![]() |
Anh Nguyễn Xuân Quang (60 tuổi) từng có thời gian dài nghiện ma túy |
Vết trượt của một Đảng viên
Anh Quang sinh ra và lớn lên tại HTX 3 Chiềng sinh, Sơn La trong một gia đình điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Vì là con trưởng trong 6 người con, nên từ nhỏ anh Quang đã ý thức cần “thoát ly”, tham gia công tác xã hội để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Năm 1976, anh Quang vào quân ngũ, sau đó học lớp sơ cấp quân y quân khu II tại tỉnh Yên Bái. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về quê hương để làm việc. Khi anh xây dựng gia đình, bố mẹ cho vợ chồng anh ra ở riêng tại Tổ 6, phường Chiềng Sinh thành phố Sơn La.
Tại thời điểm đó, do mới thành lập tiểu khu, địa bàn có ngã ba nơi tiếp giáp với tuyến đường Sông Mã và tiếp giáp với nhiều thôn bản của huyện Mai Sơn; nhân dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề kinh doanh buôn bán, người dân từ các nơi tập trung về giao lưu buôn bán các loại mặt hàng nên tình hình an ninh trật tự gặp rất nhiều khó khăn, công tác quản lý nhân hộ khẩu khách hàng tạm trú qua đêm gia tăng.
Năm 1994, khi đó anh Quang đang là một Đảng viên, một công dân ưu tú của tiểu khu, được chi bộ và quần chúng nhân dân bầu làm an ninh viên của tiểu khu. Do đặc thù công việc và địa bàn cơ sở rất phức tạp về tệ nạn ma túy, là điểm nóng của tỉnh Sơn La, đội an ninh viên thường xuyên tuần tra canh gác, bản thân anh luôn tiếp xúc với nhiều đối tượng, thành phần xã hội khác nhau, thậm chí còn phải thâm nhập vào các ổ nhóm, các tụ điểm tàng trữ, buôn bán, sử dụng chất ma túy như người nghiện thực để truy tìm các đối tượng.
“Sau những lần đó, tôi có cảm giác lâng lâng bay bổng, rồi sau thành quen và nhớ không thể từ bỏ được. Cảm giác hàng ngày không dùng không chịu được. Bản thân tôi cũng không ý thức được là chính mình đã nghiện chất độc hại đó và rồi tôi bỏ bê công việc, số lần sử dụng ngày càng tăng. Gia đình và cộng đồng dân cư khuyên can, giải thích rất nhiều nhưng tôi vẫn không bỏ được, thậm chí càng lấn sâu vào nghiện hút. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ được rằng vợ con có thể bỏ được còn chất kích thích đó tôi không thể không có. Chi bộ đã họp kiểm điểm phân tích, tạo cơ hội cho tôi để đi cai nghiện nhưng tôi vẫn không từ bỏ được. Sau nhiều lần khuyên can và đưa tôi đi cai nghiện cắt cơn tại trung tâm cai nghiện cộng đồng nhưng tôi không đủ quyết tâm và nghị lực vượt qua chính mình nên vẫn không thành công”, anh Quang nhớ lại.
Anh Quang kể, năm 1996, Chi bộ họp đề nghị các cấp có thẩm quyền khai trừ anh ra khỏi Đảng. Từ đó, anh càng lấn sâu hơn, gia đình nội ngoại vì thế mà kinh tế dần dần khánh kiệt. Vợ anh đang tham gia công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ vì có người chồng nghiện nên đã xin thôi việc. Bản thân anh cũng không xác định được phương hướng, luôn trốn tránh, tìm đủ mọi cách kiếm tiền để phục vụ bản thân, không làm để giúp vợ con. Vợ anh, vừa lo kinh tế nuôi hai con ăn học, vừa phải đối mặt với người chồng không phương hướng; kinh tế gia đình khó khăn, các con ngày càng lớn càng mặc cảm với xã hội, với bạn bè vì có người cha nghiện ngập.
“Những lúc tỉnh táo, bản thân tôi thấy sợ hãi, tưởng tượng cảnh màn trời chiếu đất, sống chui rúc đầu đường xó chợ miễn là không bị bắt đi. Cơ thể luôn bẩn thỉu, mùi hôi khó chịu, ra đường đứa trẻ lên ba cũng gọi tôi là “thằng nghiện”. Tôi đã được gia đình bạn bè, cộng đồng xã hội đưa đi cai nghiện nhưng chỉ được ít lâu sau tôi lại quay lại sử dụng. Tôi thật sự đau lòng không biết phải làm gì, chỉ cầu mong sao có phép mầu kì diệu đến với tôi, tôi ước có cuộc sống bình yên, không bị truy đuổi và trốn tránh nữa”, anh Quang kể.
