Bên trong một trung tâm cai nghiện ma tuý tự nguyện
Báo Tiếng chuông - 28/02/2017
Ngoài việc cai nghiện, chữa bệnh, các học viên còn được lao động và tham gia nhiều hoạt động khác nhau để có thể sớm đoạt tuyệt với ma tuý, trở về hoà nhập cộng đồng.

Với chủ trương đa dạng hóa các biện pháp điều trị nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ thích hợp tại cộng đồng, TP.Hà Nội đã có nhiều cách làm mới trong công tác cai nghiện. Điển hình là việc triển khai Đề án Thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện tại trung tâm. Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động, xã hội số V (Sở LĐTB&XH Hà Nội) là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm thực hiện đề án này. Đề án thí điểm tập trung vào hai nhóm giải pháp chính đó là: cai nghiện tự nguyện và điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Học viên đăng ký cai nghiện tự nguyện theo khung thời gian từ 3-6 tháng, khuyến khích thời gian tối đa.

Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động, xã hội số V được xây dựng trên diện tích đất sử dụng là 3,5 ha với nhiều dãy nhà phù hợp với công năng sử dụng cho các hoạt động chuyên môn được giao. Khi một người nghiện vào Trung tâm phải trải qua nhiều bước, nhiều khâu và sử dụng những liệu trình của y học cũng như tâm lý để giúp người nghiện tránh xa ma tuý.

 

 

Ban đầu Trung tâm sẽ làm thủ tục, tiếp nhận, tư vấn, làm các xét nghiệm theo dõi người nghiện để xác định đúng chất ma tuý.

 

 

Sau khi đánh giá đúng tình trạng, người nghiện sẽ được vào khu chăm sóc đặc biệt và được bác sĩ theo dõi 24/24. Người nghiện sẽ ở tại khu chăm sóc đặc biệt và tiến hành giai đoạn điều trị cắt cơn - giải độc - nâng cao sức khoẻ. Đây là liệu trình quan trọng nhất trong quá trình điều trị nghiện ma tuý. Bác sĩ theo dõi cũng xác định các loại ma tuý và liều lượng ma túy mà người nghiện đã sử dụng để định hướng cắt cơn. Ngoài ra bác sĩ còn kết hợp sử dụng thuốc với biện pháp tâm lý và các biện pháp phục hồi chức năng cắt cơn.

 

 

Sau khi người nghiện đã cắt cơn thành công sẽ chuyển qua giai đoạn điều trị giáo dục gọt giũa, điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi và nhân cách. Bên cạnh đó, người nghiện sẽ được giáo dục tư duy tích cưc, tự chủ, quản lý bản thân, nhận thức giá trị sống. Trong đó, có hình thức giáo dục thông qua hoạt động giao ban DAYTOP. Các học viên sẽ tự phân công, sắp xếp lịch trình công việc từ hôm trước rồi giám sát, đánh giá ngay ngày hôm sau. Qua đó, các hành vi của học viên được phân tích, đánh giá, rút ra những điều nên và không nên làm với những tiêu chí đánh giá rất đơn giản nhưng khoa học.

 

 

Trong giai đoạn điều trị giáo dục, học viên cai nghiện còn được sinh hoạt trị liệu, tham gia các hoạt động lao động, sinh họat hàng ngày như trực vệ sinh buồng ở và cảnh quan nơi công cộng, chăm sóc vườn rau để tự phục vụ bữa ăn hàng ngày…

 

 

Lao động là một trong những hoạt động nhanh nhất giúp các học viên có thể có lại sức khoẻ để tái hoà nhập, tránh xa ma tuý.

 

 

Trong dịp tết Nguyên đán, Trung tâm cũng quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho học viên cai nghiện. Học viên được tăng khẩu phần ăn, được lì xì, tặng quà nếu có hoàn cảnh khó khăn. Các học viên tham gia gói giò, gói bánh chưng, trang trí cảnh quan đón Tết…

 

 

Học viên được phổ biến các kiến thức pháp luật (đặc biệt là các Luật phòng chống ma tuý, một số điều của Luật hình sự…) thông qua các tiểu phẩm, hoạt động văn nghệ…

 

 

Học viên cũng được tham gia các hoạt động thể thao hằng ngày như tập thể dục buổi sáng, bóng đá, bóng chuyền, chạy tiếp sức... nhằm nâng cao thể lực.

 

 

Ngoài điều trị cai nghiện tự nguyện, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động, xã hội số V còn điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho các bệnh nhân ngoại trú.