Học sinh lớp 1 phải đọc 1.500 trang SGK!
Các Website khác - 19/05/2008
Chất lượng chương trình và sách giáo khoa vẫn còn những ý kiến đánh giá khác nhau.Sẽ hạn chế việc ra đề thi yêu cầu học thuộc lòng.

Sáng qua (18-5), đại diện hơn 2.000 trường phổ thông trên toàn quốc, lãnh đạo Sở GD&ĐT 64 tỉnh, thành và đại diện một số hội, hiệp hội đã tham dự hội thảo đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức. Hàng loạt ưu, nhược điểm của chương trình và sách giáo khoa (SGK) hiện hành đã được các đại biểu phân tích, mổ xẻ.

Nhiều nội dung quá “cao siêu”

Mở đầu hội thảo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: “Tôi chưa từng dạy phổ thông nên phát biểu về chương trình và SGK rất dễ sai”. Bộ trưởng bày tỏ ông đến với hội thảo này để lắng nghe là chủ yếu. Trình bày báo cáo tổng hợp các ý kiến đánh giá chương trình và SGK, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận có nhiều đánh giá của xã hội về chất lượng, hiệu quả của chương trình, SGK mới hiện nay rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Có ý kiến khen nhưng cũng có ý kiến phê phán gay gắt.

Đại diện Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nhận xét chương trình giảng dạy có quy mô lớn, là kết quả lao động của hàng trăm chuyên gia nhưng việc xây dựng chương trình giảng dạy theo quy trình ngược. Lẽ ra phải có chương trình trước rồi mới viết SGK nhưng bộ lại tổ chức viết SGK rồi mới xây dựng chương trình sao cho phù hợp với SGK! Đại diện Hội Cựu giáo chức, GS-TS Nguyễn Mậu Bành, chỉ ra rằng SGK mới còn quá nặng. Ông Bành nêu dẫn chứng học sinh lớp 1 phải đọc tổng cộng 1.500 trang SGK trong khi sinh viên đại học năm nhất cũng không đọc nhiều như vậy.

Nhiều đại biểu dẫn chứng những kiến thức không phù hợp với lứa tuổi như ở bậc THPT học sinh phải học nhiều chương trình cao siêu như triết học duy vật biện chứng. Học sinh lớp 10 đã phải học nhiều bài thơ dài bằng chữ Hán, môn toán thì học xác suất thống kê - phần kiến thức mà sinh viên đại học tiếp cận cũng khó...

Hay do áp lực thi cử, học thêm?

Bên lề hội thảo, GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng chương trình và SGK thực chất không nặng nhưng do áp lực thi cử, việc bố trí các tiết học không hợp lý nên học sinh bị quá tải. “Nếu giáo viên cứ dạy đúng như SGK thì học sinh học không có gì là nặng. Chỉ có điều bố mẹ lo con thi trượt đại học, thi không đỗ cấp ba... nên bắt con đi học thêm, thầy cô luyện thêm cho các em nhiều bài tập nên áp lực học mới nặng nề” - GS Cương nhận xét.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng trường hợp một em học sinh lớp 12 phải thức đến hai giờ sáng để học thuộc lòng một bài văn mẫu. “Nếu ra đề mà cứ buộc học sinh học thuộc nhiều thì chắc chắn sẽ làm học sinh rất nặng nề, vất vả. Cứ duy trì phương pháp hỏi như thế thì chương trình thay đổi kiểu gì cũng vẫn quá tải” - Phó Thủ tướng nói. Ông Đào Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK vật lý cũng chỉ ra những điểm bất cập trong việc ra đề thi, soạn đáp án. Ông Phúc nói: “Có những thầy cô chép y nguyên một đoạn trong SGK ra làm đáp án, như vậy học sinh đi thi phải học thuộc mới được điểm cao”.

Nên chăng có nhiều bộ SGK?

Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng sắp tới nên có nhiều bộ SGK để phù hợp với từng vùng, miền. Về việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: “Cũng nên xem xét xem có nên khởi động viết một bộ SGK mới trên nền chương trình chuẩn trong lúc vẫn tiếp tục sử dụng bộ SGK cũ hay không? Nếu ngay từ bây giờ các cá nhân đăng ký viết SGK, bộ sẽ xem xét thẩm định các bộ SGK đó. Nếu làm tốt thì từ 2010 chúng ta có thể có một bộ SGK mới”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ GD&ĐT hiện chưa có kế hoạch biên soạn lại chương trình và SGK. Trước mắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu hội thảo chỉ ra cụ thể những sai sót trong bộ SGK hiện tại để chỉnh sửa như: những điểm không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, những nội dung sai, trùng lắp kiến thức, sai về trình tự... Sắp tới, Bộ sẽ có một hướng dẫn riêng về cách ra đề thi để hạn chế việc ra đề thi yêu cầu học thuộc lòng.