![]() |
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V |
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020. Một trong những nhiệm vụ của Đề án là phát triển các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, trong đó, sẽ thực hiện lộ trình chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.
Với chủ trương đa dạng hóa các biện pháp điều trị nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ thích hợp tại cộng đồng, TP. Hà Nội đã có nhiều cách làm mới trong công tác cai nghiện. Điển hình là việc triển khai Đề án Thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện tại trung tâm. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V (Sở LĐTB&XH Hà Nội) là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm thực hiện đề án này. Dù mới thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay, nhưng việc cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm đã đáp ứng được nguyện vọng của gia đình và bản thân người nghiện.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V về những kết quả khi thực hiện chuyển đổi.
PV: Xin ông có thể cho biết tình hình công tác cai nghiện tại Trung tâm từ khi thí điểm mô hình cai nghiện tự nguyện?
Từ năm 2015 trở về trước, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma tuý bị bắt buộc đi chữa bệnh. Kể từ ngày 1/1/2015, Trung tâm được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh cho người nghiện ma tuý tự nguyện và điều trị chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone.
Ngay từ giữa năm 2014, để đáp ứng về đổi mới công tác cai nghiện, Trung tâm đã triển khai ngay một số nhiệm vụ như: sắp xếp bộ máy tổ chức; tập huấn, đào tạo lại cho toàn bộ đội ngũ cán bộ; cải tạo cơ sở vật chất cho phù hợp; cải cách thủ tục hành chính…
Khác với thời gian cai nghiện bắt buộc là 2 năm, hình thức cai nghiện tự nguyện chỉ kéo dài 3-6 tháng. Các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm còn được hỗ trợ về tiền ăn, tiền thuốc, tiền sinh hoạt, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ.
Tính từ khi đề án thí điểm cai nghiện tự nguyện của TP. Hà Nội đi vào hoạt động (từ năm 2015 đến nay), Trung tâm đã điều trị cho 2.327 lượt học viên, đạt gần 300% kế hoạch Thành phố giao. Bên cạnh đó, điều trị thay thế bằng methadone cho 192 bệnh nhân ngoại trú. Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho 298 học viên cai nghiện tự nguyện và 116 bệnh nhân ngoại trú điều trị thay thế bằng methadone. Tất cả đều đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
PV: Có được thành quả bước đầu trong công tác cai nghiện tự nguyện là do đâu, thưa ông?
Trước hết, đó là sự vào cuộc, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thành phố, Sở LĐTB&XH Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội và chính quyền các địa phương. Lực lượng Tình nguyện viên và Cảnh sát khu vực tại cấp cơ sở đã trực tiếp vào cuộc vận động, tuyên truyền đến từng gia đình, thân nhân và cá nhân người nghiện ma túy, cũng như trực tiếp đưa từng người nghiện đến tận Trung tâm cai nghiện. Có nhiều trường hợp khi đã xác định đúng đối tượng, cán bộ cơ sở đã vận động người nghiện nhận ra cái tốt, cái lợi của việc đi cai, thì bất kể giờ nào dù đêm khuya hay sáng sớm đội ngũ cán bộ cơ sở này cũng cùng gia đình đưa người nghiện vào Trung tâm. Đây là điểm rất khác biệt so với cách tuyên truyền, vận động người nghiện chung chung như trước đây.
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội hỗ trợ một phần kinh phí cơ bản cho mỗi trường hợp vào cai nghiện. Điều này thực sự gánh đỡ chi phí cho các gia đình có người nghiện và là động lực để gia đình đưa người nghiện đi cai. Tất cả người cai nghiện tại Trung tâm đều được hỗ trợ về tiền ăn, tiền điều trị cắt cơn, tiện điện nước, tiền sinh hoạt… Tính trung bình, học viên cai nghiện được hỗ trợ tới gần 3 triệu đồng nếu thời gian điều trị là 3 tháng và trên 5 triệu cho liệu trình cai nghiện 6 tháng tại Trung tâm.
