Đại học thích nghi cao với xã hội - Sao không!?
Các Website khác - 13/12/2005

Giải đáp bài toán hiệu quả chưa cao của các công trình nghiên cứu khoa học, các ĐH đã dẫn chứng khá nhiều lý do: Nhà khoa học chưa tiếp cận nhiều với thực tế cuộc sống, sở hữu trí tuệ không được thực thi, cơ sở vật chất nghèo nàn, cơ chế quản lý khoa học yếu kém..Tất cả các lý do trên đều đúng! Tuy nhiên, trên tất cả, dư luận xã hội đang mong chờ một tư duy mới của các ĐH trong bối cảnh kinh tế thị trường và yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Soạn: AM 648511 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sinh viên Khoa Hóa sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM trong giờ thực tập tại phòng thí nghiệm

Chúng tôi đồng tình với suy nghĩ của GS-TS Hoàng Bá Chư, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: Thực tế đang đòi hỏi các ĐH không chỉ năng động trong việc phát huy tiềm lực, không ngừng nâng cao công nghệ, tìm kiếm địa chỉ sử dụng sản phẩm khoa học - công nghệ (KH- CN), mà còn phải chủ động, linh hoạt điều tiết nội dung hoạt động để bảo đảm tính thích nghi cao trước mọi biến động có thể của môi trường kinh tế - xã hội.

Công trình nghiên cứu còn “là đà”, chưa tiếp đất!

GS-TS Hoàng Bá Chư phân tích tiếp: ĐH của chúng ta tồn tại các nhược điểm: Thiếu kinh nghiệm thực tế về sản xuất và quản lý; thiếu địa bàn thí nghiệm, thiết bị và vốn; thiếu quan điểm kinh tế thị trường, do đó rất dễ tìm kiếm trình độ kỹ thuật cao không phù hợp và xem nhẹ giá thành sản phẩm, tính thực dụng và nhiều kết quả nghiên cứu khó chuyển thành sức sản xuất. Hiện nay, ngay tại ĐH Bách khoa Hà Nội, mới có khoảng 30% - 40% các đề tài có xu hướng liên quan đến thực tế cuộc sống. Nhưng, ngay trong số này sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa chỉ đạt 25% - 30%, tức chỉ đạt tỉ lệ khoảng 10% trên tổng tỉ lệ biến sản phẩm nghiên cứu thành sản phẩm thương mại.

Nghiên cứu nhu cầu thị trường, các nhà khoa học thường không mạnh về mặt này. Do đó, theo PGS-TS Bùi Cách Tuyến, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhiều khi sản phẩm của nghiên cứu làm ra có hiệu quả về mặt kỹ thuật, nhưng thị trường không chấp nhận, vì không đưa lại hiệu quả kinh tế. Nhiều nhiệm vụ KH-CN trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng bị thất bại về thị trường đành phải dừng lại sau khi nghiệm thu.

Đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) manh mún cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến công trình nghiên cứu không gắn với thực tiễn cuộc sống. TS Nguyễn Kim Lan, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, đưa ra một góc nhìn khác: Số lượng đề tài mỗi năm còn lớn. Do đó có nhiều đề tài nhỏ. Điều này đã dẫn đến có ít chương trình- mục tiêu sản phẩm nghiên cứu lớn, để có sản phẩm cuối cùng hoàn thiện, có giá trị có thể chuyển giao hoặc thương mại hóa. Các đề tài nhỏ chỉ đặt ra mục tiêu bé, giải quyết một mặt, một khía cạnh,... trở thành rời rạc, không gắn kết, không có cách nhìn và sự quản lý tổng quát, hệ thống... chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của SXKD. Và dĩ nhiên bà cũng thừa nhận: Cũng còn không ít cán bộ nghiên cứu chưa thực sự thâm nhập, hoặc còn ngại lao vào thực tế xã hội, thực tế SXKD ở mạng lưới. Do đó, vẫn có những đề tài ít có tính thực tiễn, chưa đáp ứng nhu cầu SXKD.

“Oan ơi...!”, khi sở hữu trí tuệ không được... bảo vệ!?

Rất nhiều nhà khoa học đã kêu “oan” khi các bản quyền NCKH của họ không được bảo vệ.

PGS-TS Bùi Cách Tuyến bức xúc kể lại: GS David Little giảng dạy tại Khoa Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm - Viện Công nghệ châu Á (AIT) tại Bangkok, GS đã thử nghiệm sản xuất cá rô phi toàn đực và ứng dụng trong điều kiện Thái Lan. GS đã tổ chức cuộc hội thảo này tại AIT, các cơ quan VN có cử người tham dự như: ĐH Nông Lâm TPHCM, Viện Nghiên cứu Thủy sản 1, ĐH Cần Thơ. Sau đó, ThS Nguyễn Văn Tư (Phó trưởng Khoa Thủy sản ĐH Nông Lâm TPHCM) đã xin hỗ trợ kinh phí từ Sở KH-CN TPHCM để nghiên cứu quy trình sinh sản cá rô phi đơn tính trong điều kiện các tỉnh phía Nam và chuyển giao ra sản xuất (đồng thời Viện Nghiên cứu Thủy sản 1 triển khai ở phía Bắc). Sau đó một thời gian, mọi người đọc trên các báo thông tin cơ sở A, B, C... sản xuất thành công cá rô phi đơn tính, mà không hề nhắc nhở gì tới người hoặc cơ quan chuyển giao công nghệ. Thậm chí, gần đây trong một hội nghị khoa học về nghề cá, giám đốc một công ty sản xuất giống phát biểu tham luận làm cử tọa nghĩ rằng ông đã đưa ra được kỹ thuật sản xuất cá rô phi toàn đực!

