Chủ tịch ĐH Harvard, Lawrence H. Summers, từng được ca ngợi là "người lãnh đạo chỉ xuất hiện một lần trong một thế kỷ" đã tuyên bố hôm 21/2 rằng ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ làm chủ tịch vào cuối năm học 2005-2006.
![]() |
Lawrence H. Summers |
Theo đề nghị của Hội đồng điều hành nhà trường, Derek Bok, Chủ tịch của Harvard từ năm 1971 tới năm 1991 đã đồng ý làm Chủ tịch lâm thời của Harvard từ ngày 1/7 cho tới khi tìm được một vị chủ tịch mới.
Bok nói: ''Tôi sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện đề nghị của Hội đồng nhà trường. Harvard là nơi tôi quan tâm nhất và tôi sẽ nỗ lực để hợp tác với các đồng nghiệp nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự trong thời kỳ chuyển tiếp này''.
Mặc dù Harvard đã thương lượng một chức giáo sư dành cho TS Summers - vị trí cao nhất, với quyền dạy ở mọi trường, nhưng bạn bè ông nói rằng họ không biết liệu Summers có nhận chức này hay không. Theo họ, kỳ nghỉ phép trong năm tới có thể là dịp để ông xem xét các cơ hội lựa chọn, trong đó có thị trường phố Wall hoặc khả năng làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ.
Tờ Công báo ĐH Harvard cho hay Summers dự định trở lại Harvard để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học thuật về kinh tế học, chính sách công và các vấn đề quốc tế.
TS Summers, 51 tuổi, nhận chức chủ tịch Harvard cách đây 5 năm với mức lương cơ bản 563.000 đôla trong năm học 2004-2005 và được tăng lương 3% vào tháng 7 năm ngoái, sẽ ngừng giữ chức chủ tịch vào ngày 30/6.
Trong những ngày đầu mới nhận chức, ông được ca ngợi là người lãnh đạo chỉ xuất hiện một lần trong một thế kỷ, có lẽ gần giống với vị chủ tịch vĩ đại nhất của Harvard, Charles W. Eliot.
Theo Công báo ĐH Harvard, kể từ khi nhậm chức cách đây 5 năm, Summers đã nỗ lực không mệt mỏi chỉ đạo tiến hành các sáng kiến đổi mới trong nhiều lĩnh vực học thuật và mở rộng mạnh mẽ chương trình nghị sự quốc tế của Harvard. Dưới sự lãnh đạo của ông, Harvard đã mở rộng cánh cửa cho nhiều sinh viên hơn từ các gia đình có thu nhập thấp. Đồng thời, Harvard cũng tăng cường hỗ trợ tài chính cho các sinh viên và nghiên cứu sinh theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công cộng
Ngoài ra, các trường của Harvard cũng lớn mạnh hơn. Trường đã tiến hành đầu tư lớn cho nhiều cơ sở mới và tiến những bước vững chắc đầu tiên trong việc xây dựng khuôn viên mở rộng của Harvard tại Alleton.
Các giáo sư "mếch lòng"
Những nỗ lực và đóng góp của ông Summers là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nguyên nhân nào dẫn tới sự từ chức của ông Summers?
Theo tờ The NewYork Times, cuối cùng ông lại không được lòng các giáo sư bởi cái tính mà nhiều người coi là bắt nạt và ngạo mạn. Mong muốn của Summers là thay đổi văn hoá của Harvard - ông nhìn nhận văn hoá của Harvard là tự mãn. Đi kèm với mong muốn đó là sự coi thường đối với một số thành viên ở các trường và những sai lầm. Chẳng hạn như tuyên bố năm ngoái của ông: phụ nữ có thể thiếu khả năng tự nhiên về toán học và khoa học. Một số quyết định lớn của ông, trong đó có việc cải cách giáo trình giảng dạy, bổ nhiệm hiệu trưởng các trường và thiết kế một khuôn viên mới, đã gây chia rẽ lớn tại trường ĐH 370 tuổi này.
TS Summers cũng làm một số người khó chịu với phong cách phù hợp với Washington hơn là với Cambridge. Ông được đưa đón trong một chiếc limousine đen có biển số 1636 - năm thành lập Harvard. Trái lại, TS Bok lại lái chiếc xe Volkswagen. Và TS Summers đã từng thuê cố vấn quan hệ công chúng riêng, người đã làm việc cho Thủ tướng Anh Tony Blair.
Ngày 14/1/2005 các thành viên của Trường Nghệ thuật và khoa học - trường lớn nhất ở Harvard - đã bỏ phiếu bày tỏ sự thiếu sự tin tưởng vào việc lãnh đạo của ông Summer. Theo Nhật báo sinh viên Harvard (Harvard Crimson), hành động này tương đương cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Trường cũng thông qua một bản kiến nghị thứ hai, lấy làm tiếc về những nhận xét hôm 14/1 của ông Summers về phụ nữ trong khoa học cũng như một số khía cạnh trong phương pháp quản lý của vị chủ tịch này. Tờ Crimson có đoạn: ''Hai kiến nghị không ràng buộc nói trên, độc nhất vô nhị trong lịch sử Harvard, hoàn toàn là những hành động mang tính biểu tượng. Chỉ có hội đồng điều hành của Harvard mới có thể buộc ông Summers từ chức''.
