Chọn ngành: Theo mình hay theo bố mẹ?
Các Website khác - 05/03/2006

(VietNamNet) - Những thắc mắc của thí sinh không chỉ xoay quanh chuyện chọn ngành, học nghề. Hộp thư tuyển sinh nhận được khá nhiều câu hỏi về chất lượng đào tạo, công việc sau khi ra trường của các bạn.

Soạn: AM 719833 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thí sinh xem lại đề sau khi kết thúc buổi thi (Ảnh chụp trong mùa tuyển sinh 2005)

Em muốn hỏi, trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội có ngành Công nghệ điện ảnh-truyền hình không? Và năm nay chỉ tiêu của ngành này là bao nhiêu? Liệu học xong có việc làm không? Em cũng thắc mắc nữa là: giảng viên của chuyên ngành này hiện đã đủ chưa, cơ sở vật chất để dạy chuyên ngành này thì thế nào? Hoàng Văn Tuấn, Mại Địch, Cầu Giấy, Hà Nội

Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội đào tạo các ngành: Đạo diễn điện ảnh, Đạo diễn kịch nói, Biên đạo múa, Huấn luyện múa, Lý luận phê bình sân khấu múa, Diễn viên múa, Quay phim, Sáng tác, lý luận, điện ảnh, Diễn viên sân khấu điện ảnh, Sáng tác lý luận kịch nói, Đạo diễn kịch hát dân tộc, Diễn viên kịch hát dân tộc (Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối), Âm nhạc kịch hát dân tộc: (Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối), Nghệ thuật nhiếp ảnh, Thiết kế điện ảnh - truyền hình, Thiết kế mỹ thuật phim truyện, Thiết kế mỹ thuật sân khấu, Thiết kế mỹ thuật phim hoạt hình, Thiết kế mỹ thuật trang phục (sân khấu, điện ảnh), Điện tử âm thanh, Công nghệ gia công vật liệu nghe nhìn, Kinh tế văn hoá - nghệ thuật.

Có nhiều SV học các ngành liên quan đến đạo diễn, truyền hình, nghe nhìn... của trường đều tìm được cơ hội việc làm tốt tại các cơ quan truyền hình. Hiện nay, nhiều đơn vị đang hướng tới phát triển dịch vụ truyền hình nên nhu cầu về nhân lực chất lượng tốt của lĩnh vực này khá lớn.

Trường có các loại hình đào tạo: ĐH, CĐ (chính quy và không chính quy), Trung cấp. Ngoài ra, trường cũng có xưởng phim thực hành, nhà hát thể nghiệm, nên cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học tương đối đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cho em hỏi Cử nhân Công nghệ thông tin (CNTT) và kỹ sư CNTT khác nhau như thế nào? Nguyễn Vũ Anh, Thanh Trì, Hà Nội

Theo lý thuyết cử nhân là học ra để nghiên cứu còn kỹ sư thì học ra để thực hành. Thường sau khi tốt nghiệp ĐH, SV được nhận bằng cử nhân. Nhưng với những ngành đặc thù thì được gọi là kỹ sư. Ví dụ bạn học Bách khoa thì sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi là kỹ sư.

Em muốn thi vào ngành Tâm lý học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Không biết sau này tốt nghiệp có dễ kiếm việc làm không? Thu nhập có khả quan không? Đỗ Văn Huy, Đồng Nai

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) không đào tạo ngành Tâm lý học. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thì có.

Ở TP.HCM có các trường đào tạo ngành tâm lý: ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐHDL Văn Hiến. Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn tâm lý, ngành này đang rất cần cho xã hội. Công việc của một chuyên gia tư vấn tâm lý đang ngày được định hình và mở rộng. Tuy nhiên, theo các SV học ngành Tâm lý thì...trong thời gian là SV đòi hỏi người học phải tìm cách để vừa học vừa thực hành. Thực tập càng nhiều thì càng dễ dàng cho công việc sau này.

Em đang học lớp 12, học tốt các môn khoa học tự nhiên, muốn thi vào ĐH Bách Khoa. Nhưng bố mẹ cháu lại muốn cháu thi vào Khoa Luật, ĐH Quốc gia vì cả nhà cháu đều làm bên ngành Luật. Bố mẹ nói rằng học Luật dễ xin việc làm hơn và có thể làm trái nghề. Em đang phân vân không biết chọn ngành nào. Xin anh chị cho em lời khuyên. Bùi Đức Tiến, Hà Nội

Thật khó để cho bạn một lời khuyên. Bố mẹ bạn nói rằng học Luật sẽ dễ kiếm việc làm, bởi gia đình bạn đã có truyền thống làm trong ngành Luật, các mối quan hệ, quen biết của gia đình bạn ở lĩnh vực này cũng khá nhiều. Trong thực tế, đây cũng là điều khá quan trọng, hỗ trợ bạn đắc lực khi tốt nghiệp ĐH và muốn tìm việc làm.

Tuy nhiên, việc chọn ngành học, quyết định tương lai của mình cũng hẳn dựa vào ngành nghề truyền thống của gia đình. Bạn chọn ngành học theo sở thích và hoàn cảnh của mình thì sẽ khó cảm thấy chán nản, bỏ ngang sau này. Học tốt các môn khoa học tự nhiên là một trong những điều kiện để có thể thi đỗ ĐH Bách khoa và theo nghề. Tuy nhiên, khi đang lưỡng lự như vậy, bạn có thể tìm hiểu kỹ không những về việc học mà còn quá trình tìm việc sau này, phát triển khả năng của mình nữa.

