Bác và em yên tâm - đã có chúng cháu!
Các Website khác - 01/07/2008

“Xe tới kìa!”, “ Em về đâu, có chỗ trọ chưa?”, “Bọn cháu giúp gì được không ạ?”, “Ai đưa em này ra xe buýt giùm”, “Bác và em cứ yên tâm, đã có chúng cháu”... là những câu nói quen thuộc của khu vực “tiếp sức mùa thi” tại bến xe.

Giúp thí sinh chuyển đồ

Hơn 3 giờ chiều, bến xe Gia Lâm, Hà Nội nắng như đổ lửa. Chiếc xe khách biển Thái Bình - Hà Nội vừa đỗ, bước xuống là một khuôn mặt thí sinh ngơ ngác. Chưa đầy mấy phút sau, em đã được “hộ tống” vào bóng ô râm mát, kèm những lời hỏi han, chỉ dẫn chu đáo của các sinh viên tình nguyện.

Túc trực ở bến xe

Bùi Văn Bách, quê Thái Bình, dự thi vào trường Đại học Mỏ Địa chất. Năm đầu tiên  đi thi nhưng Bách vẫn phải tự mình ra Hà Nội vì “Nhà có mỗi hai mẹ con. Mẹ em còn đang lo gặt mùa, làm đổi công nên không thu xếp được”.

Cậu học trò vóc người nhỏ thó cười hiền: “May gặp được các anh chị tình nguyện ở bến xe, nếu không em cũng chưa biết đi về hướng nào”.

Hai mẹ con cô Nguyễn Thị Nội (Hải Phòng) thì đang sửa soạn đồ đạc lên “xe ôm miễn phí” của một bạn sinh viên tình nguyện trường Đại học Kinh tế quốc dân.

 Cô hồ hởi: “Mới ra đây lạ nước lạ cái, cứ thấy áo xanh tình nguyện là cô rẽ vào hỏi thăm cho chắc ăn. May sao địa chỉ nhà người quen cô ngay gần đây, được các bạn tình nguyện chỉ dẫn, rồi nhiệt tình chở đến tận nơi…”.

Những ngày cuối tháng Sáu này, lượng thí sinh đổ về Hà Nội ngày một đông. Ở các bến xe khách trên địa bàn thành phố như Hà Đông, Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình…lực lượng sinh viên tình nguyện lúc nào cũng luôn túc trực. Thí sinh dừng tại bến xe sẽ được phát bản đồ, chỉ dẫn đường đi, tư vấn tìm chỗ trọ giá rẻ…

“Bọn mình sẽ cố gắng giúp các em tất cả những gì có thể” - Nguyễn Mạnh Dũng, K51 Chăn nuôi thú y –Đội trưởng đội tình nguyện Đại học Nông nghiệp I, khẳng định.

Lau vội giọt mồ hôi sau khi xách đồ giúp hai cha con thí sinh lên xe buýt, Nguyễn Tuấn Thành, năm thứ hai khoa Kế hoạch và Phát triển- Đại học  Kinh tế quốc dân, hồ hởi: “Từ sáng tới giờ, mình đã chuyển đồ cho “kha khá” thí sinh rồi đấy!”.

“Xe tới kìa!”, “ Em về đâu, có chỗ trọ chưa?”, “Bọn cháu giúp gì được không ạ?”, “Ai đưa em này ra xe buýt giùm”, “Bác và em cứ yên tâm, đã có chúng cháu”...là những câu nói quen thuộc của khu vực “tiếp sức mùa thi”  tại bến xe.

Trời nắng, người ra vào chen lấn đông đến nghẹt thở, luôn miệng, luôn tay – song nụ cười lúc nào cũng nở trên môi các sinh viên tình nguyện, nhất là khi tiếp xúc với phụ huynh và thí sinh.

“Cũng mệt và vất lắm, nhưng một nụ cười, một lời nói ân cần cũng đủ làm ấm lòng các bác, các em” -  một sinh viên tình nguyện chia sẻ.

