Việc hàng loạt cơ sở đào tạo ngoại ngữ của SITC tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang…đột ngột “biến mất” khỏi VN đang được đông đảo dư luận quan tâm.
![]() |
Bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (đang họp tại Hà Nội), bà Trần Thị Tâm Đan - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có cuộc trao đổi nhanh.
* Vụ việc SITC những ngày gần đây đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Ý kiến của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trước sự việc này ra sao, thưa bà?
- Trong kinh doanh không thể nào không xảy ra một vài sơ suất, rủi ro vì lý do này hay lý do khác. Vấn đề là làm sao để đảm bảo quyền lợi của những người đã bỏ tiền tham gia dịch vụ kinh doanh đó.
Tôi nghĩ rằng giữa cơ quan quản lý nhà nước và những tổ chức, cơ sở mở các trung tâm đào tạo kiểu này nên phối hợp với nhau để giải quyết quyền lợi cho những người học sao cho hợp lý. Tùy theo những nguyên nhân dẫn tới rủi ro để chúng ta xử lý thế nào cho thỏa đáng, đảm bảo lợi ích của người đi học và tạo điều kiện cho các cơ sở này vượt qua thời gian khó khăn.
* Khi sự việc xảy ra, ngành giáo dục đào tạo cho rằng việc quản lý cấp phép đầu tư là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), còn ngành kế hoạch đầu tư nói việc quản lý trường lớp là của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), còn người học chỉ biết những nơi đó đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép?
- Tôi cho rằng giữa cấp phép và quản lý có quan hệ gắn bó với nhau. Khi cấp phép cũng như trong quá trình quản lý, hai cơ quan trên cần có sự phối hợp chặt chẽ, căn cứ trên cơ sở Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Giáo dục.
Các bộ này cũng phải có sự chỉ đạo chặt chẽ đối với các sở (GD-ĐT và KH-ĐT) ở các địa phương. Điểm yếu thời gian qua chính là ở chỗ sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương cũng như sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương với cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và việc báo cáo của cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương với cơ quan trung ương trong thực tế hết sức lỏng lẻo, không tốt.
* Những cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay khá nhiều và SITC chỉ là một trong số đó. Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng có dự định kiểm tra, giám sát lĩnh vực này, thưa bà?
- Những việc như SITC đã xảy ra rồi và tôi nghĩ Bộ KH-ĐT, Bộ GD-ĐT chắc chắn đã ngồi lại bàn với nhau về cách giải quyết. Nhưng chúng tôi dự kiến sẽ làm việc với Bộ GD-ĐT để nhấn mạnh hơn nữa sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với nhau và chỉ đạo các địa phương cho chặt chẽ.
Chúng ta chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời cũng phải tăng cường quản lý nhà nước ở trong nước, có vậy mới đảm bảo được lợi ích của người dân. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT và Bộ KH-ĐT đã biết rõ cần phải phối hợp với nhau như thế nào cho tốt hơn.
* Có ý kiến đề nghị nên đặt ra vấn đề ký quỹ đối với các cơ sở đào tạo nước ngoài tại VN để tránh tình trạng như SITC sau khi “biến mất” thì không còn gì để giải quyết bồi thường cho học viên.
- Tôi cho là việc điều tra của chúng ta về những cơ sở đào tạo này ở nước ngoài cần được tiến hành ngay từ khi cấp giấy phép đầu tư. Cần phải chọn lựa được những cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo. Nếu cứ như hiện nay, để xảy ra rồi mới lo xử lý hậu quả thì dù thế nào chăng nữa, quyền lợi của người dân cũng bị ảnh hưởng, thiệt thòi.
* Xin cảm ơn bà.
N.V.Hải (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Theo dòng sự kiện:
▪ SITC: Lời tường trình của một cổ đông (15/02/2006)
▪ Toàn cảnh tuyển sinh ĐH - CĐ phía nam năm 2006 (14/02/2006)
▪ "Cần minh bạch hoá chí phí về giáo dục" (14/02/2006)
▪ Trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ mở thêm 6 ngành mới (13/02/2006)
▪ 2006: ĐHDL Hồng Bàng mở hệ tại chức (14/02/2006)
▪ Thi TOEFL trực tuyến (15/02/2006)
▪ Thêm cơ hội tìm hiểu du học Mỹ (13/02/2006)
▪ Học bổng du học UWC cho học sinh lớp 11 (14/02/2006)
▪ SV lính: Thèm Valentine... ra ngoài! (14/02/2006)
▪ Chủ đầu tư Singapore đề nghị truy tìm Michael Yu (14/02/2006)