Chấm dứt lớp học đọc chép phải bắt đầu từ người thày
Các Website khác - 03/12/2005
Thứ trưởng Bành Tiến Long.
Thứ trưởng Bành Tiến Long.

Thứ trưởng GD&ĐT Bành Tiến Long cho biết, trong đề án đổi mới giáo dục ĐH, phương pháp dạy và học sẽ theo phương châm: dạy cách học, phát huy tính chủ động của người học và tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Bộ khuyến khích các trường giảm bớt giờ lên lớp, tăng thời gian tự học, thảo luận.

- Vấn đề đổi mới phương pháp dạy và học trong ĐH đã được đặt ra từ lâu nhưng vì sao đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể?

- Ở nhiều ĐH cũng đã có những giảng viên nỗ lực tìm kiếm phương pháp truyền đạt kiến thức mới, đổi mới cách giảng dạy. Nhưng quả thật, đó còn là thiểu số nên chưa tạo ra được một sự chuyển biến mạnh mẽ, một sự thay đổi rộng khắp trong các trường. Có lẽ tại vì phần lớn giáo viên ĐH của chúng ta chưa thật sự cảm thấy yêu cầu bức thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau như chưa có cơ chế chính sách khuyến khích, từ sự thiếu thốn, hạn hẹp của cơ sở vật chất... Nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng, trực tiếp nhất vẫn là từ bản thân người thày. Nói đến dạy và học là phải nói đến hai chủ thể quan trọng nhất là thầy và trò. Nhưng trong đó người thày đóng vai trò quyết định.

Nếu mỗi người thày ý thức được việc phải không ngừng làm mới mình về vốn kiến thức, phương pháp giảng dạy, nếu người thày không chấp nhận giảng dạy chỉ là đọc cho SV chép thì SV cũng không thể thụ động chỉ chờ thày đọc cho ghi.

- Tuy nhiên, thưa ông hiện nay hầu hết giáo viên đang quá tải với số lượng giờ lên lớp, tỷ lệ bình quân SV/GV đang quá cao... Vậy yêu cầu GV vừa hoàn thành khối lượng công việc, vừa đổi mới phương pháp giảng dạy như vậy có phải là một đòi hỏi quá sức không?

- Đối với người thày, để hoàn thành nhiệm vụ không chỉ là “dạy xong” mà phải là “dạy tốt”. Vốn kiến thức, trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy tốt là cái vốn của mỗi người thày có được nhờ quá trình tích lũy qua năm tháng, là phương tiện để người thày có thể đứng vững trên bục giảng.

Nó đòi hỏi ở người thày không chỉ thời gian mà còn cả sự tâm huyết, phải có ý thức rõ ràng. Khi có tâm huyết và ý thức luôn làm mới mình về cả kiến thức và kỹ năng, người thày sẽ tìm được thời gian, phương thức trau dồi chuyên môn, kiến thức, tìm tòi được những phương thức giảng dạy tốt nhất.

- Nhưng trong điều kiện cơ sở vật chất từ phòng ốc đến thư viện, từ trang thiết bị phục vụ dạy và học đến tài liệu, sách vở... ở các ĐH như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đổi mới phương pháp dạy và học thiếu các điều kiện thực tế khả thi...

- Những hạn chế trong phương pháp dạy và học ĐH của ta hiện nay còn có một nguyên nhân từ phương thức đào tạo và kiểm tra, đánh giá theo niên chế. Sắp tới, khi hệ thống ĐH chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ sẽ góp phần thay đổi phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, năng động hơn.

Trong đó, có việc quy chế đào tạo sẽ được sửa đổi cho phù hợp với phương thức đào tạo mới, theo hướng “mở” hơn, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của bản thân sinh viên, thay vì những qui định hành chính như điểm danh giờ lên lớp để đủ điều kiện thi cuối kỳ bằng việc siết chặt kiểm tra, đánh giá theo từng tín chỉ, sinh viên buộc phải nỗ lực học và tự học mới có thể đạt được.

Đối với giáo viên, sẽ được chủ động hơn trong phân phối thời lượng giảng dạy, có thể chủ động điều tiết thời gian giảng bài, thời gian cho sinh viên thảo luận, tự học...

Tôi cũng cho rằng để có thể đổi mới phương pháp giảng dạy một cách thuận lợi, người thày phải được cung cấp đầy đủ phương tiện trên giảng đường. Nếu cứ tiếp tục dạy ĐH chỉ bằng bảng đen phấn trắng sẽ không khả thi đối với nhiều ngành đào tạo.

Sự thiếu thốn, lạc hậu về cơ sở vật chất đang là một thách thức lớn, vì hiện nay ta phấn đấu mãi cũng chỉ có chưa tới 10% hệ thống giảng đường tại các trường ĐH lớn đạt tiêu chuẩn có phương tiện hiện đại.

Nhưng ngay cả khi có trang bị đồ dùng dạy học hiện đại, nếu một ông thày không thể tự soạn cho mình một bài giảng trên máy tính, không thể sử dụng thành thạo, phát huy hết tác dụng của phương tiện nghe nhìn thì cũng không vượt ra khỏi lối mòn đọc - chép...

- Vậy còn một phương thức đã được nhiều nước áp dụng: để sinh viên đánh giá việc giảng dạy từng môn học, thông qua đó đánh giá người dạy, có được bộ GD&ĐT đưa vào thực hiện rộng rãi trong thời gian tới?

- Đây là một cách làm còn mới ở nước ta, nhưng dần dần chúng ta sẽ phải thực hiện vì có thể mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong đề án đổi mới giáo dục ĐH VN cũng đã xác định cần sớm xây dựng quy trình thích hợp để đánh giá giáo viên, trong đó có một kênh là qua sinh viên.

Các ý kiến phản hồi của sinh viên có thể giúp giáo viên nhìn nhận, tự đánh giá lại việc giảng dạy của mình, khắc phục nhược điểm, phát huy những ưu điểm, thúc đẩy giáo viên nâng cao trách nhiệm và nỗ lực cải tiến phương pháp giảng dạy.

Đồng thời giúp cán bộ quản lý các trường ĐH nắm được chất lượng dạy và học chính xác, sát thực tế hơn. Nếu chúng ta tổ chức được một cách phù hợp, xử lý kết quả đánh giá một cách chuẩn xác..., phương thức đánh giá này sẽ góp phần xây dựng “văn hóa chất lượng” trong các trường.

(Theo Tuổi Trẻ)