Đội sinh viên tình nguyện Đại học Nông nghiệp I đang chỉ dẫn cho thí sinh tại bến xe Gia Lâm

Niềm vui tình nguyện

Đa số các thành viên của đội tình nguyện tại bến xe Gia Lâm của Đại học Nông Nghiệp đang là sinh viên năm nhất, năm thứ hai. Ở bến xe Giáp Bát, lại có bạn sinh viên Cao đẳng Giao thông đã đi làm được mấy năm vẫn vấn vương tình nguyện.

Bùi Thị Kim Ngân, lớp Thú y – K52, ĐH Nông nghiệp I, vui vẻ: “Tôi vừa thi xong tuần trước, về quê mấy hôm gặt mùa giúp bố mẹ rồi lại lên Hà Nội cho kịp đợt tình nguyện”. Phùng Thu Phương, Đại học Hà Nội, mới nhận bằng tốt nghiệp, vừa tất tả lo xin việc, vừa tranh thủ làm tình nguyện.

Khi được hỏi lý do tham gia tiếp sức mùa thi, mọi người đều trả lời không do dự: “Bọn mình đã từng trải qua những ngày tháng lều chõng đi thi, cũng có chút kinh nghiệm. Muốn góp sức chia sẻ và giúp đỡ các em thí sinh thêm tự tin, vững tâm bước vào kì thi thật thành công, an toàn”.

Vũ Duy Kiên, Đại học Mỏ địa chất nhắc lại một kỷ niệm vui: “Năm ngoái, chính mình được một anh sinh viên tình nguyện đưa vào phòng thi khi chỉ còn tích tắc nữa là hết giờ thí sinh nhập phòng, nhờ thế mà năm nay mới có cơ hội trở thành sinh viên tình nguyện”.

Thời gian biểu của các tình nguyện viên bắt đầu từ khoảng bốn năm giờ sáng, làm việc liên tục cho đến tối muộn. Thời điểm thí sinh lên đông như  bây giờ, các bạn phải ngủ đêm luôn tại bến xe, thay nhau túc trực. Vất vả mệt nhọc thật nhưng “vui nên quên hết”.

“Đội mình cứ như một gia đình ấy. Đùa vui, tán chuyện, nghịch ngợm, cười suốt không biết chán. Các thành viên trong đội cũng có dịp gần gũi và hiểu nhau hơn” - Nguyễn Thị Cúc, Đại học Nông nghiệp I hào hứng.

Tranh thủ lúc giải lao, các bạn tổ chức thi “Đố vui có thưởng” : Xe buýt số bao nhiêu ra Cầu Giấy gần nhất? Trường THPT Nhân Chính nằm ở quận nào?... Đó cũng là cách ôn lại các kiến thức đã được tập huấn một cách hiệu quả.

Còn có cả những cuộc giao lưu nho nhỏ: Tình nguyện Nông nghiệp tặng Tình nguyện Kinh tế quạt nan cho “mát”, Tình nguyện Kinh tế đáp lễ bằng mấy chùm vải cho “đỡ khát”, tình nguyện  Đại học Mỏ cử một nữ áo xanh cất tiếng hát át “cái nóng”, tình nguyện Kinh tế cử một nam áo xanh đệm ghi ta. Cứ thế, họ cùng cười, cùng vui…

Và hơn hết, những ánh mắt trìu mến, những lời cảm ơn, những cái bắt tay vội vã của các cô bác phụ huynh, các em thí sinh là động lực mạnh mẽ thôi thúc họ hết mình cho một mùa tình nguyện…

Chiều muộn, Hà Nội đổ mưa. Cả đội tình nguyện ai cũng ướt như chuột lột. Nhưng mỗi lần xe dừng, vẫn thấp thoáng những bóng áo xanh, những nụ cười và những giọng nói ấm áp : “Bác và em cứ yên tâm, đã có chúng cháu…”.

Phạm Huệ