Hôm 14/2/2006, tờ The New York Times đưa tin: ''Một năm sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Trường Nghệ thuật và khoa học có nhiều ảnh hưởng, Chủ tịch ĐH Harvard, Lawrence H. Summers lại đang đối mặt với một thử thách nữa từ các thành viên của trường này, làm dấy lên những câu hỏi về khả năng kiểm soát của ông đối với Harvard và khả năng giữ chiếc ghế chủ tịch...
...Mẫu thuẫn mới nhất bắt đầu từ tuyên bố đột ngột vào cuối tháng trước rằng William C. Kirby, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật và Khoa học - trường lớn nhất của Harvard - sẽ từ chức vào mùa hè. Ông Kirby - một giáo sư về sử học Trung Quốc, cho biết quyết định từ bỏ chức vụ hiệu trưởng đạt được sau khi đã thảo luận với ông Summers. Tuy nhiên, nhiều giáo sư cho biết họ coi đó là sự từ chức cưỡng ép, một phần là do tờ Harvard Crimson đã trích lời các quan chức giấu tên của Harvard rằng ông Summers đã đẩy ông Kirby tới quyết định này''.
Harvard cần chủ tịch có tầm nhìn táo bạo
Được biết, Trường Khoa học và nghệ thuật nhiều ảnh hưởng dự định tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần hai đối với ông Summers vào thứ ba tuần tới.
Nhiều giáo sư cho biết họ rất tức giận trước những gợi ý của những người ủng hộ TS Summers rằng ông Summers đã buộc phải từ chức bởi Trường Nghệ thuật và Khoa học không khoan nhượng.
Harry R. Lewis, GS khoa học máy tính đồng thời là Giám đốc Harvard College, đã từ chức vào năm 2003 sau khi thường xuyên bất đồng với TS Summers. Lewis nói: ''Mặc dù có tài nhưng ông Summers vẫn chưa đưa ra được kiểu lãnh đạo mà mọi người sẵn sàng đi theo''.
Mary C. Waters, một giáo sư xã hội học bổ sung: ''Một nhà lãnh đạo mạnh không chỉ là một người có thể vạch ra mục tiêu hoặc buộc tạo ra sự thay đổi, mà là một người có thể khơi dậy mặt mạnh nhất ở mọi người và tìm cách khuyến khích cách làm việc theo nhóm''.
Michael J. Sandel, một vị giáo sư về quản lý, cho biết: ''Tôi hy vọng mọi người không rút ra kết luật từ sự việc này rằng các chủ tịch của Harvard phải là những người thận trọng và câm lặng. Harvard hiện cần một vị chủ tịch xông xáo, có tầm nhìn táo bạo, cùng với khả năng thúc đẩy những người khác chung tay thực hiện tầm nhìn đó''.
Hôm 21/2, The NewYork Times lại đưa tin: Quyết định từ chức của TS Summers được đưa ra ba tuần sau khi GS Kirby, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật và Khoa học, từ chức và quyết định đó đã gây chia rẽ tại Harvard.
"Summers, hãy ở lại''
Tuy nhiên, ông Summers lại rất được lòng sinh viên, có lẽ do những chính sách tốt của ông. Theo kết quả thăm dò cuối tuần của tờ Harvard Crimson, tỷ lệ sinh viên ủng hộ ông là 3/1.
Khoảng 50 sinh viên vẫy những khẩu hiệu mang dòng chữ: ''Hãy ở lại, Summers, hãy ở lại'' tại sân trường Harvard. Cùng lúc, nhiều nhà tài trợ chính cho biết họ kinh ngạc trước sự sụp đổ của ông Summers. Joseph O'Donnell - một giám đốc ở Boston, đồng thời là một cựu uỷ viên thuộc Hội đồng giám sát ở Harvard và cũng là một nhà tài trợ chính, cho biết: ''Làm sao một cá nhân có thể lãnh đạo được một trường ĐH nơi một nhóm các nhỏ các thành viên của một trường có thể lật nhào một vị chủ tịch?''
Josh Downer, sinh viên 19 tuổi, người tập trung ở sân Harvard để ủng hộ ông Summers hôm 21/1, tin rằng các cán bộ giảng dạy tức giận đã lật đổ ông Summer. ''Các cán bộ này tức giận bởi ngài chủ tịch đưa ra một chương trình nghị sự táo bạo, không đúng ý của họ''.
Bruce Alberts, một uỷ viên của Hội đồng giám sát ĐH Harvard nói: ''Rất khó để người trưởng thành thay đổi tính cách và Harvard cần một người có thể lôi kéo được mọi cán bộ giảng dạy và các trường hợp tác với nhau vì uy tín của Harvard''.
Minh Sơn (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn:
▪ Hội thảo học cao đẳng và dạy nghề tại Australia (21/02/2006)
▪ TP.HCM: 70 giáo viên thi dạy giỏi ngành giáo dục thường xuyên (22/02/2006)
▪ Những con số "giật mình": Hai điều lo ngại! (21/02/2006)
▪ ĐH An Giang dự kiến mở 4 ngành mới (21/02/2006)
▪ Thi trường này, học trường khác: Có được không? (21/02/2006)
▪ 10 ngành học thời thượng tại Mỹ (21/02/2006)
▪ Nữ sinh uống rượu (21/02/2006)
▪ Nhu cầu học MBA tăng vọt (22/02/2006)
▪ "Cần thêm ít nhất 50 TS Toán mỗi năm" (22/02/2006)
▪ Tin vắn ngày 18/2 (18/02/2006)