Xã hội đã “văn minh” hơn với người có giới tính thứ 3
Báo Tiếng chuông - 12/05/2016
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, cũng như hội nhập với khu vực và thế giới, Việt Nam đã có cái nhìn “văn minh” và “thiện cảm” hơn với người có giới tính thứ 3.
Một người chuyển giới, quan hệ đồng giới chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống, khi bị tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị - Ảnh: Thùy Chi

 

Một số điểm mới của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 quy định, tại Điều 18, người đồng tính, người chuyển giới được tạm giữ, tạm giam ở buồng riêng. Ngoài ra, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình và phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi... cũng có thể được áp dụng quyền này.

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông (Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) về những quan điểm của mình, Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, Nghị định 89/1998/NĐ-CP ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam có hiệu lực đến ngày 01/7/2016, là văn bản có hiệu lực từ ngày 22/11/1998, do đó vào thời điểm đó vấn đề tạm giữ tạm giam người đồng tính, người chuyển giới chưa được cấp bách đặt ra.

Vì vào thời điểm đó, xã hội còn kỳ thị người có giới tính thứ 3, do đó mà những người thuộc giới này không công khai giới tính và việc thực hiện chuyển giới vào thời điểm những năm thập niên 90 là gần như không có, dẫn tới việc Điều 15 Nghị định 89/1998/NĐ-CP chưa quy định về đối tượng đặc thù này.

Sau năm 2000, đất nước ta hội nhập với khu vực và thế giới, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội ta đã có cái nhìn văn minh và thiện cảm hơn trong vấn đề người có giới tính thứ 3. Do vậy, việc mong muốn thực hiện phẫu thuật chuyển giới, bắt đầu được thực hiện nhiều hơn, việc muốn sống với giới tính thật của mình là quyền chính đáng của mỗi cá nhân.

Thời gian qua, vấn đề người thuộc giới thứ 3, người chuyển giới phạm tội bị tạm giữ, tạm giam đặt ra vấn đề chúng ta cần bảo vệ họ về quyền bất khả xâm phạm thân thể, bảo đảm danh dự, nhân phẩm của họ khi họ bị tạm giữ, tạm giam và ngay cả khi bị kết án là có tội, chúng ta cũng cần giam giữ họ ở một khu riêng để bảo đảm các quyền cơ bản bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân mà Hiến pháp đã ghi nhận. Vì thế, khi soạn thảo luật tạm giữ, tạm giam 2015, vấn đề tạm giữ, tạm giam đối với người có giới tính thứ 3, người chuyển giới được đặt ra, đòi hỏi ban soạn thảo phải có những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của xã hội.

Điều 18 Luật Tạm giữ, tạm giam 2015 bổ sung hai chủ thể này để quy định việc tạm giữ, tạm giam ở buồng giam riêng là một quy định tiến bộ, phù hợp với thực tiễn xã hội.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 18 Luật Tạm giữ, tạm giam 2015 người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình và phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi... cũng có thể được áp dụng tạm giữ, tạm giam ở khu riêng cũng là một quy định phù hợp với thực tiễn về tình hình tạm giữ tạm giam. Theo đó, hai đối tượng là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A và người bị kết án tử hình đã được phân loại và quy định tạm giữ, tạm giam riêng theo Điều 15 Nghị định số 89/1998/NĐ-CP.

Việc bổ sung thêm đối tượng là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi là để giải quyết những bất cập trong tạm giữ, tạm giam trước đây và tạo điều kiện cho đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được tạm giữ, tạm giam ở nơi tốt hơn, có điều kiện để bảo vệ sức khỏe, được hưởng các chế độ chăm sóc đặc thù.

Chính vì vậy, theo Luật sư Trương Anh Tú, những quy định mới tại Điều 18 Luật Tạm giữ, tạm giam 2015 là hoàn toàn tiến bộ và phù hợp với thực tiễn. Vấn đề đặt ra là việc bố trí, sắp xếp lại nơi tạm giữ, tạm giam để phù hợp với quy định mới này. Nếu việc bố trí, sắp xếp được thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước, bảo đảm cơ sở vật chất và nhân lực quản lý thì việc áp dụng quy định tại Điều 18 Luật Tạm giữ, tạm giam 2015 là hoàn toàn có thể thực hiện tốt, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền được chăm sóc sức khỏe của phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ. 

Đồng nhất với quan điểm của Luật sư Trương Anh Tú, trên phương diện là nhà tâm lý - xã hội học, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, quy định mới này là một bước tiến tích cực trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền cơ bản của công dân trên cơ sở tôn trọng các đặc điểm cá nhân của họ. Điều này cũng thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong thực thi luật pháp quốc tế về quyền con người. Đây không đơn thuần là vấn đề nhân đạo mà là trách nhiệm của nhà nước trong bảo vệ quyền con người của công dân.

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, kinh nghiệm các nước khác và ở Việt Nam cho thấy, nếu người chuyển giới, đồng tính bị giam chung với những người khác thì có thể họ sẽ bị quấy rối, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm hoặc gây tổn hại về thể chất tinh thần. Cho dù họ đang bị xử lý bởi pháp luật vì những vi phạm của mình, nhưng họ vẫn có quyền được bảo vệ về thân thể, sức khoẻ và phẩm giá.

Phụ nữ có thai và đang nuôi con nhỏ cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương nếu không có những biện pháp bảo vệ phù hợp.