Nếu quan niệm chọn nghề của bố mẹ khác với bạn, bạn có thể nhẹ nhàng thuyết phục bố mẹ. Bạn phải thích thì mới có hứng thú học và học tốt được.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật với ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp thì em sẽ được bằng kỹ sư chứ ạ? Và bằng của trường này có giá trị thế nào so với bằng kỹ sư của trường ĐH Bách Khoa? Huỳnh Tấn Hùng, Quảng Nam

Tốt nghiệp ngành này, bạn sẽ có bằng kỹ sư. Hiện nay, tấm bằng không còn quan trọng lắm. Kiến thức, khả năng tiếp nhận công việc, khả năng học hỏi, tiếp thu kiến thức mới...được đánh giá cao hơn. Các công ty tuyển dụng cũng đang có xu hướng không tuyển nhân viên dựa trên bằng cấp hay tên trường nữa mà căn cứ vào thực lực của ứng viên.

Chào các anh chị, xin các anh chị cho biết về trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đào tạo như thế nào ạ? Nguyễn Thu Thúy, Yên Thành, Nghệ An

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đào tạo cả ĐH, CĐ, hệ có bằng nghề 3/7. Với các ngành nghề như Kỹ thuật điện-điện tử, Điện khí hoá-cung cấp điện, Cơ khí chế tạo máy, Kỹ thuật công nghiệp, Cơ điện tử, Công nghệ tự động, Công nghệ thực phẩm...thi khối A; Thiết kế thời trang (khối V) và khối K dành cho hệ có bằng nghề 3/7. Đúng như tên gọi của trường, học ĐH Sư phạm Kỹ thuật ra, bạn có thể trở thành giảng viên các ngành kỹ thuật hoặc đi làm những ngành nghề mình đã được học.

Cho em hỏi, ngành công nghệ sinh học sau này ra trường công việc chính là làm gì? Và cả nước có bao nhiều trường đào tạo ngành này? Trần Đức Quý, Sơn Trà, Đà Nẵng

Ngành Công nghệ sinh học trang bị cho SV những kiến thức về  sinh học, các kỹ thuật gen, công nghế tế bào, công nghệ vi sinh vật, có chuyên môn sâu về các lĩnh vực: Công nghệ Sinh học Nông nghiệp và Thủy sản, Công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch...

Sinh viên ra trường có thể công tác tại các viện kiểm nghiệm, viện nghiên cứu y dược, viện nghiên cứu về thú y, viện công nghệ sau thu hoạch; các cơ quan y tế; cơ quan thú y, bệnh viện, xí nghiệp dược, các công ty bảo quản và chế biến thực phẩm, các công ty chế biến nông lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi sinh… hoặc tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường. Ngành CNSH đang có một thị trường lớn tại VN và trên thế giới. Các sản phẩm như con cá, con tôm, trái cây, rau, hoa…Việt Nam đang được tiêu thụ và xuất khẩu mạnh ra nước ngoài. Vai trò của các Kỹ sư CNSH, vì thế, ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng.

Trong 10 năm qua, các Kỹ sư CNSH tốt nghiệp đã có việc làm ở các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý và cơ quan đào tạo như: Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Sở nông nghiệp và Sở Khoa học CN - Môi trường các địa phương, trường Trung học lương thực thực phẩm, các Xí nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, Công ty thực phẩm Vissan, Công ty Nam Phong, Công ty sữa Vinamilk,..

Tại Hà Nội, ngành CNSH được đào tạo tại các trường: ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hồng Đức, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông nghiệp I, ĐH Bách Khoa

Tại TP.HCM có các trường: ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), ĐH Mở bán công TP.HCM, ĐH bán công Tôn Đức Thắng, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐHDL Văn Lang.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay em thấy các trường ĐHDL phía Nam đang mở rộng quy mô đào tạo và quảng bá về trường của mình rất rầm rộ. Nhưng theo em biết, đầu vào của các trường này rất thấp, có khi là dưới điểm sàn, như thế chất lượng đào tạo sẽ như thế nào? Liệu năm nay còn tình trạng này không? Võ Ngân, Quảng Bình

Trường nào cũng thế, phải tuyển sinh theo quy định điểm sàn của Bộ đã ra, vì thế không thể có các trường DL tuyển thí sinh dưới điểm sàn được. Đến nay, thí sinh còn chưa làm hồ sơ thi ĐH, nên không thể biết trước điểm tuyển sinh sẽ thế nào. Tuy nhiên, như mọi năm, nhiều trường ĐHDL ở phía Nam lấy điểm đầu vào bằng với điểm sàn.

Em xin hỏi, đào tạo tín chỉ là như thế nào? Nguyễn Hữu Thịnh, Thái Bình

Đào tạo tín chỉ được hiểu nôm na là, người học được tự do quyết định thời gian học cho mình. Một học kỳ bạn có thể đăng ký học nhiều hay ít tín chỉ để rút ngắn hay kéo dài thời gian học ra. Bạn có thể đăng ký lịch học phù hợp với thời gian biểu của mình. Hay bạn có thể học một lúc hai ba chương trình, miễn là bạn kham nổi. Bạn có thể xem chi tiết tại: /giaoduc/2006/02/542990

Trường ĐH Luật Tp.HCM có đào tạo hệ CĐ không ạ? Đặng Đình Đạo, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Trường ĐH Luật TP.HCM không có đào tạo hệ CĐ.

Mọi thắc mắc khác về tuyển sinh, các bạn có thể gửi email về VietNamNet theo địa chỉ: bangiaoduc@vasc.com.vn 

  • Nhóm phóng viên giáo dục

Toàn cảnh tuyển sinh 2006