Một điểm mới nữa là Đề án thực hiện đưa người vào cai nghiện với thủ tục rất đơn giản, chỉ cần bản sao Hộ khẩu, Chứng minh thư nhân dân của người xin cai nghiện và trình tự tiếp nhận nhanh chóng. Cán bộ Trung tâm phân ca trực đón bệnh nhân 24/24 giờ, tất các ngày trong tuần.
Đặc biệt, từ khi Trung tâm áp dụng thí điểm cai nghiện tự nguyện, Ban giám đốc đã quán triệt với cán bộ nhân viên Trung tâm cần thay đổi quan điểm về người nghiện ma túy. Nếu như cai nghiện bắt buộc phải đặt sự quản lý học viên lên hàng đầu thì ở mô hình này, chúng tôi quán triệt cán bộ phải coi người nghiện ma túy là trung tâm của mọi hoạt động trợ giúp, coi người cai nghiện là khách hàng, là người được phục vụ và hai bên thực hiện hợp đồng cai nghiện đã được nghiên cứu, thống nhất kỹ trước khi vào Trung tâm. Họ được chăm sóc, điều trị phục vụ chu đáo. Từ đó không có cảm giác bị kỳ thị, cách ly với xã hội bên ngoài, tăng thêm quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.
Việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề công tác xã hội được coi là trọng tâm đào tạo khi Trung tâm thường xuyên liên hệ tổ chức tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ Trung tâm. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, lao động trị liệu hàng ngày, duy trì vệ sinh sạch gọn, tác phong sinh hoạt nề nếp cho từng tổ, từng học viên. Ngoài ra, Trung tâm cũng đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, công khai, minh bạch tất cả chế độ, quyền lợi của học viên để học viên đảm bảo sinh hoạt tốt nhất.
Với việc tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ các hoạt động trên đã tạo cho Trung tâm phát triển theo định hướng một môi trường cai nghiện “Thân thiện - An toàn - Hiệu quả”. Kết quả khảo sát nhiều đợt được người cai nghiện và thân nhân hài long, ủng hộ.
PV: Việc trốn cơ sở cai nghiện tập trung, gây mất ANTT của các học viên cai nghiện thời gian qua tại một số địa phương đang cho thấy xu hướng chuyển các trung tâm cai nghiện bắt buộc sang cai nghiện tự nguyện đang là một yêu cầu cấp bách. Theo ông, các cơ sở cai nghiện tự nguyện mang đến một môi trường an toàn, thân thiện cho các học viên như thế nào?
Theo tôi, mô hình cai nghiện tự nguyện với sự hỗ trợ chuyên sâu về tâm lý, bổ sung các kiến thức về xã hội, kết hợp tổ chức chăm sóc chu đáo, tại chỗ về y tế đã giúp cho người nghiện nhanh chóng phục hồi về thể chất và thoải mái về tinh thần. Đây là nhu cầu rất cần đối với người cai nghiện, giúp họ có quyết tâm cao trong việc từ bỏ ma tuý thành công.
Tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V, khi tiếp nhận học viên, Trung tâm đã tiến hành đánh giá nhu cầu và sàng lọc cơ bản cho từng người cai nghiện, chủ động tư vấn rất kỹ cho từng học viên về quy trình và quyền lợi, trách nhiêm cá nhân khi tham gia. Người cai nghiện phải hoàn toàn nhận thức được vấn đề của mình để thể hiện quyết tâm tham gia cai nghiện, tuy nhiên cũng không ít trường hợp khẩn cấp do sử dụng ma túy dạng đá, không làm chủ bản thân thì Trung tâm vẫn tiếp nhận và có cam kết, phối hợp của gia đình để tiến hành trợ giúp.
