Chưa có con số thống kê chính thức về số trẻ bị bỏ rơi ở các bệnh viện, nhưng trung bình mỗi năm ở các Viện Nhi, Phụ sản thì con số phải lên tới hàng trăm. Điểm đến cuối cùng của những đứa trẻ này là trại trẻ mồ côi, nhưng những đứa trẻ bệnh tật sẽ sống ra sao?
Bé Lê Văn Rơi đang được bác sĩ chăm sóc.
Thỉnh thoảng vào các buổi trưa, buổi chiều, ở một khoa nào đó của Viện Nhi lại "nhặt" được một đứa trẻ bị cha mẹ chúng bỏ lại. Một buổi trưa, khi mà phòng khám đã hết bệnh nhân, các bác sĩ thấy một bé trai khoảng 4 - 5 tuổi một mình đi lang thang. Tìm mãi không thấy cha mẹ đứa trẻ, bác sĩ chuyển cháu vào khoa tâm thần với bệnh án: Bại não, không nói được, không tự ăn và chỉ thích chạy lung tung. Lại như bao đứa trẻ bị bỏ rơi khác, cháu được đặt tên là Nguyễn Thanh Rơi. Một bé trai nữa gày còm bị mẹ bỏ ở hành lang của khoa Truyền nhiễm vào đúng hôm trời mưa to. Đã ốm yếu lại bị nhiễm lạnh, khi được các y tá chuyển vào khoa tâm thần với tình trạng bại não và nhiễm phổi nặng. Từ đấy, đứa bé khoảng 3 tuổi ấy được mang tên Lê Văn Rơi và là tên Rơi thứ 5 được ghi trong sổ của khoa.
Khoa Sơ sinh (Viện Nhi) được thống kê là địa chỉ có nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi nhất. Trung bình mỗi năm, viện phải tiếp nhận từ 15 - 20 cháu bị bỏ rơi thì ở Khoa Sơ sinh có từ 8 - 10 cháu. Vào những ngày này các cô y tá đang phải chăm sóc hai đứa trẻ sinh đôi sứt môi bị cha mẹ bỏ lại vì gia đình nghèo không thể nuôi nổi. Có lẽ đáng thương nhất vẫn là cháu Mai Phương nhiễm HIV bị bỏ rơi ở phòng khám khi mới 15 ngày tuổi. Đã hơn hai năm rồi các cô y tá chăm sóc và nuôi nấng cho bé Phương khôn lớn. Một mình trong một căn phòng, ngủ trong một chiếc cũi. Ngày hai bữa các cô đến cho ăn, tắm giặt.
Những đứa trẻ "mồ côi" khi mà bố mẹ chúng vẫn còn sống. Không hiểu vì lẽ gì mà ngày càng nhiều ông bố bà mẹ nhẫn tâm bỏ đứa con rứt ruột đẻ ra. Trong hành trang của những đứa trẻ "mồ côi" ấy thường có bức thư của người mẹ để lại chỉ với lý do gia đình không có điều kiện nuôi con, gửi bệnh viện nuôi hộ. Các cô y tá dù vất vả đến mấy cũng vẫn dành thời gian cho những đứa trẻ ấy. Như biết được sự quan tâm của các cô, chỉ cần nghe tiếng của cô là đứa trẻ lại ngoái nhìn theo, đôi lúc lại nhoẻn miệng cười. Thế mới biết, trẻ em dù bệnh đến đâu cũng vẫn cần đến sự âu yếm, vậy mà có người mẹ lại nỡ ruồng bỏ đứa con bé bỏng của mình. Cuộc đời của những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy sẽ ra sao? Hỏi thăm về hai đứa trẻ bị cha mẹ bỏ vì bệnh não úng thuỷ được Khoa Sơ sinh nuôi dưỡng năm ngoái, chị Bình, y tá - Trưởng khoa nói, cả hai đứa trẻ đã chết sau khi chuyển lên trại trẻ mồ côi Ba Vì một hai tháng. Số phận của những đứa trẻ bị bỏ rơi chỉ là vậy thôi sao? Hai, ba tháng được nuôi nấng tại viện rồi "lên đường" đến trại trẻ mồ côi. Ơ đấy, những đứa trẻ bệnh tật sẽ ăn uống ra sao và người ta chỉ biết nói rằng: Đứa nào mạnh đứa ấy sống. Còn cháu Mai Phương sẽ ra sao? Chị Nhật, y tá trưởng, Khoa Truyền nhiễm nói, cháu không thể chuyển lên trại trẻ mồ côi, chúng tôi liên hệ cho cháu vào trại trẻ mồ côi nhiễm HIV ở Quảng Ninh. Chúng tôi coi nó như con gái, chuyển nó đi cũng thương lắm? Không biết những người mẹ bỏ con sẽ nghĩ gì?