Trước thực tế nhiều người sau cai nghiện khi trở về cộng đồng còn mặc cảm, thiếu tự tin, cộng với những khó khăn về đời sống, việc làm, sự kỳ thị của xã hội, sự cám dỗ của ma tuý trong cộng đồng và xuất phát từ nguyện vọng của nhiều cựu học viên đã đoạn tuyệt ma tuý mong muốn có một tổ chức để sinh hoạt, giao lưu, động viên giúp đỡ nhau lập thân, lập nghiệp, phòng chống tái nghiện, năm 2013, Ban lãnh đạo Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội Hải Phòng đã tiến hành khảo sát và vận động thành lập Câu lạc bộ “Kết nối thành công”.
Kết nối những người sau cai nghiện
Ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm cho biết, hàng năm Trung tâm tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh và giáo dục cho hàng nghìn học viên, trong đó có 70% có tiền án, tiền sự, 20% nhiễm HIV/AIDS, nhiều học viên sử dụng ma túy đá, ma tuý tổng hợp có biểu hiện loạn thần trầm trọng. Việc điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị tổn thương tâm thần, quản lý giáo dục và cai nghiện thành công đối với những học viên gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Toàn chia sẻ về mô hình "Kết nối thành công" |
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều người sau cai nghiện khi trở về cộng đồng còn mặc cảm, thiếu tự tin, cộng với những khó khăn về đời sống, việc làm, sự kỳ thị của xã hội, sự cám dỗ của ma tuý trong cộng đồng và xuất phát từ nguyện vọng của nhiều cựu học viên đã đoạn tuyệt ma tuý mong muốn có một tổ chức để sinh hoạt, giao lưu, động viên giúp đỡ nhau lập thân, lập nghiệp, phòng chống tái nghiện, năm 2013, Ban lãnh đạo Trung tâm đã tiến hành khảo sát và vận động thành lập Câu lạc bộ “Kết nối thành công”.
Thông qua đội ngũ cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm, Trung tâm tiến hành kiểm tra, xác minh qua phiếu thu thập thông tin tự khai của cựu học viên, lời đảm bảo của thân nhân và phần xác nhận của chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, Trung tâm đã tập hợp các cựu học viên sau 5 năm từ khi hết thời gian cai nghiện tại Trung tâm chưa tái nghiện tham gia Câu lạc bộ.
Ngày 25/9/2013, Câu lạc bộ kết nối thành công được thành lập và chính thức đi vào hoạt động, với 38 thành viên, trong đó có 2 thành viên đã được tuyển dụng là cán bộ Cơ sở cai nghiện. Đại hội đã thông qua Điều lệ và bầu Ban chủ nhiệm gồm 3 người; Ban kiểm tra gồm 4 người, có nhiệm vụ nắm bắt tình hình, kiểm tra phát hiện kịp thời những hội viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Câu lạc bộ để có biện pháp ngăn chặn và giúp đỡ. Ngoài ra Câu lạc bộ còn bầu ra 4 Tổ trưởng phụ trách 4 cụm phân bố theo địa bàn quận huyện. Câu lạc bộ sinh hoạt mỗi quý một lần, gắn với sơ kết đánh giá tình hình hội viên và hoạt động hỗ trợ giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm.
Ông Nguyễn Quang Toàn cho biết, được sự hỗ trợ của Trung tâm và giữa các hội viên với nhau, đến nay Câu lạc bộ đã có 7 cơ sở nhà xưởng, cửa hàng, trang trại hoạt động ổn định và hiệu quả, nhiều nhân tố điển hình về ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Điển hình như anh Đoàn Hữu Mai trú ở xã Ngũ Lão, huyện Thuỷ Nguyên, hồi gia nhiều năm nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được Trung tâm giúp đỡ làm mới nhà xưởng cơ khí trị giá một trăm triệu đồng. Đến nay, xưởng phát triển tốt, nhận được nhiều đơn hàng, tạo việc làm thường xuyên cho 06 hội viên với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, năm 2015, Câu lạc bộ đã giới thiệu hội viên Hữu Văn Trí ở xã Tam Hưng - Thuỷ Nguyên vào học nghề và làm việc tại xưởng này, nay có mức lương 6,5 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Lâm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ, trú tại số nhà 3, ngách 5, ngõ 54, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền là chủ cơ sở sửa chữa ôtô, xe máy tại số 10 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ban đầu cơ sở có 3 công nhân là học viên của Trung tâm làm việc được trả lương từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, hiện nay là cơ sở sửa chữa có uy tín được khách hàng khen ngợi; năm 2015, Câu lạc bộ giới thiệu hội viên Nguyễn Công Tiến vào làm việc tại cơ sở, nay hưởng mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Long ở Kiền Bái, Thủy Nguyên, là chủ xưởng mộc, thường xuyên giải quyết việc làm cho 3 đến 5 lao động với mức lương 4 đến 5 triệu đồng/ tháng.
Anh Hà Kỳ Đảm ở Kiền Bái, Thủy Nguyên là chủ cơ sở sản xuất bún, cơ sở được anh bước đầu sản xuất thủ công bằng tay, nay đã được đầu tư sản xuất bằng máy, thường xuyên giải quyết việc làm cho 3 đến 4 người với mức lương 3 đến 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra còn nhiều cơ sở sản xuất như xưởng mộc, xưởng cơ khí, cửa hàng sửa chữa xe đạp điện... do cựu học viên làm chủ làm ăn ổn định và hiệu quả, tiếp nhận học viên đã cai nghiện tại Trung tâm vào làm việc.
