(VietNamNet) - Làm gì cũng được, miễn có ít tiền về Tết. Việc làm mùa cuối năm đang chộn rộn. Nhưng cũng có người phải về tay không vì...thiếu kinh nghiệm đi tìm việc.
Từ nay đến 15/02/2006, Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM có khoảng 5.000 việc làm thêm nhân dịp cuối năm cho SV. Hiện nay, mặc dù chưa đến thời điểm rộ việc làm, nhưng mỗi ngày trung tâm cũng giới thiệu gần 100 đầu việc. Việc làm Tết đúng vào thời điểm thi học kỳ, nên hầu hết các bạn đều mong muốn tìm được công việc ít thời gian (khoảng 4 tiếng/ngày).
Qua cửa trung tâm, chưa chắc được
Qua 10 phút phỏng vấn của nhân viên Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên, Nguyễn Thị Bích Phương (Cam Ranh, Khánh Hoà-đang ôn thi tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) vui mừng cầm tờ giấy giới thiệu đến nhà tuyển dụng. Phượng đã trung thành đến trung tâm mỗi sáng gần cả tháng nay. Nhưng, đến bây giờ, cô mới có được tờ giấy giới thiệu, tức là tìm được công việc phù hợp và được các nhân viên ở trung tâm việc làm gật đầu. Thích được đứng bán hàng, bán siêu và xác định công việc đó mình đã làm từ bé, nên Phương chỉ nhắm đến những việc như thế. Nhưng qua nhiều lần đến đăng ký việc, Phương không qua được cửa trung tâm vì...không đủ 1m58.
Một cửa hàng bán bánh Kinh Đô ở tận quận 6 tuyển cả trăm nhân viên bán hàng trong vòng 4 ngày. Phương được Trung tâm giới thiệu đến. Đạp xe từ quận 1 lên tới quận 6, vừa chìa tờ giấy giới thiệu ra, chú bảo vệ lắc đầu: "Công ty nhận đủ người rồi", vừa hết giờ làm việc buổi sáng, nên không thể ký giấy để về nhận lại tiền lệ phí. Cô bạn cũng không đủ sức để đạp quay trở lại quận 6, xin 1 chữ ký của nhà tuyển dụng. Đành chấp nhận mất tiền. Phương cho biết: "Cũng không biết lý do gì mà họ không nhận mình, chắc lại không đủ chiều cao".
Trước đó mấy tuần, Phương đã đến phỏng vấn tại một công ty mỹ phẩm. Cũng đã qua được bước đầu ở trung tâm giới thiệu. Nhưng sau 15 phút phỏng vấn ở công ty, Phương nhận được câu hứa hẹn: "Em cứ để hồ sơ lại, nếu được tuyển, chúng tôi sẽ gọi". Ai cũng biết đây là hình thức từ chối khéo, nhưng Phương thì vẫn nuôi hy vọng. Và nằm nhà chờ cuộc điện thoại. Hai tuần chờ đợi, không thấy công ty mỹ phẩm gọi đến, lại tiếp tục cầm hồ sơ đi rải.
Cũng như Phương, Minh Trực, SV trường Nông Lâm TP.HCM hí hửng cầm tờ giấy giới thiệu của Trung tâm hỗ trợ sinh viên đến một tiệm Internet trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh). Chỉ tuyển nhân viên coi phòng net với mức lương 800.000/tháng, làm từ 17 giờ đến 23 giờ; nhưng người tuyển yêu cầu phải biết sửa máy in, sửa máy vi tính, và thật rành về Internet. Khắc phục những trục trặc của máy vi tính thì không thành vấn đề và dân công nghệ thông tin, nên Internet không có gì là xa lạ. Nhưng biết sửa máy in thì...không phải ai cũng biết.
Hôm ấy, không chỉ mình Trực đến phỏng vấn và kiểm tra trình độ sửa máy in mà còn 4 người nữa. 2 tuần sau quay lại xin hồ sơ, bảng tuyển người vẫn còn treo trước cửa.
