từ bỏ của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên thức ham chơi, ưa cảm giác lạ trên thế giới. Ở nhiều nước, ngoài việc tự mua ở những cửa hàng tiện ích, cửa hàng hóa chất, những chất này thường được tội phạm ma túy mang đến các sàn nhảy, câu lạc bộ hoặc các địa điểm vui chơi giải trí khác phục vụ những ai có nhu cầu.

Bị lạm dụng trên phạm vi rộng

Trẻ em hít các chất này trực tiếp từ các bình, lọ chứa chúng hoặc tẩm chúng vào bông, khăn để tiện cho việc hít. Các quan sát thấy trẻ em có khi cùng hít chúng trong giờ ra chơi khi tụ tập trong phòng vệ sinh đóng kín. Cũng có chúng bôi chúng trực tiếp lên cổ áo, tay áo để tiện hít vào bất cứ khi nào. Một số khác lại thích sử dụng bằng cách xịt trực tiếp vào cuống họng hoặc mũi.

Một thống kê được tiến hành ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 2002-2006 cho biết, hàng năm có khoảng gần 600.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-17 của nước này từng hít một hoặc nhiều chất trong nhóm chất thơm gây nghiện. Một kết quả nghiên cứu tiến hành tại Mỹ vào năm 2006 cho biết, có 1,1 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 12-17 đã từng hít chất thơm ít nhất 1 lần trong 12 tháng qua. Một nghiên cứu khác ở đây cũng cho thấy, có khoảng 22,9 triệu người Mỹ đã từng hít chúng một lần trong đời.

Vào năm 2008, ở Mỹ đã có 3.800 trường hợp phải cấp cứu ở bệnh viện và 450 người phải điều trị nội trú tại bệnh viện. Theo ước tính, hiện nay khoảng 1/5 số học sinh lớp 8 tại Mỹ đã từng hít các chất thơm gây nghiện này và độ tuổi bắt đầu thường vào khoảng 12-13 tuổi.

Còn ở châu Âu, theo ước tính khoảng 20% số thanh thiếu niên ở độ tuổi 12-16 từng hít các chất này. Tại Nairobi, Kenya có 60.000 trẻ em đường phố thì đại bộ phận đã nghiện một trong các chất thơm này. Trong số 14.000 trẻ em đường phố tại thành phố Karachi, Pakistan thì 80%-90% nghiện hít chất này.

Thực ra, việc hít các chất thơm không phải là hiện tượng mới diễn ra trong xã hội. Việc hít mùi thơm từ một số loại dầu tại Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc, Iraq, Ai Cập từ lâu đã trở thành thói quen làm cho con người tỉnh táo hoặc là một phần nghi thức tôn giáo.

Tại Hy Lạp các giáo sỹ thường hít các loại dầu thơm trước khi hành lễ. Vào đầu những năm 1800, Nitơ oxit, Ete và Chlorophoc là những chất gây tê thường được sử dụng như các chất độc. Nito oxit được coi là một chất rẻ tiền thay thế cho rượu và vì thế được một nhà khoa học người Anh tên Davy phổ biến. Ông Davy đã tổ chức các bữa tiệc Nitơ Oxit và gọi là khí cười vào năm 1799. Chúng được sử dụng cho mục đích giải trí trong suốt thế kỷ 19 tại Mỹ và châu Âu. Ete được phát hiện bị lạm dụng từ năm 1920 trong thời kỳ đang có lệnh cấm rượu ở đây. Đến năm 1940, ét-xăng bị lạm dụng trên quy mô rộng. Từ năm 1950 đến nay, việc lạm dụng các chất này tại Mỹ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Điều đáng nói là mặc dù đang bị lạm dụng trên phạm vi rộng do đặc tính gây nghiện cao song tất cả trong số chúng không phải là các chất ma túy. Chưa một chất nào đã hoặc dự kiến trong tương lai gần sẽ có mặt trong danh mục các chất ma túy cần kiểm soát theo Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc.

Bản thân “Bóng cười” là khí N2O cần thiết trong một số lĩnh vực công nghiệp, còn nếu ai đó có ý định đưa tất cả các loại dung môi, dầu thơm, các loại sơn,… vào danh mục để kiểm soát giống như quy định kiểm soát đối với các chất ma túy hiện hành chắc chắn sẽ là chuyện không tưởng. Có chăng Tuluen, Aceton và một số chất khác chỉ được coi là tiền chất và chịu sự quản lý theo quy định kiểm soát về tiền chất.

Hội chứng “chết đột ngột do hít”

Hầu hết các chất này tác động lên cơ thể như một chất gây tê, làm chậm các chức năng của cơ thể. Sau cảm giác đê mê do các chất này gây ra thì người sử dụng chúng có một cảm giác toàn thân bị ức chế, buồn ngủ và xuất hiện triệu chứng đau đầu nhẹ hoặc cảm thấy một số dấu hiệu rối loạn tâm lý thể nhẹ như: lo âu, bối rối. Sau khi được hít vào cơ thể, các hóa chất này nhanh chóng được phổi hấp thụ và đi vào dòng máu sau đó đến não và các nội quan khác. Đôi khi chúng gây ra những tổn thương không thể phục hồi cho các cơ quan này.