Liệu trình cai nghiện tại Trung tâm gồm các hoạt động như: điều trị cắt cơn, giải độc, hỗ trợ tâm lý, tư vấn cá nhân, thảo luận nhóm, giáo dục nâng cao hiểu biết về xã hội, về pháp luật, giáo dục giá trị sống, rèn luyện nếp sống chính quy, thân thiện (hiện nay, Trung tâm tổ chức giáo dục theo từng chuyên đề giáo dục theo hướng dẫn của ngành, giáo dục Giá trị sống LVEP và sinh hoạt giao ban DAYTOP hàng ngày đối với từng tổ, đội học viên).
Sự đổi mới, đầu tư thích đáng để nâng cấp các phòng làm việc, khu nhà ở, khu nhà phục vụ thân nhân qua đêm, khu thể thao đa năng, khu xông hơi giải độc… và các trang thiết bị dụng cụ y tế đã nâng cao năng lực, hiệu quả tiếp nhận và điều trị cai nghiện cho bệnh nhân.
Do đây là mô hình cai nghiện “mở” nên Trung tâm đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra chống thẩm lậu ma tuý. Các hoạt động thể thao, văn nghệ cũng được tổ chức thường xuyên để các học viên cảm thấy trung tâm thân thiện và an toàn.
PV: Sau khi hoàn thành thời gian điều trị 3-6 tháng, có nhiều người quay trở lại Trung tâm tiếp tục điều trị không, thưa ông?
Học viên đăng ký cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V theo khung thời gian từ 3-6 tháng, khuyến khích thời gian tối đa.
Sau khi hoàn thành thời gian điều trị, cũng có nhiều người quay trở lại Trung tâm. Tuy nhiên, không thể cho rằng việc người nghiện quay lại Trung tâm là điều trị cai nghiện thất bại. Bởi nghiện ma tuý là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, mà đã là mãn tính thì tỷ lệ tái nghiện sẽ có thể xảy ra, và cần được điều trị lâu dài. Do đó, cần làm sao kéo dài thời gian họ không sử dụng ma tuý và khi tái nghiện họ tìm ngay vào Trung tâm để cai nghiện, hạn chế người sử dụng ma túy tại cộng đồng là mục đích thiết thực của Đề án đổi mới công tác cai nghiện hiện nay.
Qua 2 năm thực hiện thí điểm chuyển đổi, chúng tôi nhận thấy nhiều người nghiện đã tích cực phối hợp cùng cán bộ, nhân viên trong quá trình điều trị. Qua đó, học viên phục hồi sức khỏe tốt hơn, tâm sinh lý cũng thoải mái nên sau một thời gian vào học tập và lao động, sức khỏe của người cai nghiện được cải thiện. Không những thế, gia đình của người nghiện ma túy không phải tiêu tốn nhiều tiền vì ma túy, tình hình an ninh trật tự ở địa phương ổn định.
PV: Trong quá trình thực hiện điều trị cai nghiện tự nguyện, Trung tâm gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Thực tế công tác cai nghiện cho thấy, ý chí của người cai nghiện rất quan trọng. Tuy số người đi cai nghiện tự nguyện tăng, nhưng một trở ngại vẫn đang hiện hữu là sự tự nguyện, tự giác từ chính những người nghiện khi đến Trung tâm. Theo quy định, học viên phải ký vào đơn tự nguyện cai nghiện để nhận thức tác hại của ma túy và sớm từ bỏ, nhưng không ít học viên đi cai nghiện là do vận động của gia đình, nguyện vọng chỉ của gia đình, áp lực từ chính quyền, công an cơ sở… nên họ chưa nhận thức đúng, chưa đầy đủ quyết tâm vào cai nghiện. Do đó, trong quá trình cai nghiện tại trung tâm, còn có học viên vi phạm các quy định, hướng dẫn của Trung tâm, làm giảm hiệu quả cai nghiện điều trị.
