Một nhóm chuyên gia cố vấn thuộc Bộ Y tế Trung Quốc hôm qua thông báo, khoảng 390 nghìn người Trung Quốc bị chểt yểu do tiêm không an toàn.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe đã công bố con số thống kê này tại một cuộc hội thảo khai mạc hôm qua về tiêm không an toàn.
Các kết quả điều tra cho thấy bệnh AIDS và viêm gan B do tiêm không an toàn gây ra đã làm 390 nghìn người bị chết yểu và 6,89 triệu người bị ốm yếu, giảm tuổi thọ. Chi phí trực tiếp về y tế cho tiêm không an toàn lên tới 142 triệu USD.
Hằng năm tại Trung Quốc có ba tỷ mũi tiêm, bằng 1/5 số mũi tiêm trên toàn cầu. Tại các khu vực nghèo khó ở miền tây và vùng nông thôn có tình trạng phổ biến ở các phòng khám cơ sở là việc sử dụng lại các ống tiêm chỉ dùng một lần do vậy không bảo đảm tiệt trùng hiệu quả.
Các con số thống kê cho thấy, 30% mũi tiêm chủng và 50% mũi tiêm chữa bệnh là không an toàn. Tại các khu vực nông thôn ở miền tây, hơn 70% ống tiêm theo chỉ định chỉ được sử dụng một lần nhưng đã được sử dụng lại.
Các mũi tiêm không an toàn cũng gây hại cho các bác sĩ và y tá. Bác sĩ Guo Yanhong chịu trách nhiệm điều hành phòng tiêm thuộc Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, hàng năm, một triệu nhân viên y tế đã bị tổn thương do kim tiêm, một số người trong số đó bị mắc viêm gan B hoặc HIV/AIDS.
Trung Quốc hiện có 840 nghìn người mắc HIV và 120 triệu người mắc viêm gan B, chiếm 10% tổng dân số cả nước. Hai phần ba số người bị mắc viêm gan B nói trên bị nhiễm virus viêm gan B khi chưa tới 5 tuổi.
Chuyên gia y tế Yelei cho rằng cách tốt nhất để tránh tiêm không an toàn là dùng ống tiêm mà có thể tự tiêu hủy sau khi tiêm.
Chuyên gia Ye Lei nói, ống tiêm tự hủy có giá chỉ cao hơn giá ống tiêm sử dụng một lần hiện nay 0,01USD, nhưng là mức giá vừa phải đối với người tiêu dùng ở nông thôn.
Tuy nhiên, sản phẩm này chưa phổ biến trên toàn quốc.Mặc dù có 30 nhà máy sản xuất với công suất hàng năm là 1,7 tỷ ống tiêm, nhưng mức doanh số bán ống tiêm tự hủy mới ở mức 100 triệu USD do nhu cầu trong nước thấp.
(Theo Tân Hoa xã)
|