Sống đời tận hiến
Nằm dọc theo bờ sông Hương thơ mộng, cách trung tâm thành phố Huế 3 km có một địa chỉ khám chữa bệnh miễn phí được hàng ngàn người biết đến đó là Phòng khám bệnh nhân đạo Kim Long. Nữ tu - bác sĩ Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Phòng khám tâm sự: "Cách đây gần 24 năm về trước, phòng khám ra đời trong điều kiện gian khổ còn chồng chất, người dân nghèo không có tiền mua thuốc. Từ năm 1996, Kim Long bắt đầu triển khai các hoạt động chăm sóc người có HIV và bệnh nhân AIDS".
![]() |
Một buổi sinh hoạt tại phòng khám-Ảnh: Bình Nguyên
|
"Những ngày đầu, chúng tôi phải đối diện với rất nhiều rào cản, khó khăn. Khi đó, nhiều người vẫn nghĩ AIDS đồng nghĩa với bản án tử hình. Người có H không dám ngẩng mặt khi ra đường, họ thấy nhục nhã vì bị kỳ thị. Thậm chí, thuốc ARV còn là thứ xa vời. Trước những thử thách này, y bác sĩ của phòng khám hết sức lo lắng, bối rối. Trong khi thuốc dự trữ chỉ có mấy chục liều, mà bệnh nhân xếp hàng lên đến mấy trăm người. Có người lặn lội đi cả đêm, vượt hàng trăm cây số đến mà đành gạt nước mắt để họ về", bác sĩ Điền nói.
Trước hoàn cảnh đó, Phòng khám Kim Long chủ động phối hợp với lương y Thích Tuệ Tâm, trụ trì Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (số 5 Lê Quý Đôn, TP. Huế) để thành lập Ban quản lý chăm sóc những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS.
Lương y như từ mẫu
Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Bông cho biết, bên cạnh công tác khám chữa bệnh, cứ hằng tháng, chúng tôi lại tìm đến các gia đình có người qua đời vì AIDS để lo việc chôn cất, động viên họ. Chị kể, mọi người làm việc ở đây dù bận rộn đến mấy nhưng luôn giữ cho mình tư thế sẵn sàng. Đã làm trong ngành y, phải biết rằng, nhanh một chút thì người bệnh sống, chậm vài tích tắc sẽ phải hối hận cả đời.
Chị tâm sự, trong quá trình công tác ở đây chị gặp nhiều tình huống cười ra nước mắt. Mới đây, có một anh tên M, vợ mất vì AIDS, đã phải một mình khâm liệm cho chị vợ. Vợ mất, anh M rơi vào cảnh gà trống nuôi con. Khi con đủ tuổi đến trường, về nhà thường thắc mắc tại sao không được dùng đồ với các bạn. Anh nhanh trí bảo con: "Đấy là vì bố mua được đồ riêng cho con nên con không cần dùng chung với các bạn. Bố mẹ các bạn không mua đồ nên các bạn cần dùng chung với nhau". Lần khác, một thanh niên đến phòng khám điều trị HIV, không u buồn thất vọng, anh hài ước: "HIV là một phép thử xem người khác đối với mình thế nào".
Hiện tại phòng khám đang hỗ trợ cho gần 200 trẻ dưới 18 tuổi có H hoặc bị ảnh hưởng (bố mẹ qua đời vì H). Các em được tấm lòng quảng đại của các sơ, các anh chị thiện nguyện viên hỗ trợ thuốc men, chăm sóc sức khỏe.
Không chỉ khám chữa bệnh miễn phí, phòng khám còn quan tâm đến công tác phòng bệnh đặc biệt là các vùng sâu vùng xa. Truyền thông đã trở thành chiến lược hoạt động chủ chốt. Phòng khám đã lồng ghép hoạt động truyền thông với các chuyến đi tới các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình; hoặc đến các huyện xa xôi hẻo lánh trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Những tình nguyện viên có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp thanh niên hiểu biết về mối nguy hiểm, cách lây lan HIV/AIDS.
![]() |
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Phòng khám cung cấp |
Vào những ngày làm việc, phòng khám có hàng trăm lượt bệnh nhân đến trực tiếp, nhưng vẫn còn nhiều người già yếu không đến được. Thấu hiểu tâm lý đó, phòng khám đã thực hiện các chuyến đi lưu động đến tận các bản làng để khám chữa bệnh cho họ. Những vị y bác sĩ ở đây ngày ngày dốc hết tâm lực, ra sức giành giật sự sống cho bệnh nhân nghèo không có điều kiện chống đỡ cơn bạo bệnh. Bước chân họ đã in dấu trên khắp nẻo đường ở các huyện A lưới, Nam Đông đến các bản làng Ca Tu, Vân Kiều ở Hướng Hóa, Quảng Trị.
Hằng năm, phòng khám cũng tổ chức các chương trình chăm sóc sức khỏe, lễ giáng sinh, Tết cổ truyền, Tết thiếu nhi… cho các em có H. Các vị bác sĩ ở đây đã sống một đời tận hiến, là vị “cứu tinh” trong mắt những người bất hạnh. Tôi tin chắc, sự thánh thiện là có thật, nó hiện hữu ở trong những tà áo xám, bên những cây thánh giá gỗ, bên dòng sông Hương xanh ngát.
▪ Vì một trường học cởi mở hơn cho LGBT (28/07/2016)
▪ Người nhiễm HIV 16 năm bây giờ sống ra sao? (25/07/2016)
▪ Câu chuyện đẫm nước mắt của nữ phạm nhân từng mang án tử hình (21/07/2016)
▪ Nghị lực phi thường của người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS (20/07/2016)
▪ Ở những nơi bóng hồng vượt dốc (19/07/2016)
▪ Kinh nghiệm tuyên truyền phòng, chống ma túy hiệu quả (18/07/2016)
▪ Cần chung tay giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV hòa nhập cộng đồng (12/07/2016)
▪ Lớp học “đặc biệt” trong lòng Sài Gòn (11/07/2016)
▪ Đẩy mạnh tuyên truyển phòng, chống HIV/AIDS trong sinh viên (06/07/2016)
▪ Đài Loan là nơi chấp nhận hôn nhân đồng tính đầu tiên ở châu Á? (05/07/2016)