Thay đổi lớn sau cai nghiện
Và rồi “cơ may” đã đến với anh. Ban chỉ đạo 03 (Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy) ra đời, các tổ chức chính trị tại địa phương thực hiện chủ trương về tăng cường công tác phòng chống ma túy, anh được Ban lãnh đạo tiểu khu và trực tiếp là các đồng chí trong Ban chỉ đạo 03 của tổ dân phố gặp gỡ tuyên truyền về chủ trương, đường lối chính sách của tỉnh dành cho những người sử dụng ma túy đã một thời lầm lỗi, và động viên anh đi cai nghiện. Sau đó, anh đã quyết tâm đi cai nghiện một lần nữa tại Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Sơn La. Ở đây, trong quá trình cai nghiện, anh đã nghiêm túc thực hiện đúng nội quy, quy chế của Trung tâm, chấp hành đúng chế độ cai nghiện, dùng thuốc chữa trị, kết hợp với lao động và tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, được tham gia học tập tìm hiểu về quy định của pháp luật về công tác phòng, chống ma túy.
Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ trung tâm, gia đình và cộng đồng, anh đã được bàn giao về địa phương quản lý. Nhưng trong quá trình ấy, anh vẫn luôn có cảm giác nhớ nhung, đặc biệt khi nhìn thấy những người nghiện. Cái cảm giác lâng lâng lại trỗi dậy; nhưng được sự nhắc nhở kịp thời của các tổ chức địa phương, tuyên truyền về những căn bệnh như HIV/AIDS… nên anh đã quyết tâm từ bỏ ý nghĩ ấy, lao vào công việc giúp đỡ vợ con kinh doanh buôn bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đến nay, anh đã có cuộc sống khá đầy đủ, xây nhà, mua xe, tạo điều kiện tốt cho các con học hành nên người, và hơn hết là anh không bị ai kì thị xa lánh như trước nữa.
Việc cai nghiện thành công giúp cuộc sống của anh Quang và gia đình có những thay đổi rất lớn. Tháng 7/2012, anh Quang được nhân dân tín nhiệm bầu vào Ban lãnh đạo tổ dân phố. Khi nhận nhiệm vụ, anh được tin tưởng phân công là tổ phó tổ dân phố, là thủ quỹ của tổ, đồng thời, chịu trách nhiệm quản lý mảng xây dựng và quản lý chợ; anh được các đồng chí trong tập thể Ban lãnh đạo tổ chia sẻ, động viên và tôi nhận thêm nhiệm vụ là Chi hội trưởng hội nông dân, Tổ trưởng tổ vay vốn của tổ dân phố. Năm 2015, hết nhiệm kì sau Đại hội nhưng tôi vẫn được nhân dân tín nhiệm bầu vào Ban lãnh đạo tổ, là Tổ phó Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ BVDP kiêm thủ quỹ của tổ đến nay.
Hiện nay, dù đã vào ngưỡng cửa của tuổi 60, sức khỏe có phần giảm sút nhưng anh Quang vẫn luôn cùng các đồng chí của mình tiếp tục tham gia công tác. Hàng năm, thường xuyên tổ chức các chương trình thi đua, tuyên truyền tới cộng đồng dân cư về hiểm họa ma túy, anh không ngần ngại lấy mình là ví dụ minh chứng. Do vậy, từ một cơ sở là điểm nóng về tệ nạn ma túy, lại được các cấp quan tâm, năm 2014, lấy địa bàn tổ 6 phường Chiềng sinh, Sơn La làm điểm về tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội, đến nay tổ dân phố luôn duy trì hạn chế không để xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng.
“Là một người đã lầm lỡ sử dụng ma túy, tôi muốn nhắn nhủ tới mọi người rằng: tệ nạn này rất nghiêm trọng, gây hậu quả khôn lường đến mọi thế hệ, do vậy, cần nhận thức đúng sai và biết đứng dậy bằng đôi chân của mình, cho dù có khó khăn gian nan vất vả thì hãy có niềm tin vào cuộc sống, tự vượt qua chính mình” anh Quang chia sẻ.
▪ Xóa bỏ phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV trong môi trường y tế (03/04/2017)
▪ Nghị lực phi thường của chàng trai quyết làm lại cuộc đời (30/03/2017)
▪ Kết nối tốt để giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng (30/03/2017)
▪ Kết nối tốt để giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng (28/03/2017)
▪ Thầy thuốc của những bệnh nhi 'có H' (27/03/2017)
▪ Sức trẻ hồi sinh 'vùng đất chết' (27/03/2017)
▪ 'Vườn ươm' giúp người sau cai quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy (22/03/2017)
▪ Những người tình nguyện phòng, chống ma túy (17/03/2017)
▪ Nghị lực của cô giáo mầm non nhiễm HIV (16/03/2017)
▪ Đến ngôi nhà của bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối (15/03/2017)