Tôi không muốn đưa ra một sự so sánh giữa những tiện nghi hiện đại mà chỉ muốn nói đến một thứ "văn hóa thư viện" trong ý thức của một số bạn đọc SV ở thư viện ĐH hiện nay.
Chuyện ăn mặc
Tôi cho rằng thư viện là một giảng đường để bạn tự học, vậy khi lên giảng đường, bạn phải ăn mặc ra sao? Tôi hiểu, mỗi người có quyền tự do cá nhân trong chuyện ăn mặc nhưng thư viện không phải là sàn diễn!
Có những lần cả phòng đọc yên tĩnh, tiếng giày cao gót nện trên nền đá hoa như những tiếng búa bổ vào tai nhưng "tác giả" lại lấy làm vui vì có nhiều tiếng "chẹp miệng" thay cho câu nói "vô duyên". Có nhiều bạn sinh viên còn mặc quần áo ngủ lên thư viện, vào những ngày hè oi bức thì đủ loại từ quần cộc cho đến áo hai dây...
Nếu có làm lao công thư viện mới thấy sinh viên đi thư viện thời gian ăn còn nhiều hơn học với lượng rác thải nhét trong ngăn bàn! Những hộc bàn đồng nghĩa với thùng rác công cộng mà bất cứ ai cũng có thể bỏ vào đó. Tại thư viện của một số trường ở Anh, Hà Lan, Cộng hòa Czech tôi thấy những dấu hiệu cấm ăn, uống trong thư viện, nếu ai muốn ăn thì phải ra ngoài và có ý thức bỏ rác vào đúng nơi quy định...
Ý thức bảo vệ của công
Tôi cũng phải thừa nhận ở thư viện không ít những thủ thư khó tính nhưng nhìn chung họ đều tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên. Vậy mà có không ít sinh viên đặt cái phiếu yêu cầu thật mạnh trước mặt thủ thư, không nói không rằng; khi mượn được sách có khi một câu cảm ơn cũng quên, khi không mượn được thì phản ứng dễ thấy là chẹp miệng, bĩu môi hoặc tỏ thái độ khó chịu "chắc là thủ thư lười nên gây khó dễ!". Không những bạn đọc sinh viên mà ngay cả những học viên sau đại học cũng có thái độ như vậy.
Có những cuốn sách như những "cuốn nhật ký bạn đọc" vì có đủ loại ngày tháng, chữ ký, nhận xét, thậm chí... tranh luận với tác giả (điều này, tôi không hề thấy trong các cuốn sách của thư viện đại học nước ngoài).
Đấy là chưa kể đến đủ loại kiểu chữ, thơ phú, tâm trạng... được thể hiện trên bàn, ghế, tủ tra cứu, trên cánh cửa và tường. Thủ thư nhắc nhở không xuể chuyện sinh viên không được vắt chân lên bàn hoặc ngồi chồm hổm trên cái ghế đệm xoay. Những dãy ghế sofa nệm mút ngoài hành lang của thư viện đã được biến thành một loại giường nệm lý tưởng để nằm dài lên đó thư giãn.
Thậm chí trong những ngày nắng nóng, lướt qua các phòng đọc sách đông nghịt vẫn có không ít những sinh viên lên thư viện không phải để học mà để... ngủ.
Chuyện tra cứu tài liệu qua internet là thiết thực và bổ ích, nhưng nếu làm một cuộc điều tra số lượt và mục đích sử dụng khi vào tra cứu internet để phục vụ việc học tập của các bạn đọc thì quả thật bất ngờ! Số phần trăm ấy không nhiều, có người vào phòng internet của thư viện còn mở trang web có nội dung xấu hoặc chỉ để nghe nhạc hoặc chat vì... miễn phí mà! Đó là chưa kể đến chuông điện thoại di động, đến những góc khuất "thư viện là nơi hò hẹn"...
Đối với tôi, thư viện đại học có thể nói cũng là một tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo của trường đại học đó. Một trường đại học danh tiếng (dù chỉ là danh tiếng trong nước) không thể để tồn tại một thư viện tồi tàn về cơ sở vật chất như các trang thiết bị máy móc, số đầu sách, bàn ghế, phòng ốc...; nghèo nàn về sơ sở dữ liệu; thiếu sáng tạo trong quản lý và chất lượng phục vụ.
(Theo Phạm Thị Bền - Hà Lan/Thanh Niên)
Mời các bạn trao đổi về vấn đề mà bài viết đặt ra:
▪ Hơn 200 học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó (07/11/2005)
▪ Học bổng của Học viện Nghệ thuật Singapore (07/11/2005)
▪ TP.HCM: hội thi “Nét đẹp phấn trắng” (07/11/2005)
▪ Thi khảo sát trắc nghiệm đợt 2 tại Lâm Đồng: Rút ra được nhiều điều (07/11/2005)
▪ Học 2 buổi/ngày: Con cực, cha mẹ khổ (06/11/2005)
▪ Tạo sức ép cho thầy (04/11/2005)
▪ Tư nhân sẽ quản lý các trường công lập yếu kém (04/11/2005)
▪ Tháng 11: 9 tỉnh thí điểm thi thử trắc nghiệm (04/11/2005)
▪ Sinh viên tự học ở nhà chưa đến 3 giờ/tuần/môn (05/11/2005)
▪ 6 HS tiểu học VN thi Olympic quốc tế 2005 (05/11/2005)