Lãnh đạo Trường ĐH Thủy sản cũng than thở: Trong quá trình thực hiện dự án “Bọc tàu vỏ gỗ bằng vật liệu composit”, chúng tôi đã triển khai ở một số cơ sở đóng tàu tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Do phải thi công trong điều kiện ngoài trời, nhiều người tham quan tìm hiểu. Và chỉ sau một năm triển khai, quy trình công nghệ của chúng tôi đã bị sao chép.

Nhiều công trình NCKH chỉ chuyển giao một lần cho cơ sở và sau đó mất bản quyền. Việc sở hữu trí tuệ tại nước ta gần như bỏ ngỏ nên không gây được niềm tin cho nhà nghiên cứu - PGS-TS Nguyễn Đức Thuận, ĐH Bách Hà Nội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, còn một kiểu “mất bản quyền” khác là, các nhà khoa học có công trình nghiên cứu tham gia vào một dự án “vì lợi ích cộng đồng” nên đã cho không người dân. TS Bùi Văn Miên, ĐH Nông Lâm TPHCM, đưa ví dụ: Các nhà khoa học của ĐH Nông Lâm tham gia vào dự án của FAO (Tổ chức Lương Nông quốc tế) nghiên cứu thành công việc chế ngự sâu bọ dừa. Công trình này đã cứu được 10 triệu cây dừa từ Bình Định đến đồng bằng sông Cửu Long, song nhà khoa học không nhận được đồng nào từ người dân.

Cái vòng luẩn quẩn của cái nghèo và cơ chế!

Đó là chuyện “muôn thuở của ĐH VN! TS Chế Đình Lý, Trưởng Ban KH-CN ĐHQG TPHCM, nói về cái “vòng luẩn quẩn”: Trường ĐH lạc hậu thiết bị, thiếu quan tâm đầu tư => ĐH không thể hiện được khả năng đầu tàu trong đổi mới công nghệ => không được đầu tư KH-CN tương xứng => nghiên cứu không có địa chỉ áp dụng, không thực hiện phổ biến công nghệ mới thường xuyên, không đủ sức mở rộng đào tạo lại.

Chính vì vậy, theo PGS-TS Nguyễn Đức Thuận: Phần lớn các công nghệ cao của trường, các viện nghiên cứu đều chưa đủ khả năng vươn tới để cạnh tranh với công nghệ nhập ngoại. Chủ yếu việc triển khai ứng dụng đều là các công nghệ trung bình và thấp nên lợi nhuận đương nhiên không cao.

“Cái khó bó cái khôn”, các nhà khoa học của ĐH Nông nghiệp 1 cũng lên tiếng: Không ít kết quả nghiên cứu đã nghiệm thu có quy trình công nghệ mới, nhưng không có kinh phí để triển khai ứng dụng vào sản xuất mà chỉ được dùng làm tài liệu tham khảo, bổ sung cho bài giảng, giáo trình rất lãng phí.

Tuy nhiên, với cái vòng luẩn quẩn trên, nếu mong chờ một cây đũa thần mầu nhiệm về nguồn tài chính mạnh rót ngay cho các trường ĐH, sẽ mãi chỉ là chuyện cổ tích thần tiên. Mà rõ ràng, phải có một hướng đi khác nhằm tạo điều kiện mở cho các trường và nhà khoa học phát triển. Chúng tôi xin ghi lại ý kiến của GS-TS Đỗ Nguyên Phương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương: Hoạt động KH-CN trong các trường vẫn chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, thiếu sự chủ động sáng tạo của cơ sở, hiệu quả trong NCKH chưa cao. Thực trạng đó, trước hết là do trong công tác quản lý NCKH chưa có cơ chế phù hợp, chưa làm đúng chức năng quản lý Nhà nước, vẫn tồn tại cơ chế “xin cho”, thiếu công minh, không khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia NCKH. Chính sự tồn tại của cơ chế đó là bức tường cản trở tính năng động và hiệu quả của hoạt động NCKH trong các trường ĐH hiện nay ở nước ta.

Vâng, một cơ chế thực sự cởi trói cho các trường ĐH và nhà khoa học cũng là một tiếng kêu không hề nhỏ trong giới nghiên cứu.

(Theo Mai Lan - Phương Đông - Người lao động)