“Chương trình và SGK của mình chẳng giống nước nào cả”
Các Website khác - 31/10/2007
GS Nguyễn Lân Dũng.

Trong phát biểu của mình tại Quốc hội sáng 30/10, ông cho rằng, phải xem lại nhận định “Chương trình, sách giáo khoa của ta hiện nay là tốt và có thể ổn định lâu dài”?

Đó là lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (tại kì họp trước - PV) và tôi không đồng ý. Qua thực tế cho thấy, chương trình đào tạo và sách giáo khoa của mình chẳng giống nước nào cả. Tôi nói riêng về sinh vật, tôi không dám nói sang các lĩnh vực khác.

Chẳng hạn như một nước rất nghèo, 1 trong 49 nước nghèo nhất thế giới là Nepan, họ quan niệm như thế này: Hết 10 năm THCS là coi như xong kiến thức cơ bản; cấp 3 chỉ có 2 năm thôi, là lớp 11, 12 và họ phân ban. Họ chia ra ba ban: ban khoa học xã hội, ban quản trị kinh doanh và ban khoa học tự nhiên.

Mỗi ban học có 4 môn thôi. Thí dụ ban khoa học tự nhiên lại chia hai phân ban: sinh vật và vật lí. Sinh vật để đi vào nông nghiệp và y học, vật lí đi vào công nghiệp. Ban sinh vật chỉ học sinh học, toán, hoá, tin học. Còn ban vật lí chỉ bỏ sinh học thay bằng vật lí còn các môn kia vẫn như thế. Bạn nhìn cái quyển sách gần 700 trang của họ thì thấy rằng cần gì phải học thêm nữa, nội dung cao như thế rồi.

Thứ hai, họ chuẩn bị tiếng Anh từ tiểu học cho nên đi ra nước ngoài, các trường nhận ngay lập tức, đi lao động cũng nhận ngay lập tức vì trình độ quá tốt. Mà với trình độ như thế thì họ trả lương cao và với trình độ học sinh giỏi như thế thì phần lớn là học lên thạc sĩ tiến sĩ. Vì nước họ rất nghèo cho nên họ đi công tác cho các tổ chức quốc tế. Ở Việt Nam đầy các chuyên gia Nepan.

Như vậy, theo ông không thể nói chương trình và sách giáo khoa hiện nay có tính ổn định lâu dài?

Tôi cho rằng, cần phải lấy ý kiến của Quốc hội về chương trình còn SGK tôi không quan tâm. Cần phải sửa lại Luật Giáo dục, SGK không bao giờ là của nhà nước. Không có nước nào SGK là của nhà nước, không bao giờ SGK là độc quyền.

SGK là của các tập thể người viết, các nhà xuất bản tư nhân. Tôi ví SGK như thuốc đánh răng, thuốc đánh răng không phải ai làm cũng được, phải có tiêu chí của Bộ Y tế. Thế nào là thuốc đánh răng, có tiêu chuẩn của nó chứ, nhưng tôi thích loại này loại kia là việc của tôi. SGK cũng thế, ai soạn SGK phù hợp với chương trình thì người ta mua. Trên thị trường thế giới, SGK rất nhiều, quyển nào hay thì người ta chọn.

Nhưng chương trình rất quan trọng. Không có lí gì trẻ em Việt Nam bằng tuổi với trẻ em nước ngoài, số năm học bằng số năm học của trẻ em nước ngoài, trí thông minh không thua kém trẻ em nước ngoài? Tại sao chúng ta không học được chương trình gần giống như chương trình của nước ngoài? Một nước nghèo như Nepan họ làm được chương trình như Hoa Kì, tại sao chúng ta không làm được?

Hệ quả của chương trình như ông phân tích là rất khó cho vấn đề hội nhập?

Tôi lo lắng là không hội nhập được. Trí tuệ của học sinh Việt Nam rất khá, vậy mà gửi người đi học quá khó bởi vì tiếng Anh quá kém và kiến thức cơ bản chênh lệch quá nhiều. Chưa kể, học sinh bây giờ học 10 năm, trong khi ngày xưa chúng tôi học có 9 năm mà kiến thức phổ thông của chúng tôi có kém đâu. Thế nên phải làm thế nào để 10 năm là đủ kiến thức phổ thông rồi lớp 11, 12 nên học theo cách Nepan, học sâu để chuẩn bị vào đại học.  

Trong phát biểu của mình, ông cũng cho rằng, chương trình đào tạo 2 vạn tiến sĩ phải xem lại?

Tôi cho đó là quyết tâm của ngành giáo dục và nó hợp lí ở chỗ, hiện nay có 15% giảng viên đại học là tiến sĩ. Phải đạo tạo nhanh tiến sĩ nhưng với điều kiện là tiến sĩ cho thoả đáng. Tôi lo ngại, một nửa đào tạo tại Việt Nam, trong khi hầu hết các giáo sư đã về nghỉ hưu. Cho nên muốn làm được điều đó phải cố gắng hết sức, cụ thể là phải mời các giáo sư đã về hưu trở lại làm việc và phải đầu tư tích cực cho các phòng thí nghiệm các trường đại học.

Chúng ta không thể đào tạo tiến sĩ bằng các luận án “chay” được, mà phải có phòng thí nghiệm. Muốn làm được điều đó thì rất tốt nhưng phải đầu tư cho các phòng thí nghiệm của các trường đại học. Những trường đại học trọng điểm phải đầu tư phòng thí nghiệm đến nơi đến chốn thì khi đó mới có thể đào tạo tiến sĩ được. Tôi mong dự án đó có thể thực hiện được, nhưng không dễ dàng gì mà phải đầu tư đến nơi đến chốn.

Cảm ơn ông! 

Cấn Cường
(Thực hiện)