Các nghiên cứu về lâm sàng và giải phẫu bệnh cho thấy, các chất độc này theo thời gian sẽ hủy hoại tim, thận, não, gan, xương và các cơ quan khác. Do chúng gây tình trạng thiếu ô xy, buộc tim phải làm việc nhiều hơn, đập nhanh hơn. Không chỉ gây cảm giác buồn nôn như triệu chứng chung của ngộ độc, các bệnh nhân còn phát hiện chảy máu mũi, giảm thính giác và khứu giác. Sau một thời gian đủ dài, các chất này sẽ làm giảm trương lực cơ và chất độc sẽ phá hủy phổi và hệ thống miễn dịch. Khoảng 1% số người có tiền sử sử dụng các chất thơm gây nghiện này bị đột tử do hội chứng mang tên hội chứng “chết đột ngột do hít”.

Gây nghiện cả về thể chất và tâm lý

Các chất thơm dễ bay hơi gây nghiện cả thể chất và tâm lý. Những người từng hít chúng cảm thấy cơ thể luôn thôi thúc họ hít chúng. Sự thôi thúc này càng mãnh liệt nếu trước đó người đó đã hít một số ngày liên tục. Nếu đã hít chúng như một thói quen, khi muốn thôi sử dụng, người đó sẽ phải đối mặt với hội chứng cai gồm: Buồn nôn, đổ mồ hôi, cơ co giật, đau đầu, ớn lạnh, rùng mình và hoang tưởng, những dấu hiệu mà bất kỳ người nghiện ma túy nào cũng phải trải qua khi có ý định từ bỏ chúng.

David, một người đã nghiện hít các chất này thổ lộ: “Tôi từng nghiện các chất này cho tới năm 17 tuổi. Sau đó tôi chuyển sang sử dụng cần sa. Khi đã đủ lớn để đến các hộp đêm, sản nhảy tôi bắt đầu sử dụng ma túy đá, thuốc lắc. Tôi kết bạn với những người sử dụng heroin sau đó bắt đầu thử và sử dụng thường xuyên cho tới khi nghiệm ra mình đã nghiện nó. Khi đó, tôi hoàn toàn không biết các chất này đang phá hủy cơ thể mình. Tôi bị bắt và giam một số lần do phạm tội trộm cắp của gia đình và đột nhập vào nhà người khác. Những cơn đau tim và đau đớn về thể xác khác còn tồi tệ hơn cả những ngày bị giam giữ trong trại giam”.

John, một người nghiện hít các chất thơm lại bộc lộ một khía cạnh khác: “Khi còn đang là học sinh lớp 4, một số người bạn trong nhóm của tôi đã giới thiệu các chất thơm gây nghiện với tôi. Vì còn quá trẻ và thiếu hiểu biết về tác hại của chúng tôi đã hít hàng ngày cho tới tận khi tôi học lớp 8.

Các chức năng vận động của tôi bị thuyên giảm nghiêm trọng. Tôi ngồi nhiều giờ một mình chỉ để nhìn vào khoảng trống với đầu óc trống rỗng tưởng chừng thân xác tôi đang ở đây nhưng tâm trí tôi đang ở một chốn nào đó rất xa. Tôi đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn để duy trì công việc của mình trong suốt 12 năm. Trông bề ngoài tôi không có biểu hiện khác thường là mấy nhưng khi tôi cố gắng thể hiện sự quan tâm hoặc nói chuyện với phụ nữ thì dường như là người không bình thường. Tôi đã quá chán chường với cuộc sống hiện tại, nghĩ thà chết còn hơn bởi lẽ trên thực tế tôi đã chết”.

Hai câu chuyện về hai mảnh đời của những người đã trót nghiện các chất không phải là ma túy cũng cho mọi người trong chúng ta những suy ngẫm về mức độ nguy hiểm của hành vi lạm dụng các chất này.

Kinh nghiệm phòng ngừa lạm dụng và quản lý ở các nước

Như đã đề cập ở trên, mặc dù không nằm trong danh mục các chất ma túy cần kiểm soát, xuất phát từ tính nguy hại của chúng đối với sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động đề ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chúng.

Tại Mỹ, đến nay đã có 38 bang đề ra quy định đặc biệt đối với các hành vi mua bán, tàng trữ, phân phối các chất này, nhất là hành vi phân phối cho trẻ em nhằm mục đích giải trí. Một số bang đã đưa ra mức xử phạt đối với hành vi mua bán, tàng trữ và xử dụng; quy định điều trị bắt buộc đối với những người nghiện các chất này.

Tại Úc, theo pháp luật của bang Tây và Nam Úc, hành vi hít ét-xăng và các chất thơm thuộc nhóm này bị coi là vi phạm pháp luật. Cảnh sát các bang này có quyền khám xét các đối tượng nếu phát hiện có dấu hiệu tàng trữ các chất thơm dễ bay hơi để hít.

Tại Anh và xứ Wales, pháp luật quy định rõ: Bán, phân phối các chất thơm gây nghiện cho các đối tượng dưới 18 tuổi là hành vi bất hợp pháp và phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Trước làn sóng tấn công của các chất nêu trên nhiều nước khác trên thế giới cũng đang nghiên cứu, đề ra các biện pháp quản lý chặt chẽ các chất thuộc nhóm này theo hướng không gây phương hại đến nhịp sống của xã hội song giảm thiểu tới mức thấp nhất tác động không mong muốn của chúng đối với sức khỏe cộng đồng.