Người chuyển giới vẫn đang phải sống và làm việc sau ánh sáng
Báo Tiếng Chuông - 12/04/2018
“Người chuyển giới vẫn đang bị kỳ thị vẫn đang phải sống và làm việc sau ánh sáng, phải làm những nghề nghiệp rất nguy hiểm trên đường phố tại họ không có điều kiện, không dám và họ cũng không có giấy tờ tùy thân để xin được những công việc tốt”.

Đó là chia sẻ của Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 Hương Giang về cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam.

 

Hoa hậu chuyển giới Quốc tế 2018 Hương Giang. Ảnh internet

 

Hương Giang cho rằng, khi người chuyển giới vẫn phải làm những việc như múa lửa, hát đám ma thì hình ảnh người chuyển giới trong cộng đồng mãi mãi không đẹp.

Bên cạnh đó, khi Luật chuyển giới chưa được thông qua thì ai cũng lúng túng. Cuộc sống của ai cũng khó khăn. Nhiều người không tìm được việc làm, không đến được trường học và khi chưa có luật bảo vệ thì người chuyển giới còn bị kỳ thị. 

Quan trọng hơn cả, khi chưa có Luật chuyển giới, họ vẫn phải chuyển giới chui. Dù ở Việt Nam có rất nhiều bác sĩ giỏi, giá thành tốt nhưng vì không có Luật nên họ không dám làm nên người chuyển giới phải tìm đến những cơ sở thẩm mỹ chui: không ký kết, không hợp đồng, không luật bảo vệ. Mỗi năm có bao người chết vì khát khao chuyển giới ở những nơi như vậy.

Theo Hương Giang, người chuyển giới luôn luôn phải trau dồi những kỹ năng tốt nhất để lúc nào cũng có thể sẵn sàng bước ra ánh sáng.

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế trong quá trình xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, việc làm là một trong những thách thức lớn nhất đối với người chuyển giới, đặc biệt là đối với nhóm từ nam sang nữ. Sự kỳ thị một mặt khiến ít người có thể học lên cao để có bằng cấp đủ để xin những công việc nhà nước hay cơ quan. Mặt khác những định kiến về người chuyển giới như những người “biến thái”,“bệnh hoạn”, “trộm cắp”… đã khiến rất ít nhà tuyển dụng chấp nhận họ. Nhiều người cho biết nếu xin được vào các cơ quan, nhà hàng của người nước ngoài thì đỡ hơn, vì người nước ngoài không kỳ thị giới tính nhiều như người Việt. 

Nhiều người chuyển giới cũng cảm nhận rõ sự bất công nếu so sánh với những người đồng tính. Nếu như người đồng tính nam (gay) vẫn có thể che dấu bản thân và xuất hiện trước công chúng, cũng như tham gia vào nhiều cuộc thi nghệ thuật gây tiếng vang, thì người chuyển giới hầu như không có cơ hội nào, và rất ít người có thể xuất hiện công khai trước công chúng.

Nhiều người chuyển giới đã phải đi hát đám ma như cơ hội kiếm sống. Ngoài việc hát đám ma, có những nhóm nhỏ tổ chức các buổi biểu diễn trên sân khấu (thường là các quán cà phê). Những người chuyển giới chuyên đi biểu diễn trên sân khấu là những người được chọn từ các cuộc thi. Ví dụ Thế giới thứ 3 có những cuộc thi tìm kiếm các tài năng như thi hoa hậu, thi nam khôi, thi got talent (có tài năng), thi model và chọn ra những người đã đoạt giải từ các cuộc thi để cộng tác một thời gian biểu diễn. Sau một thời gian, khi những bầu sô khác đưa họ đi, thì lại đi tìm kiếm những người khác.

Những người chuyển giới tham gia biểu diễn thời trang cũng cho biết, vì niềm đam mê biểu diễn, họ phải đầu tư khá nhiều và show biểu diễn nào cũng lỗ. Nhưng vì sự yêu thích của bản thân cũng như tạo những sự kiện vui vẻ cho người trong cộng đồng, họ vẫn muốn được biểu diễn. Tuy nhiên, mặc dù xin phép nhưng vì là người chuyển giới, họ không được cấp phép biểu diễn, và khi biểu diễn tự phát thì luôn phải lo sợ bị phạt.

Ngay cả khi người chuyển giới nỗ lực kiếm việc làm, thì ngay cả ở những môi trường làm việc họ cũng thường bị sỉ nhục.

Một số người chuyển giới từ nam sang nữ cố gắng đi học trang điểm, có vốn thì mở cửa hàng ở nhà, hoặc  đi trang điểm, làm đầu và các dịch vụ làm đẹp khác, còn nhiều người cho biết không có công việc gì để trang trải cuộc sống, và tình thế bắt buộc đã đẩy họ ra “đứng đường”. Số tiền kiếm được từ việc mãi dâm cũng chỉ đủ cho họ có tiền ăn và mua đồ quần áo.

Nhật Thy