“Vườn ươm” để người sau cai chiến thắng ma túy
Ngoài việc tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho các học viên sau cai, các thành viên Câu lạc bộ còn tích cực vận động người nghiện đi cai nghiện, giao lưu chia sẻ động viên những học viên đang chữa trị cai nghiện Trung tâm. Đặc biệt hiện nay, Câu lạc bộ đang làm nòng cốt trong thực hiện chuyên đề truyền thông “Phòng chống ma tuý cho tuổi trẻ học đường” tại Trung tâm. Hàng năm, Trung tâm đón hàng ngàn lượt học sinh sinh viên từ các cấp học phổ thông đến cao đẳng đại học vào giao lưu. Bằng những câu chuyện có thực trong cuộc đời của mình, các anh đã mang lại cho các em học sinh sinh viên rất nhiều cảm xúc xúc động và sự cảnh báo mạnh mẽ nhất về hiểm họa ma túy.
Để duy trì hoạt động Câu lạc bộ đạt hiệu quả, Trung tâm cử 1 cán bộ theo dõi giúp đỡ Câu lạc bộ, làm cầu nối giữa Câu lạc bộ với Ban giám đốc; đôn đốc Câu lạc bộ nghiêm túc củng cố duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ; tăng cường chế độ thông tin giữa hội viên với Ban chủ nhiệm, giữa các hội viên với nhau để hỗ trợ nhau về việc làm, giới thiệu khách hàng, giúp nhau phòng chống tái nghiện; giới thiệu việc làm cho học viên hồi gia; phát triển hội viên mới. Định kỳ hoặc đột xuất Trung tâm cử cán bộ y tế đến trực tiếp nơi ở hoặc nơi làm việc của hội viện tiến hành xét nghiệm chất ma túy. Tham dự các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, cùng Ban chủ nhiệm thường xuyên liên lạc, thăm hỏi động viên từ việc hiếu hỷ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của các hội viên; từ thời gian thành lập đến nay, hầu hết các hội viên trong Câu lạc bộ luôn vững vàng giữ gìn thành quả phấn đấu để đoạn tuyệt với ma tuý ổn định việc làm, đời sống.
Theo ông Nguyễn Quang Toàn, bên cạnh những kết quả bước đầu trên, Câu lạc bộ vẫn còn một số khó khăn tồn tại. Đó là, Câu lạc bộ hình thành tự phát, kinh phí tự đóng góp, các hội viên phần lớn là kinh tế rất khó khăn, sinh hoạt trên địa bàn rộng nên đôi khi Ban chủ nhiệm vẫn chưa nắm bắt hết các diễn biến, chưa kịp thời can thiệp các biểu hiện tái sử dụng ma tuý của từng hội viên; chưa quyết liệt kiểm tra, áp dụng các chế tài như đã cam kết trong quy chế của Câu lạc bộ; chưa nắm bắt sâu sát những biến động về hoạt động đầu tư, sản xuất của hội viên để báo cáo, xin ý kiến tư vấn của Ban giám đốc Trung tâm để có giải pháp tốt hơn; tại cộng đồng vẫn còn tồn tại hiện tượng kỳ thị đối với các hội viên; các cấp chính quyền địa phương, các ngành, các cấp chưa thực sự quan tâm hỗ trợ tinh thần, vật chất cho các hội viên.
Ông Nguyễn Quang Toàn cho biết, năm 2017, Trung tâm tiếp tục củng cố duy trì phát triển mô hình hoạt động của Câu lạc bộ. Duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ; tăng cường chế độ thông tin giữa hội viên với Ban chủ nhiệm, giữa các hội viên với nhau để hỗ trợ nhau về việc làm, giới thiệu khách hàng, giúp nhau phòng chống tái nghiện; giới thiệu việc làm cho học viên hồi gia; phát triển hội viên mới.
Đặc biệt, Câu lạc bộ tiếp tục chú trọng sàng lọc, giới thiệu các thành viên ưu tú để đề nghị Trung tâm tuyển dụng làm cán bộ, công nhân viên. Năm 2016, Câu lạc bộ đã giới thiệu thêm 2 hội viên để Cơ sở cai nghiện tuyển dụng làm cán bộ, nâng tổng số thành viên được tuyển dụng lên 4 người. Trung tâm tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Sau cai tự nguyện, coi đây là “vườn ươm” giúp các học viên sau cai nuôi dưỡng ý chí, quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, vươn lên chiến thắng chính bản thân mình.
▪ Những người tình nguyện phòng, chống ma túy (17/03/2017)
▪ Nghị lực của cô giáo mầm non nhiễm HIV (16/03/2017)
▪ Đến ngôi nhà của bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối (15/03/2017)
▪ Chuyện chăm sóc người nghiện, nhiễm HIV/AIDS ở trại tạm giam (15/03/2017)
▪ Người 'cứu tinh' cho hơn 100 người mắc AIDS (13/03/2017)
▪ Người phụ nữ luôn tận tụy với công tác phòng, chống HIV/AIDS (10/03/2017)
▪ Người cai nghiện phá, trốn trại: Nguyên nhân và giải pháp (08/03/2017)
▪ Tạo môi trường an toàn, thân thiện cho học viên cai nghiện (02/03/2017)
▪ 9 lần mổ giành sinh mệnh cho bệnh nhân HIV từng tuyệt vọng tự thiêu (28/02/2017)
▪ Xúc động chuyện nữ điều dưỡng Công an chăm sóc phạm nhân nhiễm HIV (28/02/2017)