Hanoinet - Ngày 6/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và dự giờ ở 4 trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM. Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10) là nơi đầu tiên Phó Thủ tướng ghé thăm.
“Cần xây dựng trường học rất Việt Nam và rất quốc tế”. Đó là gửi gắm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến với thầy cô Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) khi Phó Thủ tướng đến thăm trường.
Ngày 6/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và dự giờ ở 4 trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM. Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10) là nơi đầu tiên Phó Thủ tướng ghé thăm.
| Phó Thủ tướng dự giờ tại Trường Lê Quý Đôn. Ảnh Đ.T | Phó Thủ tướng ngồi dự hết tiết học cùng với các em học sinh lớp 1, ông nhận xét: "Tuy mới trở thành học sinh lớp 1 hơn 1 tháng, nhưng các cháu học sinh rất trật tự và chủ động trong lớp học. Tất nhiên, nhà trường còn phải bồi dưỡng nhiều cho các cháu học sinh, để học sinh của chúng ta trở thành công dân Việt Nam và hội nhập được với thế giới". | Cùng học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản. Ảnh Đ.T | Đến với Trường THPT Quốc tế Việt Úc, Phó Thủ tướng đã đặt lên bàn Ban giám hiệu trường những vấn đề then chốt trong công tác đào tạo: Học sinh vừa học chương trình của nước ngoài vừa phải học chương trình của Bộ GD-ĐT như vậy có bị quá tải không? Đối với các môn học Văn, Sử, Địa học sinh trường quốc tế có cảm nhận như thế nào, học sinh có cảm thấy cần thiết phải học không? Học sinh có được tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khoá với chủ đề liên quan đến nền kinh tế, xã hội và văn hoá của Việt Nam không?...
Hiện nay, Trường THPT Quốc tế Việt Úc có 263 học sinh của các khối đang theo học. Đối với các môn học bắt buộc Văn, Sử, Địa thì nhà trường bố trí 4 tiết học/1 tuần. Học sinh của trường chỉ phải học 6 môn học (4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn). Môn Văn được xem như môn ngoại ngữ tiếng Việt và học sinh có thể chọn môn này là môn học tự chọn. Riêng các môn Sử, Địa nhà trường áp dụng phương pháp hiện đại, cập nhật thông tin mới để bài học trở nên sôi động hơn. Đặc biệt, ở hai môn học này, học sinh không phải học thuộc lòng mà chỉ được học để nhận định được vấn đề. | Phó Thủ tướng hỏi thăm sức học của HS Việt Nam. Ảnh Đ.T | Sau khi làm việc với Ban giám hiệu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến tham gia dự giờ một lớp học. Kết thúc tiết học, Phó Thủ tướng đã có trao đổi ngắn với thầy giáo người nước ngoài phụ trách lớp. "Học sinh rất dễ thương, tôi hài lòng với các em học sinh của mình. Tuy nhiên, tiếng Anh của các em còn kém", đó là câu trả lời của thầy giáo khi Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Phó Thủ tướng rất hài lòng khi tham dự một tiết học Tiếng Anh của HS Trường PHTP Lê Quý Đôn (Q.3). "Tôi rất vui mừng khi thấy thầy cô chuẩn bị tiết học khá sinh động. Trình độ của học sinh rất khá. Mặc dù không phải tất cả các trường đều như Lê Quý Đôn nhưng qua đây chúng ta cũng có niềm tin là từng bước nền giáo dục của chúng ta sẽ phát triển", ông nói. Đối với Trường THPT Lê Quý Đôn, Phó Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu "dạy làm người Việt Nam và hội nhập được với thế giới". Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh hướng đi của Trường Lê Quý Đôn là dạy đạo đức, ứng xử cho học sinh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lo lắng: "Dạy ứng xử cho học sinh chưa được phụ huynh quan tâm và xem đó là mục tiêu giáo dục. Điều mà phụ huynh quan tâm là con em mình vào đại học nào. Vì thế, nhà trường cần chủ động bồi dưỡng đạo đức cho học sinh đồng thời có sự đánh giá dựa trên những tiêu chí đạo đức. Nếu phụ huynh hiểu thì phụ huynh mới ủng hộ". Một môi trường giáo dục “rất Việt Nam và rất quốc tế” đã được Phó Thủ tướng định hướng cho thầy trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4). Sau khi đã đi tham quan ngôi trường mới Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhắn gửi đến các thầy cô: “Phải làm thế nào để đưa yếu tố văn hoá đến với học sinh đậm hơn và yếu tố quốc tế tốt hơn”. Trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng cho biết: “Chuyến công tác của Bộ GD-ĐT là muốn tìm hiểu thêm, cảm nhận rõ hơn điều kiện giáo dục của các trường. Và qua thực tế một số trường, chúng tôi cảm thấy yên tâm”. Theo VNN |