Lỗi..."nhỏ" mất việc "lớn"Có một nghịch lý, trung tâm đang tồn nhiều đầu việc nhưng SV lại không xin được việc.
Chị Phùng Thị Thuỳ Trang, phó phòng việc làm thuộc trung tâm bật mí: "Nhiều SV muốn chọn việc làm ít thời gian và lương cao. Cũng không ít muốn làm những công việc có tiền liền nhưng lại không cân nhắc xem công việc có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thời khoá biểu của mình hay không".
Cũng chính vì thế, chị khuyên: "Các bạn SV nên chọn công việc phù hợp với thời gian, địa điểm. Vì nếu chọn việc dựa trên tiêu chí lương, một khi công việc quá xa chỗ ở, bạn rất dễ bỏ ngang. Làm như thế vừa tốn công sức mình vừa để lại ấn tượng không tốt đối với nhà tuyển dụng. Và làm ảnh hưởng tới những bạn khác".
Thường, khá nhiều SV quan niệm đi xin việc làm thêm làm bán thời gian nên không cần chuẩn bị hồ sơ kỹ, cũng không chuẩn bị tinh thần cho buổi phỏng vấn. Và rồi lại không biết tại sao mình không được tuyển chọn.
Tôi thử mượn vài bộ hồ sơ của các bạn SV đang đến tìm việc làm. Có những hồ sơ, mới nhìn đã muốn trả lại, vì bìa ngoài nhàu nát, dễ đã vài tháng tuổi không "chăm sóc". Không ít bộ hồ sơ có nhiều màu mực. Lại có những bộ hồ sơ được ký xác nhận của địa phương cách đây vài năm. Các chi tiết lặt vặt: bản sao thẻ SV, chứng minh thư cũng hiếm thấy. Thậm chí, tên của mình cũng không thèm viết hoa. Khó có nhà tuyển dụng nào hài lòng với những bộ hồ sơ như thế.
Cuối năm, nhiều việc mới
Chợ phiên cuối tuần đã mang đến cho SV nhiều công việc mới lạ và phù hợp. Tổ chức trò chơi dân gian tại các khu văn hoá đang là công việc hút nhiều bạn. Mỗi tuần có khoảng 40 người đảm nhận công việc này. Điều kiện chỉ là có khả năng quản trò, biết chút ít về các trò chơi dân gian. Các bạn sẽ được trung tâm huấn luyện sơ và được đi thực tế nên cũng dễ nắm bắt công việc.
Chèo xuồng và bán hàng trong Chợ phiên cuối tuần cũng là công việc dành cho SV. Đặc biệt là SV đến từ các tỉnh miền Tây. Điều kiện là phải biết chèo xuồng và bơi.
Theo đánh giá của phòng việc làm, đây là những công việc khá phù hợp, thời gian làm việc thuận lợi.
Với SV nam, phục vụ đám cưới đang là công việc được ưa thích. Một tuần là một hai bữa, không mất nhiều thời gian và có tiền liền. Nói như Nguyễn Văn Bình, phục vụ cho nhóm nấu Phúc Lễ: "Chỉ cần một tuần hai buổi đi làm là có tiền xài. Xong bữa nào lãnh lương bữa đó, tiết kiệm cũng được vài hôm sau".
▪ Hôm nay Hà Nội thí điểm thi trắc nghiệm (02/12/2005)
▪ Lớp học một giới tính: Trái với phát triển tự nhiên (02/12/2005)
▪ Học sinh hành hung hiệu trưởng (02/12/2005)
▪ Khi không có thầy, học sinh vẫn biết cách học! (01/12/2005)
▪ Tin vắn ngày 30/11 (30/11/2005)
▪ Thi chứng chỉ GMAT tại Việt Nam (30/11/2005)
▪ GS phải thông thạo tiếng Anh: "Chơi khó"? (30/11/2005)
▪ Làm quen với trắc nghiệm" (Đề 4, tuần thứ 3) (01/12/2005)
▪ Nhật Bản thắt chặt việc cấp phép thành lập trường (30/11/2005)
▪ 400 giáo viên dự hội nghị dạy tiếng Anh quốc gia (30/11/2005)