Bên cạnh đó, 40-50% học viên cai nghiện tại Trung tâm là nghiện ma tuý tổng hợp (MTTH), trong khi đó việc điều trị chữa bệnh, cai nghiện cho nhóm đối tượng nghiện MTTH phức tạp hơn nhiều so với người nghiện heroin và hiện nay, vẫn chưa có một phác đồ điều trị chính thức cho những người nghiện này. Thông thường người nghiện heroin chỉ điều trị từ 7-10 ngày là cắt cơn nhưng với người nghiện MTTH phải cần tới hơn 20 ngày nhưng sau đó vẫn bị ảo giác, rối loạn tâm thần kéo dài. Trung tâm phải tích cực điều trị, kết hợp nhiều loại thuốc và có những trường hợp phải dùng thuốc nhiều tháng sau gia đoạn cắt cơn.
Sau khi cai nghiện trở về cộng đồng, có việc làm là cách giúp học viên ổn định cuộc sống, tránh xa ma túy. Tuy nhiên, Trung tâm mới chỉ tư vấn việc làm cho các học viên mà chưa thực hiện được hoạt động dạy nghề bởi chưa đủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách hay vận động đóng góp từ gia đình. Vì thế, Trung tâm rất muốn Thành phố hỗ trợ kinh phí cho những người cai nghiện tự nguyện trong thời gian 6 tháng có thể được đào tạo các nghề đơn giản phù hợp với sức khỏe và nhu cầu xã hội.
Hơn nữa, hiện nay, việc xã hội hóa đối với công tác điều trị, huy động các nguồn lực, các dịch vụ trợ giúp người cai nghiện từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài... còn chưa thật sự rõ nét. Nếu không có nguồn lực xã hội thì các trung tâm không thể có đầy đủ các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khác nhau của người cai nghiện. Đây là khó khăn và là điều mà các nhà hoạch định, nhà quản lý cần quan tâm.
Dẫu vậy, thành công bước đầu của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động - Xã hội số V Hà Nội đã ghi nhận hướng đi tích cực trong việc giúp người nghiện cai nghiện tự nguyện. Đây chính là cơ sở để TP. Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cai nghiện tự nguyện?
Theo tôi, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cai nghiện tự nguyện, cần chú trọng tuyên truyền hơn nữa làm thay đổi nhận thức của người dân, người nghiện và gia đình họ về ma túy; cần đưa nhiều gương tốt, cách làm hay một cách cụ thể, rõ ràng để tạo niềm tin cho nhân dân, động lực cho người cai nghiện. Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người nghiện nhằm thu hút nhiều hơn các đối tượng nghiện vào trung tâm cai tự nguyện. Song song với đó là đào tạo lại đội ngũ cán bộ tại các trung tâm để hiểu và thân thiện với học viên và làm tốt vai trò, chức năng trợ giúp của mình; nâng cấp các dịch vụ chuyên sâu ở mỗi trung tâm cai nghiện để người nghiện chủ động lựa chọn nơi cai nghiện tránh đều đều giống nhau như hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
▪ 9 lần mổ giành sinh mệnh cho bệnh nhân HIV từng tuyệt vọng tự thiêu (28/02/2017)
▪ Xúc động chuyện nữ điều dưỡng Công an chăm sóc phạm nhân nhiễm HIV (28/02/2017)
▪ Bên trong một trung tâm cai nghiện ma tuý tự nguyện (28/02/2017)
▪ Hạnh phúc bình dị của cặp đôi có 'H' (28/02/2017)
▪ Chuyện những y bác sỹ trong cơ sở điều trị nghiện (27/02/2017)
▪ Giúp bệnh nhân HIV/AIDS không 'chết về tinh thần' (25/02/2017)
▪ Chuyện nghề của ‘cha đỡ’ 2 lần phơi nhiễm HIV (24/02/2017)
▪ Tận tâm với người lầm lỡ (20/02/2017)
▪ Người ‘nguyện’ cả đời chăm sóc và mai táng người nhiễm HIV/AIDS (17/02/2017)
▪ “Bạn hữu trẻ em” trợ giúp hàng nghìn trẻ em bị xâm hại (16/02/2017)