Học sinh rất mê môn Tin học vì sự hấp dẫn của nó |
Đến nay, các trường phổ thông tại các thành phố lớn hầu hết đã trang bị đầy đủ phòng máy, thậm chí nối mạng để đưa tin học vào học tập, giảng dạy nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập trong năng lực sử dụng và hiệu quả sử dụng.
Đây là vấn đề không chỉ các trường nên quan tâm mà chính những người viết phần mềm của Việt Nam cũng nên lưu ý.
Tin học chỉ để... thi nghề
Hiện nay ở nhiều trường, các em khối 10 được học các chương trình Tin học văn phòng, Word, Excel trong vòng 1 năm học và cuối năm sẽ tham dự kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức, lấy chứng nhận nghề phổ thông.
Như vậy, phòng máy tính của trường chỉ để phục vụ cho những học sinh "có nguy cơ trượt hoặc điểm thấp tốt nghiệp" đăng ký học vì với chứng nhận nghề nếu thi tốt nghiệp thiếu điểm sẽ được cộng điểm nghề để có cơ hội đủ tốt nghiệp. Ngoài những giờ học đó ra, những chiếc máy tính đầy "nội lực" kia không còn "sô" nào khác.
Thầy Trương Phi Hiển, Hiệu phó Trường THPT Gò Vấp (TP.HCM) cho biết: "Chúng tôi cũng đang mở ra phương án nối mạng, cài những chương trình học ngoại ngữ cho 2 lớp tăng cường tiếng Anh để tận dụng hết số máy này. Sở cũng đã có quy định phải "xóa mù tin học" cho giáo viên cho nên những dịp hè, 2 phòng máy đó sẽ là nơi để giáo viên trong trường học cách soạn thảo văn bản, soạn giáo án điện tử...".
Thiếu những phần mềm dành cho giáo dục
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM năm học 2004 - 2005, tại TP.HCM bậc THCS có 238 trường thì 148 trường dạy môn Tin học, bậc THPT có 108 trường thì môn Tin học được dạy ở 74 trường.
Có những trường trang bị đến 5 phòng máy với tổng số máy lên tới 200 máy như Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có 4 phòng máy với 170 máy tính, các trường THPT Bùi Thị Xuân, THPT Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng tương đương như vậy.
Đặc biệt, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng có 750 học sinh thì có tới 250 máy tính. Mỗi phòng học của trường có một máy tính nối mạng, một màn hình lớn và máy chiếu Plasma Monitor 42 "siêu mỏng" dành cho giáo án điện tử. Ngoài ra còn có những phòng Multimedia, thư viện điện tử, phòng internet...
Những con số này cho thấy có nhiều trường đã dám đầu tư mạnh vào những trang thiết bị hiện đại có khả năng hỗ trợ đáng kể cho việc giảng dạy và học tập này.
Tuy nhiên, theo thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), hiện có đến 80% học sinh của trường có máy tính và cả nối mạng ở nhà nên các em cũng không có nhu cầu sử dụng máy ở trường nhiều. Hơn nữa "thi như thế nào, dạy và học thế đó" nên máy tính của trường cũng không phát huy hết được tác dụng và thầy trò cũng không phát huy được khả năng sáng tạo của mình...".
Một vấn đề quan trọng là phần mềm dành cho giáo dục phổ thông ở nước ta quá thiếu. Hiện nay, Bộ cũng chưa chủ trì về việc sản xuất những phần mềm phù hợp với các chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa để đưa vào trường học.
Như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cách đây 10 năm đã phải mua một phần mềm Hóa học của nước ngoài với giá 2 - 3 ngàn USD/phần mềm, trang bị hàng tỉ đồng cho phòng Hóa - Tin (chỉ gồm 24 em) làm những thí nghiệm ảo trên máy.
Để không chỉ dừng lại ở mức độ trang bị
Giáo án điện tử là một cách để tận dụng phương tiện máy tính trong nhà trường, nhưng cũng chưa có sự thống nhất cụ thể như soạn giáo án như thế nào, sử dụng ra sao, thời gian sử dụng cho phần giảng, phần phụ lục... để tiết học sao cho thật hiệu quả.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng tận dụng máy tính hỗ trợ việc dạy và học. Ví dụ, học đến tác phẩm Hịch tướng sĩ sẽ có giáo án điện tử gồm văn bản và hình ảnh rất sinh động chiếu lên màn hình lớn; học đến sử thi Hy Lạp, học sinh được mang những bộ phim như Cuộc chiến thành Troy vào xem để hiểu rõ hơn về tác phẩm sử thi.
Nhưng cái đọng lại trong học sinh là bộ phim hay bài giảng? Có khi các em ngồi vào máy, thầy "sơ ý" một cái là các em... chat lén, chơi game. Đó là vấn đề mà các thầy cô phải biết kết hợp thật khéo léo và quản lý chặt mới tạo được hiệu quả nhất định.
Muốn như vậy, các trường phải có một đội ngũ giáo viên công nghệ thông tin đủ năng lực để phát triển môn tin học trong nhà trường vì tin học chính là nền tảng quan trọng để sau này bạn trẻ làm việc năng động, chuyên nghiệp.
Hiện nay, số giáo viên có trình độ đại học chuyên tin còn quá ít, chủ yếu là các thầy cô bộ môn khác rẽ ngang hoặc chỉ với trình độ cao đẳng, trung cấp, có người chỉ có chứng chỉ của trung tâm tin học.
Trường ĐH Sư phạm gần đây cũng đào tạo giáo viên tin học nhưng mới tốt nghiệp được khóa đầu tiên. Nếu không đầu tư đồng bộ cả cơ sở vật chất lẫn nhân lực thì tin học trong các trường phổ thông mãi chỉ dừng lại ở mức độ trang bị, không phát huy được hiệu quả của mình.
Theo Thanh Niên
▪ Nhiều đại học lúng túng với dự thảo quy chế sau ĐH (04/01/2006)
▪ Không được (06/01/2006)
▪ "Người có chức tước thích dạy sau ĐH..." (04/01/2006)
▪ ĐH khoa học ứng dụng Pforzheim tổ chức hội thảo (05/01/2006)
▪ "VN sẽ có ĐH đẳng cấp quốc tế trong 10 năm" (05/01/2006)
▪ Sẽ có hợp tác giữa Bộ GD-ĐT với vùng New England, Mỹ (04/01/2006)
▪ Đào tạo thạc sỹ bằng mọi giá? (04/01/2006)
▪ Thí điểm đào tạo liên thông: Chưa thông đã vội mở rộng (03/01/2006)
▪ Vẻ đẹp từ nỗ lực âm thầm của những người thày (03/01/2006)
▪ Bỏ thi tốt nghiệp THCS: Không thi nên không học? (03/01/2006)